Trong thời gian qua, việc phối hợp giữa HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan, thể hiện được sự thống nhất cao trong công tác chỉ đạo, điều hành của HĐND, UBND tỉnh.Tuy nhiên, yêu cầu công việc của Thường trực HĐND tỉnh và lãnh đạo của UBND tỉnh có rất nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, đặc biệt các vị đại biểu HĐND tỉnh là cán bộ thuộc quản lý của UBND tỉnh cần có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ theo quy định. Vì vậy, Thường trực HĐND và UBND tỉnh đã thống nhất chỉ đạo xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh.
Quy chế gồm 3 chương, 12 điều, bao gồm các quy định về mối quan hệ phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành của HĐND, UBND tỉnh theo quy định của pháp luật gồm: quy định chung, các quy định cụ thể về mối quan hệ thường xuyên, công tác xây dựng pháp luật, bầu cử, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại-tố cáo, chế độ thông tin, báo cáo, tổ chức họp, hội nghị. Về cơ bản, quy chế không lặp lại các nội dung đã được quy định, cũng không quy định các nội dung vượt quá thẩm quyền giải quyết công việc của Thường trực HĐND, UBND tỉnh, mà chủ yếu là xây dựng một số lề lối, phương thức giải quyết các công việc quan trọng và có tính thường xuyên đảm bảo khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn, vừa tạo điều kiện cho lãnh đạo thực hiện được nhiệm vụ theo quy định, vừa giúp cho các Văn phòng giúp việc có cơ sở tham mưu công tác chỉ đạo, điều hành đạt yêu cầu.
Bà Huỳnh Thị Nga-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh lấy ý kiến các đại biểu tham dự đóng góp cho dự thảo quy chế
Về nguyên tắc chung, mối quan hệ công tác giữa Thường trực HĐND và UBND tỉnh là quan hệ bình đẳng, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cho các bên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, một số điểm nổi bật của Quy chế cụ thể gồm:
Thứ nhất, về mối quan hệ công tác thường xuyên: việc xây dựng lịch công tác hàng tuần được giao cho Chánh Văn phòng ĐĐBQH&HĐND tỉnh và Chánh Văn phòng UBND tỉnh trao đổi thống nhất trước khi ban hành vào ngày thứ năm hàng tuần nhằm đảm bảo công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh. Ngoài ra, việc UBND tỉnh cử cán bộ thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh nhưng đồng thời là đại biểu HĐND tỉnh đi công tác nước ngoài hoặc học tập dài ngày trong thời gian trùng với thời điểm có các hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát, kỳ họp hoặc các hoạt động khác của HĐND tỉnh cũng cần có sự trao đổi, thống nhất trước nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của đại biểu HĐND tỉnh theo quy định.
Thứ hai, công tác xây dựng pháp luật: Bao gồm việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp các dự án luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, các văn bản quy phạm pháp luật và các vấn đề quan trọng của địa phương xét thấy cần thiết phải lấy ý kiến. Bên cạnh đó, quy định thêm về lề lối, phương thức xây dựng và ban hành văn bản Quy phạm pháp luật và các văn bản khác của tỉnh. Cụ thể, trong quy trình xây dựng đề án thuộc chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh hàng năm, UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn mời các Ban của HĐND tỉnh tham gia từ giai đoạn họp lấy ý kiến các ngành để thảo luận và góp ý cho đề án trước khi hoàn thiện gửi các Ban HĐND tỉnh để thẩm tra, trừ một số đề án thuộc lĩnh vực chuyên ngành quy định thời gian phối hợp ngay từ đầu. Về quan điểm chung, UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn thường có nguyện vọng mời các Ban HĐND tỉnh tham gia ngay từ đầu để cùng đóng góp ý kiến, định hướng triển khai thực hiện đảm bảo khoa học, đúng quy định. Tuy nhiên, thực tế xây dựng đề án thời gian qua cho thấy điều kiện nhân lực của các Ban HĐND tỉnh chưa đảm bảo cho việc tham gia tất cả các đề án mà chỉ có thể tham gia một cách có chọn lọc đối với những đề án đặc thù có quy định phải phối hợp từ đầu.
Thứ ba, công tác tiếp xúc cử tri: UBND tỉnh cử thành viên của UBND tỉnh hoặc lãnh đạo cơ quan chuyên môn dự các cuộc tiếp xúc cử tri trong một số trường hợp đặc biệt. Cụ thể, tại một số địa bàn có những vấn đề nổi cộm, phức tạp, bức xúc, kéo dài qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri cần được giải quyết, trả lời dứt điểm; hoặc các cuộc tiếp xúc cử tri theo ngành, theo giới, theo chuyên đề … do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức. Trong các trường hợp này, Thường trực HĐND tỉnh trao đổi thống nhất với UBND tỉnh về nội dung, thời gian, địa điểm tiếp xúc để UBND tỉnh cử cán bộ dự, trả lời ý kiến cử tri. Sau các cuộc tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND tỉnh tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới UBND tỉnh, cơ quan nhà nước hữu quan để nghiên cứu trả lời, giải quyết, giải trình tại kỳ họp HĐND theo quy định.
Thứ tư, chế độ thông tin báo cáo: Theo quy định chung thì UBND tỉnh gửi các văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành đến Thường trực HĐND tỉnh để chuyển đến đại biểu HĐND tỉnh. Đồng thời, gửi Thường trực HĐND tỉnh các báo cáo liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế xã hội- quốc phòng an ninh của tỉnh. Ngoài ra, quy định cụ thể việc UBND, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có trách nhiệm tập hợp hồ sơ, hệ thống hóa tài liệu để cung cấp cho Thường trực HĐND tỉnh khi có văn bản đề nghị về những vấn đề phát sinh do yêu cầu hoạt động của HĐND tỉnh.
Quang cảnh lễ ký kết Quy chế phối hợp Thường trực HĐND, UBND tỉnh
Một nội dung khác cũng được đề cập đến tại Quy chế, đó là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ hoạt động của HĐND tỉnh và hoạt động quản lý điều hành của UBND tỉnh. Văn phòng ĐĐBQH&HĐND tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau, tích cực triển khai gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước, tăng cường liên thông giữa phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc của HĐND tỉnh với phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc của UBND tỉnh để tạo điều kiện tra cứu thông tin tiện lợi, nhanh chóng.
Kim Chung