Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 92-T1&T2-2013

Những giải pháp thực hiện đề án phát triển quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới

Đăng ngày: 24/06/2013
​Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động với gần  700.000 công nhân, trong đó 60% là lao động nhập cư. Trước tình hình sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay, đời sống của nhân dân lao động và của công nhân gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là về nhà ở. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 115/2008/NQ-HĐND về Thông qua Đề án phát triển quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp có điều kiện ổn định chỗ ở, an tâm làm việc.

​     Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, vừa qua Ông Nguyễn Thanh Lâm- Phó Giám đốc Sở Xây dựng  đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện dự án này trên địa bàn tỉnh như sau:

     Mục tiêu đề ra tại nghị quyết 115/2008/NQ-HĐND là đến năm 2020 có 50% tổng số cán bộ, công chức, viên chức gặp khó khăn về chỗ ở được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội; bố trí chỗ ở phù hợp theo tiêu chuẩn nhà ở xã hội cho 40% tổng số công nhân lao động làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn tỉnh có nhu cầu về nhà ở (còn lại tỉ lệ 60% là do dân cư tham gia đầu tư kinh doanh nhà trọ cho thuê theo chủ trương xã hội hóa của Tỉnh ủy và UBND tỉnh)

     Theo kết quả điều tra nhà ở năm 2009 toàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 43,6 triệu m² nhà ở, diện tích bình quân đạt 17,6 m²/người (trong đó tại đô thị 18,5 m²/người, nông thôn 17,1 m²/người); tỉ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố đạt 91,4%; nhà thiếu kiên cố còn 3,1%; nhà đơn sơ còn 5,5%.Tình hình phát triển các khu dân cư tập trung, các khu đô thị trong thời gian vừa qua: Đến nay đã có trên 400 dự án lớn nhỏ phát triển khu dân cư và khu đô thị với quy mô 12.000 ha. Có nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển khu dân cư; cơ cấu khu dân cư từ vài hecta đến hàng trăm hecta với đầy đủ, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Tuy nhiên trong tình hình chung hiện nay, hoạt động đầu tư vào các dự án nhà ở có dấu hiệu chững lại do thị trường nhà ở “đóng băng”; 

     Theo Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia tại Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì mục tiêu đến năm 2015 diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 22 m² sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 26 m²/sàn và tại nông thôn đạt 19 m² sàn/người; Mục tiêu đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25 m² sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 29 m² sàn/người và tại nông thôn đạt 22 m² sàn/người.

    Hiện nay tỉnh đang lập Chương trình phát triển nhà ở theo quy định tại Quyết định 2127/QĐ-TTg; dự kiến trình HĐND tỉnh quý IV/2013. Theo tính toán để đạt được chỉ tiêu như ở trên, mỗi năm trên địa bàn tỉnh cần xây dựng 3.000.000 m² nhà ở (so với giai đoạn từ năm 2000-2009 bình quân mỗi năm xây dựng 2.890.000 m² nhà ở). Như vậy, để đạt được mục tiêu phát triển nhà ở theo định hướng của Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia tại Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ, cần sự tham gia đầu tư rất lớn của cộng đồng dân cư và chủ đầu tư các dự án bất động sản nhà ở. 

DSC04555.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hoa chất vấn về kết quả triển khai dự án
 phát triển quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh​
 

     Khái niệm “nhà ở xã hội” để dành cho việc hiểu là nhà cán bộ-công chức-viên chức có khó khăn về nhà ở. Hiện nay dự án 400 căn tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị xin nâng số tầng, đã được Chính phủ cho ý kiến chấp thuận chủ trương; chủ đầu tư đang lập dự án và dự kiến trình duyệt trong quý I/2013. Về Nhà ở công nhân, ước tính số công nhân khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nhu cầu thuê nhà ở 280.000 người. Dự báo nhu cầu nhà ở công nhân từ nay đến năm 2015 tăng thêm 80.000 người. Việc phát triển nhà ở cho công nhân đã được đáp ứng bởi các thành phần sau: Nhà ở do các doanh nghiệp có sử dụng người lao động trong các khu, cụm công nghiệp; các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở và doanh nghiệp xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng bố trí gần 20.000 người (7,1% nhu cầu); Nhà ở do các hộ cá thể, tư nhân xây thành phòng trọ cho công nhân thuê trên toàn tỉnh với hơn 13 ngàn cơ sở bố trí cho khoảng trên 200.000 chỗ ở (71,5% nhu cầu); Còn lại các dạng nhà ở khác (ở nhờ người thân, ở với gia đình,…) khoảng 60.000 người (21,4% nhu cầu ). Đối với nhà ở thu nhập thấp, hiện trên địa bàn tỉnh có một số dự án nhà ở thu nhập thấp đang triển khai xây dựng tại thành phố Biên Hòa như: dự án 0,7 ha của Công ty Sơn An tại phường Tam Hòa; dự án 01 ha của công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Đạt tại phường Long Bình Tân; dự án 2,1 ha của công ty Minh Luận tại phường Bửu Hòa; dự án 0,8 ha của Công ty Vinaconex tại phường Bửu Long; tuy nhiên hầu hết các dự án đều đang gặp khó khăn trong việc vay vốn ưu đãi.

     Một số khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện dự án: Về đất đai: Luật Nhà ở và Nghị định 90/2006/NĐ-CP quy định các dự án nhà ở thương mại trên 10 ha phải dành 20% đất ở để phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên quỹ đất này hiện nay còn hạn chế. Bên cạnh đó công tác tham mưu ban hành cơ chế chính sách thực hiện chưa kịp thời và đồng bộ như chưa có đề án cho vay tín dụng ưu đãi đối với các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng để chỉnh trang và cải tạo nhà ở công nhân; chưa hình thành được quỹ xây dựng nhà ở công nhân từ nguồn sử dụng phí hạ tầng từ các dự án đầu tư; chưa vận động được các nhà đầu tư dành tỉ lệ nhà ở  từ 5-7% của các dự án khu dân cư, khu đô thị bán lại cho tỉnh để bố trí cho đội ngũ chuyên gia, đội ngũ công nhân có trình độ kỹ thuật cao. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu nhà ở xã hội còn thiếu nhất là trường học, bệnh viện, chợ, nhà trẻ, mẫu giáo phục vụ con em công nhân. Đối với nhà ở công nhân, tình hình suy giảm kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đăng ký xây dựng nhà ở cho công nhân của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Việc phát triển, quản lý nhà trọ chưa đáp ứng điều kiện tối thiểu theo quy định của tỉnh. Việc triển khai thực hiện cung cấp các dịch vụ điện nước theo giá quy định của nhà nước cho người công nhân trong các khu nhà trọ chưa hiệu quả. Số lượng nhà trọ xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp (32,62%) còn chiếm tỷ lệ lớn...

     Giải pháp thời gian tới sẽ tập trung giải quyết tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương ở các lĩnh vực đất đai, tài chính, tín dụng, công tác quản lý, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư triển khai dự án; thực hiện điều chỉnh, bổ sung chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 theo chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó tập trung vào nhà ở xã hội. Cụ thể:

     Rà soát, thống kê quỹ đất 20% nhận bàn giao từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn (gồm quỹ đất đã nhận, quỹ đất sẽ nhận và tình hình quản lý sử dụng quỹ đất này) để giới thiệu cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, tình hình cho thuê đất trong khu công nghiệp để sử dụng một phần đất dịch vụ hoặc đất xây dụng nhà máy nhưng chưa cho thuê lại để sử dụng quỹ đất này xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp; rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để có quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội; 

DSC04552.jpg
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng trả lời chất vấn
của đại biểu tại kỳ họp​
 

     Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và miễn giảm tiền sử dụng đất đối với quỹ đất của các hộ dân hiện trạng là đất nông nghiệp nhưng phù hợp quy hoạch đất ở để các hộ dân xây dựng nhà trọ cho người lao động thuê ở.

     Về vốn, Ngân hàng nhà nước tỉnh cần quan tâm có chính sách cho người lao động (có thu nhập ổn định) có nhu cầu vay vốn ưu đãi để mua hoặc thuê mua nhà ở; chính sách cho vay ưu đãi đối với đối tượng là các chủ nhà trọ có nhu cầu vay vốn xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang các khu nhà trọ phục vụ cho công nhân lao động thuê để ở. 

     Đối với các nhà trọ hiện hữu cho công nhân thuê, ngành thuế cần nghiên cứu đối tượng và quy mô kinh doanh để xây dựng mức thu, hình thức thu thuế cho phù hợp với điều kiện thực tế của loại hình kinh doanh này; đồng thời, công khai mức thuế cho người dân biết, tạo điều kiện khuyến khích người dân tham gia xây dựng nhà ở công nhân.

     Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động, các doanh nghiệp có sử dụng lao động đầu tư nhà ở cho công nhân. Đồng thời tuyên truyền, vận động công nhân vào ở những khu nhà ở đã được cải tạo, xây dựng đúng quy chuẩn.

     ​Cơ quan chức năng tập trung thực hiện các dự án nhà ở xã hội: Dự án thí điểm 400 căn nhà ở xã hội tại thành phố Biên Hòa (vốn ngân sách địa phương); Dự án đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa (vốn trái phiếu Chính phủ + ngân sách địa phương); Các dự án nhà ở thu nhập thấp của các doanh nghiệp: dự án của Công ty Sơn An tại phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa; dự án của công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Đạt tại phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa; dự án của công ty Minh Luận tại phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa; dự án của Công ty Vinaconex tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa; Các dự án cải tạo, sửa chữa nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê.

                                                                                   Kim Chung