Hoạt động giám sát: Đồng hành về số lượng và chất lượng: Một năm với 13 cuộc giám sát chuyên đề, các vấn đề được giám sát luôn gắn liền với tình hình kinh tế xã hội của đất nước và thực tế địa phương như: Vấn đề cải cách thủ tục hành chính; thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra kinh tế xã hội; công tác quản lý thị trường và phòng chống tệ nạn xã hội; hoạt động của các cơ quan Tư pháp … Sau 13 cuộc giám sát đã có 45 kiến nghị sát thực kiến nghị đối với UBND tỉnh, các cơ quan được giám sát và cơ quan có liên quan nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại mà hoạt động giám sát đã làm rõ. Trước mỗi cuộc giám sát, công tác chuẩn bị được thực hiện đầy đủ, chu đáo nhằm nâng cao chất lượng giám sát. Không chỉ căn cứ vào những báo cáo của đơn vị giám sát, tài liệu phục vụ cho hoạt động giám sát còn bao gồm cả những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, chương trình, kết quả hoạt động trong thời gian trước của đơn vị và đặc biệt là những thông tin kể cả tích cực và tiêu cực được thu thập, chắt lọc nhằm làm rõ qua giám sát từ đó chỉ ra những kết quả và hạn chế của đơn vị. Chính vì có công tác chuẩn bị, nghiên cứu chu đáo, các cuộc giám sát đều đảm bảo về chất lượng nhưng không nặng nề, không gây khó khăn cho đơn vị được giám sát. Các kiến nghị đảm bảo tính chính xác, kịp thời do đó hầu hết đều được các cơ quan đồng tình và tiếp thu thực hiện.
Công tác tiếp dân và giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo: Tiếp cận nhiều vụ việc bức xúc, nổi cộm: Trong số 3 ban của Hội đồng nhân dân thì có thể nói ban Pháp chế là ban “đắt” nhất trong việc giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Được sự uỷ quyền của thường trực Hội đồng, ban Pháp chế thực hiện tiếp công dân vào các ngày thứ hai hàng tuần. Theo kinh nghiệm cũng như thực tiễn, đây cũng chính là ngày có lượng người đến phòng tiếp dân để phản ánh những khiếu nại, tố cáo nhiều nhất. Do lịch tiếp dân được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh vì thế nhiều người “đợi” ngày ban Pháp chế tiếp công dân để đến. Không chỉ gặp trình bày và gửi trực tiếp, đơn còn được gửi qua đường bưu điện, có khi nơi nhận là Ban nhưng cũng có khi là đích danh Trưởng, Phó hay thành viên của ban. Nội dung khiếu nại thường phức tạp bởi có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều thời điểm khác nhau đặt ra yêu cầu cho việc xem xét đơn phải có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ càng, nghiêm túc, thận trọng và quan trọng nhất vẫn là phải tôn trọng những quy định của pháp luật. Ban pháp chế đã tiến hanh giám sát 09 đơn có tính bức xúc nổi bật trong tổng số 25 đơn khiếu nại, tố cáo gửi riêng đến ban và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời công dân. Số lượng đơn giám sát không phải là nhiều nhưng những đơn được tổ chức giám sát đều có chọn lọc và phải là những vụ việc thật sự cần thiết phải tiến hành giám sát và giám sát đều đạt kết quả.
Tiếp xúc cử tri, chất vấn tại kỳ họp: Đưa ra những vấn đề “nóng”: Trước và sau mỗi kỳ họp, việc tiếp xúc cử tri của mỗi thành viên trong ban được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Những vấn đề cử tri phản ánh mà mỗi thành viên chuyển về Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh luôn là những phản ánh chính xác và được dư luân quan tâm: Việc chậm xây dựng giao thông nông thôn, công nhận quyền sử dụng nhà ở, ô nhiễm môi trường trong khu vực chăn nuôi tự phát, chất lượng cung cấp các dịch vụ cho người tiêu dùng… Các thành viên của Ban tích cực trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp và các chất vấn đã nhận được sự quan tâm của dư luận, sự đồng tình của nhân dân. Không chỉ dừng lại ở việc chất vấn và nghe trả lời chất vấn tại kỳ họp, việc tiếp thu, khắc phục những nội dung phản ánh qua chất vấn của các cơ quan cũng được các thành viên Ban quan tâm theo dõi qua đó nhận thấy những vấn đề chất vấn đều được cơ quan có liên quan tiếp thu, khắc phụ.
|
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Tạ Trung Hiếu tại Hội nghị phối hợp hoạt động của Thường trực HĐND cấp tỉnh và huyện |
Tham mưu cho Thường trực Hội đồng nhân dân: Có hiệu quả: Tham gia các đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, ban Pháp chế đã có những ý kiến đề xuất nhằm nâng cao chất lượng giám sát. Cụ thể đã có ý kiến đối với những vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp như: Vấn đề giải toả, tái định cư tại phường Long Bình thành phố Biên Hoà; Dự án xây dựng khu du lịch Sơn Tiên và sân Golf Long Thành… Tham gia xây dựng chuyên đề bồi dưỡng kỹ năng hoạt động của Ban Hội đồng nhân dân cấp xã đồng thời tham gia xây dựng Đề tài khoa học của Hội đồng nhân dân nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt đồng của HĐND cấp xã trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Công tác phối kết hợp với cấp huyện chặt chẽ và được thực hiện thường xuyên nhằm nắm bắt kết quả hoạt động cũng như những khó khăn, vướng mắc của cấp huyện trong thực hiện nhiêm vụ.
Với những kết quả đạt được như trên, trong năm 2005 ban pháp chế đánh giá đã hoàn thành nhiệm vụ được giao đồng thời cũng đã đề ra chương trình hoạt động trong năm 2006 với mong muốn phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong năm 2005 vừa qua.
N.T.O