1. Cử tri xã Tây Hòa huyện Trảng Bom phản ánh: Việc thay đổi đồng hồ điện không được báo trước cho nhân dân, không được giải thích lý do trong khi đồng hồ cũ còn sử dụng tốt.
Trả lời: Theo Quyết định số 65/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 19.8.2002 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và Quyết định số 2041/QĐ-EVN-KD&ĐNT ngày 01.8.2003 của Tổng công ty Điện lực Việt Nam thì việc thay thế điện kế định kỳ cho các hộ sử dụng điện được tiến hành 5 năm một lần đối với điện kế 1 pha. Do hiện nay các điện kế được sử dụng tại khu vực xã Tây Hòa đã tới kỳ hạn thay bảo trì nên Điện lực Thống Nhất đã tiến hành thay bảo trì điện kế cho khu vực này. Mặt khác tại địa bàn Điện lực Thống Nhất quản lý đã xuất hiện nhiều trường hợp niêm chì giả vì vậy việc thay điện kế cũ bằng điện kế mới sử dụng chì niêm phát quang của Điện lực Thống Nhất nhằm tránh tình trạng làm giả niêm chì để lấy cắp điện.
2. Cử tri Đặng Bá Duận thường trú tại ấp Hòa Bình xã Giang Điền huyện Trảng Bom phản ánh: Ông Duận lưu thông trên đường bị dây điện rớt trúng đầu gây thương tích, gia đình đã liên hệ với Điện lực nhưng được trả lời Điện lực không có trách nhiệm bồi thường.
Trả lời: Đoạn dây điện gây ra tai nạn cho ông Đặng Bá Duận là đoạn dây kéo từ trục hạ thế vào nhà ông Nguyễn Trường Chinh.
Căn cứ vào hợp đồng mua bán điện sinh hoạt ký kết giữa Điện lực Thống Nhất với khách hàng Nguyễn Trường Chinh về quyền và nghĩa vụ của bên mua điện được thống nhất như sau: “… chịu trách nhiệm quản lý từ đoạn dây vào đến công tơ( kể cả công tơ) thuộc địa phận quản lý của bên mua điện( đối với công tơ đặt trong nhà)…”
Căn cứ điều 28 Nghị định số 169/2003/NĐ-CP ngày 24.12.2003 của Chính phủ về an toàn điện như sau: “ Cơ quan, đơn vị, chủ hộ sử dụng điện phải có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn hệ thống điện của mình, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố điện”
Theo các quy định như trên thì hộ ông Nguyễn Trường Chinh có trách nhiệm quản lý đoạn dây đứt đã gây ra tai nạn cho ông Đặng Bá Duận.
Tuy nhiên, sau khi ông Duận được chữa trị tại Trung tâm y tế huyện Thống Nhất, Điện lực Thống Nhất cũng đã cử người đến thăm hỏi, động viên và trợ giúp gia đình số tiền là 400.000 đồng, đồng thời đã có văn bản trả lời khiếu nại cho gia đình ông Đặng Bá Duận vào ngày 25.4.2005.
3. Cử tri xã Bảo Bình huyện Cẩm Mỹ phản ánh khi vay vốn thông qua hình thức thế chấp quyền sử dụng đất tại Ngân hàng nông nghiệp người dân phải trích lục bản đồ giải thửa đã gây khó khăn cho dân. Đề nghị Ngân hàng khi cho dân vay vốn chỉ yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm căn cứ thế chấp, không yêu cầu trích lục bản đồ.
Trả lời: Việc trích lục sơ đồ thửa đất trong hồ sơ đảm bảo nợ vay bằng quyền sử dụng đất được quy định tại điều 25 Nghị định 17/1999/NĐ-CP ngày 29.3.1999, khoản 12 điều 1 Nghị định 79/2001/NĐ-CP ngày 01.11.2001 và khoản 2 mục III Thông tư liên tịch số 03/2003/TTLT/BTP-BTNMT của Bộ tư pháp và Bộ Tài nguyên Môi trường.
Theo quy định tại điều 153 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29.10.2004 hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2003 quy định về trình tự, thủ tục đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất không đề cập đến việc phải có sơ đồ thửa đất trong hồ sơ thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất. Do đó hiện nay Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn không yêu cầu khách hàng vay vốn thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất phải trích lục hồ sơ thửa đất.
4. Cử tri hai xã Núi Tượng và Phú Lập huyện Tân Phú đề nghị Ngân hàng có chính sách hỗ trợ cho phát triển kinh tế trang trại thông qua hình thức xét duyệt và cho vay vốn trung hạn.
Trả lời: Đầu tư cho kinh tế trang trại nói riêng và đầu tư cho phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung là những đối tượng truyền thống của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai. Tính đến 30.6.2005, dư nợ cho vay tại hai xã Núi Tượng và Phú Lập huyện Tân Phú là 13.426 triệu đồng trong đó dư nợ trung hạn là 3.451 triệu đồng chiếm tỷ lệ 26%. Riêng vốn vay cho 35 trang trại của hai xã là 2,7 tỷ đồng. Đây là mức vốn cho vay tương đối cao so với các xã khác trên địa bàn huyện Tân Phú.
Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cho vay trung hạn thời gian tối đa là 60 tháng để khách hàng thực hiện các dự án, phương án có thời gian thu hồi vốn kéo dài như trồng cây lâu năm, xây dựng chuồng trại, mua sắm máy móc thiết bị… Để vay vốn trung hạn khách hàng phải có phương án khả thi nằm trong quy hoạch kinh tế xã hội của địa phương, có vốn tự có tham gia dự án tối thiểu 15%, khách hàng phải xác định được khả năng thu nhập để trả nợ cho ngân hàng và phải có tài sản đảm bảo nếu mức vay phải thực hiện các biện pháp đảm bảo tiền vay.
5. Cử tri xã Phú Ngọc, Ngọc Định huyện Định Quán đề nghị tỉnh quan tâm xây dựng cầu 107 bắc qua xã Thanh Sơn huyện Định Quán để tạo điều kiện nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế của xã.
Trả lời : Dự án xây dựng cầu 107 qua sông Đồng Nai xã Thanh Sơn trước đây đã được lập dự án đầu tư, nguồn vốn triển khai dự án từ nguồn JIBIC của Nhật Bản. Tuy nhiên, do không đăng ký được vốn JIBIC nên dự án đã bị huỷ bỏ không thực hiện tiếp.
Theo đề nghị của UBND huyện Định Quán tại tờ trình số 116/TTr-UBH ngày 21/9/2004, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 1587/CV-KHĐT-KTN ngày 04/10/2004 về việc đầu tư cầu 107 – sông Đồng Nai - Huyện Định Quán, nội dung công văn kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho huyện Định Quán được lập dự án và thiết kế kỹ thuật - Tổng dự toán công trình trên. Về nguồn vốn do ngân sách tỉnh đang gặp khó khăn do đó trước mắt bố trí ngân sách tỉnh để lập dự án và lập hồ sơ Thiết kế kỹ thuật - Tổng dự toán, khi đã có dự án sẽ kêu gọi các nguồn vốn đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT đầu tư dự án cầu 107 – sông Đồng Nai bằng nguồn vốn ODA.
Theo quy hoạch giao thông, dự kiến sẽ mở một tuyến đường liên huyện từ Lý Lịch (huyện Vĩnh Cửu) đi qua cầu 107 – sông Đồng Nai qua xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) nối ra Quốc lộ 20. Tuyến đường và cầu 107 được hình thành sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội cho khu vực vùng sâu vùng xa của cả hai huyện Vĩnh Cửu và Định Quán. Như vậy việc đầu tư xây dựng cầu 107 sông Đồng Nai qua xã Thanh Sơn là rất cần thiết. Qua phân tích như trên, Sở GTVT Đồng Nai thống nhất với kiến nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trước mắt lập dự án và TKKT-TDT bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, sau khi đã có dự án sẽ kêu gọi các nguồn vốn đầu tư.
6. Cử tri huyện Long Thành phản ánh: Đường liên huyện từ ngã ba Thái Lan Quốc lộ 51 vào ngã ba Dân Chủ nhất là từ ngã ba Dân Chủ thông qua huyện Thống Nhất mật độ người tham gia giao thông ngày càng nhiều do phát triển khu công nghiệp Tam Phước, khu công nghiệp Trảng Bom, đường đã xuống cấp hư hỏng nặng, thường xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Đề nghị có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp.
Cử tri xã đồi 61 huyện Trảng Bom phản ánh: Việc xây dựng đường liên huyện Trảng Bom- Long Thành đã được nêu ra từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Đề nghị khẩn trương thi công. Nếu không đủ điều kiện làm đường nhựa, đề nghị nâng cấp, rải đá cho nhân dân đi lại.
Trả lời :Hai tuyến đường cử tri phản ánh nêu trên là tuyến đường liên huyện Trảng Bom – Long Thành nối từ QL1 đến ngã ba giao với QL51 (ngã ba Thái Lan), tuyến đường này được chia làm hai đoạn và được lập thành 02 dự án như sau :
+ Dự án 1 : Đường vào khu xử lý chất thải rắn (đoạn từ QL1 đến khu xử lý chất thải rắn) - Huyện Thống Nhất (nay là huyện Trảng Bom). Tuyến này đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3211/QĐ.CT.UBT ngày 01/9/2001 và đã được Sở GTVT Đồng Nai phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - Tổng dự toán tại Quyết định số 275/QĐ.GTVT ngày 27/8/2002. Tuyến dài 10,5 km, thiết kế nền đường rộng 10m, mặt đường BTNN rộng 7m, lề đường sỏi đỏ hai bên mỗi bên rộng 1,5m.
+ Dự án 2 : Đường vào khu xử lý chất thải rắn (đoạn từ QL51 đến khu xử lý chất thải rắn) - Huyện Long Thành. Tuyến này đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3212/QĐ.CT.UBT ngày 07/9/2001 và đã được Sở GTVT Đồng Nai phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - Tổng dự toán tại Quyết định số 80/QĐ.GTVT ngày 19/12/2001. Tuyến dài 8,65 km, thiết kế nền đường rộng 10m, mặt đường BTNN rộng 7m, lề đường sỏi đỏ hai bên mỗi bên rộng 1,5m.
- Tuyến đường trên là tuyến đường quan trọng góp phần phân luồng giao thông, giảm bớt lưu lượng xe trên Quốc lộ 1 đi Long Thành và Bà Rịa Vũng Tàu, phục vụ nhu cầu vận chuyển của các khu công nghiệp, đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên các năm qua chưa ghi được kế hoạch vốn để triển khai xây dựng công trình.
- Để tiếp tục thực hiện dự án, Sở Kế hoạch Đầu tư tại công văn số 817/CV-KHĐT-XDCB ngày 06/6/2005 đã đề xuất phương án như sau :
+ UBND huyện Trảng Bom và Long Thành tiếp tục triển khai hoàn tất công tác GPMB.
+ Ban QLDA khu vực chuyên ngành GTVT tiến hành điều chỉnh hồ sơ và trình duyệt theo quy định hiện hành (điều chỉnh TKKT – TDT, dự toán theo hướng dẫn số 258/HD-SXD ngày 06/4/2005 của Sở Xây Dựng) và cho phép tổ chức đấu thầu theo hình thức nhà thầu ứng vốn trước không tính lãi, ngân sách bố trí kế hoạch vào cuối năm 2005 và năm 2006.
- Hiện nay, trong quá trình triển khai thực hiện dự án còn một số vướng mắc cần phải được xem xét giải quyết như : Sự thay đổi địa hình ngoài thực địa làm ảnh hưởng đến hồ sơ thiết kế, thay đổi giá trị khối lượng xây lắp công trình ; Sự thay đổi chi phí xây lắp, chi phí kiến thiết cơ bản khác … theo các quy định hiện hành của nhà nước.
Vì vậy, Ban QLDA GTVT là đơn vị chủ đầu tư hai dự án trên đã có công văn số 544/BQLDA-KH ngày 27/6/2005 kính trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương lập lại hồ sơ khảo sát, thiết kế kỹ thuật - Tổng dự toán. Hiện đang chờ UBND tỉnh Đồng Nai xem xét có ý kiến chỉ đạo.
7. Đường Hương lộ 2 xã Long Hưng đã có dự án từ lâu nhưng việc thực hiện dự án chậm, thi công trì trệ. Đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tạo điều kiện giao thông thuận lợi phát triển kinh tế địa phương.
Trả lời :Tuyến đường Hương lộ 2 trước đây được đầu tư bằng nguồn vốn WB2 nhưng do kinh phí của dự án có hạn và tiêu chí của dự án chỉ đáp ứng một số yêu cầu nhất định nên về mặt khai thác còn một số yếu kém (tiêu chí của dự án là cho phép ngập đường trong thời gian ngắn và đường có thể bị xói một số nơi sau đó sửa chữa lại để sử dụng). Vì vậy, tại một số vị trí sau khi thi công xong vẫn bị ngập thường xuyên mỗi khi nước triều hoặc sau các trận mưa. Để đảm bảo việc khai thác tuyến đường phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế cho khu vực này, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn số 1698/UBT ngày 24/4/2003 chủ trương chấp thuận nâng nền đường Hương Lộ 2 vượt qua đỉnh lũ năm 2001.
Ngày 27/10/2003, UBND tỉnh ban hành quyết định số 4071/QĐ.CT.UBT V/v duyệt dự án đầu tư.
Trong quá trình thực hiện, do thay đổi chính sách đến ngày 16/6/2004, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2325/QĐ.CT.UBT V/v điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.
Ngày 06/8/2004, Sở GTVT ban hành Quyết định số 197/QĐ.GTVT V/v phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán.
Ngày 05/10/2004, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định 4677/QĐ.CT.UBT V/v phê duyệt kế hoạch đấu thầu xây lắp.
Ngày 17/12/2004, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Thông báo số 7405/TB.UBT thông báo kết quả đấu thầu công trình trên. Đơn vị trúng thầu là nhà thầu liên danh Công ty TNHH xây dựng Phú Vinh và Công ty công trình và thương mại Đặng Lê.
Ngày 30/12/2004, đơn vị trúng thầu khởi công xây dựng công trình. tiến độ thực hiện dự án là 118 ngày (đến ngày 27/4/2005 thi công hoàn thành).
Tuy nhiên, trong quá trình thi công do khối lượng nâng nền lớn vì vậy gặp khó khăn trong việc khai thác nguồn vật tư phục vụ công trình (ngày 04/5/2005 UBND tỉnh có công văn số 2594/CV-UBT về việc chấp thuận chủ trương khai thác đất, ngày 06/4/2005 UBND tỉnh có công văn số 2013/CV-UBT ngày 06/4/2005 về việc chấp thuận chủ trương cho bơm cát để thi công), bên cạnh đó hiện nay công trình còn gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng tại xã Tam An (02 hộ dân không cho thi công) vì vậy đã ảnh hưởng đến thời gian thi công, kéo dài tiến độ thi công.
13. Cử tri xã Xuân Tiến Thị xã Long Khánh đề nghị: Đặt cống thoát nước qua Quốc lộ 56 khu vực ấp Tân Phong xã Xuân Tân do khi mưa, toàn bộ nước mưa tràn vào nhà và đất của dân gây ngập úng ảnh hưởng đến cây trồng và môi trường.
Trả lời : Tuyến Quốc lộ 56 hiện đang triển khai thực hiện dự án, quy mô dự án nâng cấp QL56 như sau :
* Chiều dài toàn tuyến 18,1 km, điểm đầu tuyến tại ngã ba Tân Phong huyện Cẩm Mỹ và điểm cuối tuyến trùng với km18+020 của Quốc lộ 56 đoạn qua tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
* Phần đường: Cấp quản lý III, cấp kỹ thuật 80.
+ Đoạn KM0 + 000 đến Km1 +000 ( chiều dài khoảng 1Km ): Bnền = 22m, Bmặt = 12m, hè 2x5m.
+ Đoạn còn lại Km1 + 000 đến Km18 + 174: Bnền = 16m, Bmặt = 12m.
* Bố trí 01 nút giao bằng có đảo dẫn hướng tại vị trí giao cắt với Quốc Lộ 1.
* Phần cầu cống: quy mô vĩnh cửu, tải trọng H30 – XB80.
* Hệ thống an toàn giao thông:
+ Hoàn chỉnh hệ thống cọc tiêu biển báo hiệu, an toàn giao thông.
+ Xây dựng vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng.
Hiện nay, công trình này đã được khởi công ngày 01/6/2005, đơn vị thi công là Liên doanh Công ty Đồng Tân và Công ty Vật tư thiết bị và xây dựng công trình 624. Tiến độ thi công từ ngày 01/6/2005 đến ngày 15/9/2006.
Như vậy khi tiến hành thi công sẽ xây dựng hệ thống cống thoát nước dọc và ngang đường đảm bảo việc tiêu thoát nước không gây ngập úng cho dân cư.