Trong nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
|
Mô hình thiết bị "Tách và phân loại sản phẩm" của Trường dạy nghề số 2 |
Tuy nhiên, so với số dân trên 2,2 triệu người với 16 Khu công nghiệp trong toàn tỉnh như hiện nay, thì những kết quả trong thời gian qua còn khá khiêm tốn. Trong giai đoạn 2006-2010 và hướng tới năm 2020, để trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, Đồng Nai thực sự cần có một đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực trong tổ chức, điều hành, quản lý xã hội. Đây phải là một nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm cho yêu cầu phát triển bền vững về kinh tế-xã hội của tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, ngày 21 tháng 7 năm 2005 vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đã nhất trí tán thành việc ban hành Nghị quyết số 51/2005/NQ-HDND7 Về Phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến 2020.
Đề án phát triển nguồn nhân lực được phê chuẩn bao gồm 06 chương trình, cụ thể như sau:
-Chương trình đào tạo lao động kỹ thuật cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội: Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh lên 40%, trong đó tỉ lệ thợ bậc cao, trung học chuyên nghiệp, cao đẳêng, Đại học , chuyên gia kỹ thuật ngày càng tăng. Việc thực hiện bao gồm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề đạt chuẩn; cải tiến, cập nhật chương trình đào tạo sát với yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Đáng kể là việc xây dựng mô hình liên kết đào tạo “3 nhà”: Nhà nước-Nhà trường- Nhà doanh nghiệp và việc kêu gọi sự đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn để thành lập quỹ đào tạo nghề.
-Chương trình đào tạo sau Đại học: nhằm bổ sung nguồn nhân lực trẻ có trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, với mục tiêu đến năm 2010 là đưa đi đào tạo 400 Thạc sỹ và 100 Tiến sỹ , trong đó có 50 Thạc sỹ và 20 Tiến sỹ được đào tạo ở nước ngoài, tập trung đào tạo nhân lực cho các ngành, các lĩnh vực còn thiếu, yếu và các lĩnh vực có định hướng phát triển của tỉnh .
-Chương trình đào tạo cán bộ nữ :nhằm đào tạo nguồn cán bộ nữ có trình độ và điều kiện để tham gia công tác lãnh đạo , quản lý, nghiên cứu khoa học kỹ thuật đảm bảo cho phụ nữ thực sự tiến bộ, bình đẳng về mọi mặt. Để thực hiện tốt chương trình này, công tác khảo sát quy hoạch cán bộ nữ ở độ tuổi dưới 35 ở các ngành các cấp để quy hoạch định hướng là việc ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra còn có chính sách khuyến học đặc thù cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, nữ đang trong thời kỳ thai sản hoặc nuôi con nhỏ. Việc lập quỹ để đào tạo và khuyến khích tài năng nữ trẻ, khen thưởng đối với những gương cán bộ nữ điển hình vượt khó học tập cũng được đưa vào chương trình.
-Chương trình đào tạo bổ sung nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị: vơi mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ cán bộ, công chức trẻ, có đủ điều kiện, đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, được bố trí rèn luyện, thử thách ở các nhiệm vụ cần thiết để bổ sung vào chức vụ, công việc theo quy hoạch phát triển hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tập trung cho cấp xã, phường, thị trấn. Để thực hiện được chương trình này, các cấp các ngành phải phối hợp chọn lọc con em cán bộ cơ sở, cán bộ cấp xã tuổi dưới 35, con em cán bộ, gia đình chính sách…. có phẩm chất đạo đức tốt, đủ điều kiện về năng lực tiếp thu kiến thức để đi đào tạo tại trường chính trị tỉnh, bồi dưỡng kiến thức tin học, ngoại ngữ, giao tiếp… để bổ sung cho cấp huyện. Việc quy hoạch cán bộ, công chức trẻ dưới 30 tuổi đáp ứng đủ các các tiêu chuẩn về lý lịch, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác cũng là một giải pháp để tạo nguồn nhân lực bổ sung cho bộ máy chính trị các cấp.
-Chương trình đào tạo bồi dưỡng năng khiếu: với mục tiêu phát hiện kịp thời để ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo các em trong điều kiện tốt nhất để trở thành tài năng trẻ đóng góp cho xã hội, thành nhân tài cho đất nước. Việc thực hiện chương trình này bao gồm một số giải pháp như: lập các câu lạc bộ hoặc lớp năng khiếu từ cơ sở để phát hiện kịp thời; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu về các mặt, với các phương pháp đào tạo tiến bộ, phù hợp với năng khiếu của các em trên từng lĩnh vực; ban hành quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho học sinh năng khiếu ở các trường, kể cả học sinh khuyết tật; có chính sách tuyển dụng ,thu hút, đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên giam gia công tác đào tạo đội ngũ học sinh năng khiếu; việc nâng cấp trường Trung học Phổ thông chuyên Lương Thế Vinh theo hướng ngang tầm trong khu vực Đông Nam Á, bảo đảm đủ các điều kiện giảng dạy tiên tiến hiện đại để đón đầu nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai.
-Chương trình đào tạo, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ, kiến thức đối ngoại cho cán bộ chủ chốt và đào tạo phiên dịch :nhằm bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng tin học, ngoại ngữ vào chuyên môn cho cán bộ chủ chốt, đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác phiên dịch cho tỉnh. Giải pháp thực hiện bao gồm một số bước như: liên hệ với các trường đại học quốc tế, Đại học RMIT, Bộ Ngoại giao, sứ quán các nước có quan hệ để được hỗ trợ, đưa đi du học ở nước ngoài; có cơ chế khen thưởng đối với thành tích học tập tốt và kỷ luật những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ học tập được giao.
Kim Chung