Các cử tri đại diện cho 192 Hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và 499 Tổ hợp tác phản ánh những khó khăn của mô hình Kinh tế tập thể: Tình trạng thay đổi nhân sự liên tục ở các HTX và cán bộ cấp xã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động; các Quỹ Tín dụng nhân dân phải đeo bám theo cuộc chạy đua lãi xuất của các ngân hàng trong thời gian vừa qua là một thực tế vô cùng khó khăn dẫn đến tình trạng lãi xuất của Quỹ tín dụng bị âm; Bên cạnh đó, một số ý kiến cử tri đề nghị có chính sách và sự hỗ trợ từ nhà nước về các chính sách thuế, đất đai; Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo cán bộ, xã viên đang làm việc tại các HTX tham gia các lớp đào tạo dài ngày, Trung cấp hoặc Đại học; tạo điều kiện cho Liên minh xây dựng một hệ thống tổ chức hỗ trợ từ tỉnh, huyện đến xã thống nhất gắn bó lâu dài với kinh tế HTX đồng thời cho phép Liên minh là đầu mối thực hiện việc tuyển dụng cán bộ về làm việc tại các HTX.
Cử tri ngành Y tế quan tâm đến tình hình cơ sở vất chất, đội ngũ cán bộ và chất lượng công tác khám chữa bệnh trong thời gian qua trên địa bàn. Toàn tỉnh có 17 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, 4 bệnh viện thuộc Trung ương đóng chân trên địa bàn. Cấp huyện hiện đã thành lập các Trung tâm Y tế dự phòng, các phòng Y tế, Trung tâm Dân số KHHGĐ. Năm 2008, 85,5% trạm Y tế đạt chuẩn Quốc gia; hiện nay tỉnh đang xúc tiến thành lập Trung tâm vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai một số bệnh viện Quốc tế trên địa bàn thành phố Biên Hòa với mức vốn trên 3 ngàn tỷ đồng và xúc tiến Trung tâm điều trị ung thư. Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn chưa đáp ứng: Trên 100 trạm y tế cần phải nâng cấp; 98 bệnh viện không đạt chuẩn, tỉnh không thể đạt 25 giường bệnh/1 vạn dân vào năm 2010 theo phê duyệt của Bộ Y tế vì hiện nay mới đạt 15 giường bệnh/1 vạn dân. Nhiều bệnh viện 5 năm liền không tuyển được bác sỹ, tỷ lệ Bác sỹ của tỉnh đứng thứ 62 so với cả nước và chỉ trên tỉnh Lai Châu. Nhu cần đến 2010 Đồng Nai cần thu hút thêm 1.000 bác sỹ và 200 Dược sỹ đại học và 3.000 điều dưỡng.
Khó khăn, tồn tại của ngành Y tế hiện nay là thiếu giám định viên; nguồn bù đắp để thanh toán chi phí vượt quỹ, khung giá viện phí không phù hợp; cơ sở vật chất và trang thiết bị không đủ đáp ứng do đó đội ngũ cán bộ Y tế phải làm việc trong hoàn cảnh áp lực công việc nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng; trình độ cán bộ Y tế ở tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế và nhiều bất cập trong các quy định của pháp luật liên quan đến ngành. Cử tri ngành Y tế mong muốn HĐND tỉnh sớm Thông qua Nghị quyết về chính sách thu hút cán bộ Y tế trong đó phải tính toán đến chế độ đối với những nhóm đối tượng có trình độ chuyên môn khác nhau, làm những công việc khác nhau và ở những môi trường khác nhau để chính sách thực sự đi vào thực tế cuộc sống.
Đối với các Hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, hầu hết các ý kiến phản ánh của cư tri đã được Chủ tọa Hội nghị đề nghị Lãnh đạo các ngành có liên quan và đại diện UBND cấp huyện trực tiếp trả lời. Hai Hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề đã tạo ra diễn đàn trao đổi giữa cử tri và cơ quan có thẩm quyền đã tháo gỡ nhiều băn khoăn, vướng mắc cũng như là dịp để các ngành, các cấp chia sẻ với những khó khăn hiện nay của ngành Y tế và khu vực kinh tế Hợp tác xã. Tuy việc đáp ứng một số yêu cầu của cử tri nêu ra tại các buổi tiếp xúc chuyên đề là việc không thể thực hiện do khó khăn về cơ chế chính sách, nguồn vốn thực hiện nhưng với việc tạo cơ hội cùng trao đổi và thảo luận giữa cơ quan quản lý và cử tri trong cùng một Hội nghị cũng đã giải tỏa những khúc mắc trong triển khai thực hiện các quy định chung từ đó giúp cho cử tri trong việc xác định rõ hơn nữa vai trò chủ động của mình trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ đã được giao.
Tại địa bàn ứng cử, các đại biểu thu nhận ý kiến phản ánh phong phú của cử tri bao trùm hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống. Mối quan tâm chung và lớn nhất của cử tri là việc đảm bảo môi trường bền vững trong phát triển kinh tế. Một số vấn đề về môi trường trên địa bàn tỉnh mà các phương tiện thông tin đại chúng quan tâm phản ánh trong thời gian vừa qua cũng là những nội dung mà cử tri phản ánh ở hầu hết các điểm tiếp xúc: Sai phạm của Công ty bột ngọt Vedan trong việc gây ô nhiễm môi trường; xử lý rác thải gây ô nhiễm của công ty Vũ Nhật Hồng tại phường Trảng Dài thành phố Biên Hòa, ô nhiễm sông Đồng Nai…
Cải cách hành chính là vấn đề quan tâm lớn tiếp theo của cử tri. Bằng trải nghiệm thực tế, cử tri cho rằng cải cách hành chính vẫn chưa thực sự đáp ứng với mục tiêu và mong muốn của nhân dân mặc dù đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tình trạng cán bộ công chức gây phiền hà, giải thích, hướng dẫn không đến nơi đến chốn làm cử tri phải đi lại nhiều lần vẫn xảy ra. Cử tri cho rằng trong tình hình các cơ quan hành chính đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động thì việc giảm số lượng biên chế là cần thiết và phải được đặt ra nhằm hạn chế khoản chi của ngân sách nhà nước. Trong công tác phòng chống tham nhũng, cử tri chưa thực sự hài lòng với hoạt động của các cơ quan chức năng cũng như của Ban thanh tra nhân dân ở các cơ quan và cơ sở.
Vấn đề quy hoạch; đền bù giải tỏa; xây dựng và nâng cấp đường giao thông; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đầu tư lưới điện, nước sinh hoạt; chế độ chính sách cho cán bộ xã, phường thị trấn và các khu phố, Khu dân cư là những nội dung nhận được ý kiến của cử tri tại hầu hết các đợt tiếp xúc.
Ngoai những nội dung thường gặp trong các kỳ tiếp xúc, trước Kỳ họp thứ 14, có những vấn đề mới gắn sát với tình hình kinh tế xã hội chung cũng được cử tri quan tâm và kịp thời phản ánh: việc giảm lãi suất cho vay khi lãi xuất trần giảm. Cử tri cho rằng trong đợt tăng lãi xuất cho vay trước đây, các ngân hàng tiến hành điều chỉnh lãi xuất tăng đối với các hợp đồng đã được ký kết nhưng trong bối cảnh hiện nay khi lãi xuất giảm thì Ngân hàng lại không giảm cho phù hợp với tình hình chung. Tình trạng sách thiếu nhi có nội dung không lành mạnh lưu hành trên thị trường trong thời gian vừa qua cũng ghi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri. Quản lý hành lang đường bộ, xử lý việc lấn chiếm lộ giới an toàn giao thông, lấn chiếm lối đi là những vấn đề cử tri đề nghị các ngành có chức năng phải đặc biệt quan tâm nhất là trong thời điểm cuối năm, tình hình tai nạn giao thông thường xuất hiện diễn biến phức tạp.
Cử tri thành phố Biên Hòa quan tâm đến vấn đề gắn liền với mỗi hộ gia đình hiện nay: tại sao Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành năm 2003 quy định mức thu phí rác thải sinh hoạt là 10.000 đồng/hộ/tháng nhưng Công ty Dịch vụ Môi trường Đô thị thành phố Biên Hòa lại thu với mức 15.000 đồng/tháng từ nhiều tháng nay. Nội dung hỏi đã thể hiện sự quan tâm và giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thực thi pháp luật.
Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của giai cấp công nhân trên địa bàn tỉnh là mối trăn trở của nhiều cử tri lớn tuổi. Cử tri đề nghị các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể cần phải quan tâm đến đối tượng này để công nhân có đời sống tốt hơn, có điều kiện tham gia các tổ chức và sinh hoạt đoàn thể cũng như phục vụ cho công tác phát triển Đảng vì đây là một lực lượng sản xuất lớn của một tỉnh phát riển Công nghiệp như Đồng Nai.
Ý kiến cử tri vốn dĩ luôn muôn màu, muôn vẻ nhưng tất cả đều thể hiện đó là mong muốn của cử tri gửi gắm đối với đại biểu, với HĐND với mục đích và mong muốn làm sao để hoạt động quản lý nhà nước tốt hơn, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao hơn phù hợp với xu thế phát triển chung.
Nguyễn Thị Oanh