Với tỷ lệ đơn giản hóa TTHC lên đến 88% gắn với tổng số chi phí tuân thủ cắt giảm được lên đến gần 30.000 tỷ đồng/năm, có thể nói đại đa số các TTHC được ban hành trong thời gian qua đều có những tồn tại làm phát sinh chi phí và rủi ro cho các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện thủ tục, cũng như làm giảm hiệu quả, hiệu lực của quản lý Nhà nước. Việc kiểm soát TTHC, trong đó trọng tâm là việc đánh giá tác động các quy định về TTHC sắp được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung sẽ giúp duy trì và phát huy những lợi ích của Đề án 30 đối với xã hội, góp phần nâng cao chất lượng, thể chế, thúc đầy các hoạt động đầu tư, kinh doanh và các hoạt động xã hội khác. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7416/VPCP-TCCV ngày 15/10/2010: “Bảo đảm nguyên tắc chỉ ban hành hoặc duy trì các TTHC thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất”.Thông qua việc đánh giá tác động các quy định về TTHC, các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản QPPL quy định về TTHC sẽ chứng minh với các cấp có thẩm quyền và với xã hội về sự cần thiết của từng TTHC dự kiến ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung sau khi đã xác định rõ những vấn đề cần giải quyết và cân nhắc những giải pháp khác nhau để lựa chọn được giải pháp hợp lý nhất; với chi phí và rủi ro thấp nhất cho các đối tượng tuân thủ TTHC, bảo đảm tuân thủ các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Việc đánh giá tác động sẽ giúp các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản xây dựng được các quy định về TTHC tốt theo các tiêu chí như:
Thứ nhất là Sự cần thiết: Cơ quan chủ trì soạn thảo phải chứng minh được việc ban hành TTHC là cần thiết nhằm giải quyết một hoặc một số những vấn đề cụ thể, sau khi đã cân nhắc các giải pháp thay thế khác.
Thứ hai là Tính hợp lý: Cơ quan chủ trì soạn thảo phải giải trình được vai trình được vai trò, mục đích của từng bộ phận, thành phần nhỏ nhất của dự thảo TTHC; bảo đảm sự rõ ràng, cụ thể, không chồng chéo, trùng lặp của các quy định về TTHC; phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội, trình độ quản lý.
Thứ ba: Tính hợp pháp đúng thẩm quyền, đúng trình tự và thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật thực hiện hành cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Thứ tư: Tính hiệu quả, quy định về TTHC cần đạt được mục tiêu đề ra với mức chi phí thấp nhất cho cá nhân, tổ chức.
Ngọc Hiền