Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 12 tháng 05-2005

Phong cách sinh hoạt của người Gia Định xưa

Đăng ngày: 11/01/2006
Phần đất Gia Định xưa, tức là đất Nam bộ ngày nay, có một vị trí quan trọng đối với nền kinh tế nước ta, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long hiện là một trong hai vựa thóc lớn nhất trong cả nước.

      Đây là vùng đất mới của Tổ quốc Việt Nam, được khai phá và xây dựng trong khoảng thời gian hơn ba thế kỷ. Cho đến nay, nhân dân ta đã thực sự làm chủ vùng đất mới, từ khung cảnh hoang vu với cọp, sấu, muỗi, mòng, bệnh tật… đã hình thành một điều kiện sống tốt đẹp, vui tươi, trù phú.

     Đồn Dinh của Bến Nghé buổi đầu đã dần dần trở thành thương cảng-cũng là một hải cảng-liên lạc giao thương với nước ngoài,chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển. Truyền thống khẩn hoang ở đồng bằng từ thời dựng nước xa xưa đã được vận dụng cho vùng đất mới với lời ca chứa chan tình cảm:

                       Nhà Bè nước chảy chia hai

                      Ai về Gia Định Đồng Nai thì về

     Sông Đồng Nai, Sông Tiền, Sông Hậu… không có bờ đê nhưng có nhánh và kênh đào giúp giao lưu dễ dàng với các tỉnh lân cận vì thời bấy giờ người ta chủ yếu giao lưu bằng đường sông. Ở ngã ba, ngã tư sông thì lập chợ, thuận tiện trong việc trao đổi hàng hóa, rải rác có những bến cũng lập thành chợ. Bến nhỏ không lập thành chợ thì gọi là bến lạ, còn bến đổi là nơi hẹn để đổi nước ngọt.

     Đất còn rộng , người còn thưa, ngoài ruộng đã có ao có vườn, làm ăn mau khá, hàng hóa có dư nên thương nghiệp bắt đầu phát triển. Nghề buôn bán trên sông rạch mở đầu thời kỳ phát đạt:

                       Đạo nào vui bằng đạo đi buôn

               Xuống biển lên nguồn, gạo chợ nước sông

     Người đi buôn sống lưu động, dễ ẩn lậu , gọi là dân thương hồ. Xuồng ghe tương đối dễ sắm, cây rừng Tây Ninh dồi dào lại sẵn dầu chai trét ghe.Thuyền độc mộc từ Cam-pu-chia đưa xuống, dọc Cửu Long giang, bán rất rẻ. Nghề buôn bán phát triển chứng tỏ sản xuất hàng hóa và phân công xã hội đã phát triển, một bộ phận dân cư đã tách ra làm thương nghiệp.

     Con người đi khẩn hoang rất cần có sự tương trợ, đùm bọc lẫn nhau. Họ sống hiền hòa, thật thà lương thiện: nhà không rào, làng không lũy tre. Sống xa quê hương cố quán, con người cần tình bạn, hiếu khách, nồng nhiệt và phóng khoáng. Sách xưa để lại đều dùng những từ rất đẹp để miêu tả tinh thần khoáng đạt của con người Gia Định xưa.Như nói về phong tục tỉnh Định Tường, Đại Nam nhất thống chí ghi: “Con trai chuyên nghề nông, đánh cá. Con gái chăm việc canh cửi, có khi kiêm nghề buôn bán. Hạng tuấn tú chuyên theo đèn sách, hạng khỏe mạnh học theo kỹ nghệ, khuôn dệt đúng phép, hàng lụa bắt bông hoa tinh xảo có tiếng, phong tục thuần mà rộng rãi…Ưu đãi khách không kể tốn phí”.

     Người Gia Định xưa kết nghĩa bè bạn rộng rãi, dựng vợ gả chồng không đòi môn đăng hộ đối cho lắm. Vì nguồn gốc xuất thân của mình, những người đi khai hoang  thường không thông thạo kinh sử, văn chương không trau chuốt và họ cũng không cần phải dấu diếm điều đó. Những người từng nổi tiếng ở đất Gia Định như  Đỗ Thành Nhân, Võ Tánh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Nhân, Phan Thanh Giản đều không phải xuất thân từ danh gia thế phiệt gì. Đến như bà Từ Dũ cũng là gốc dân đinh ở Quảng Ngãi vào Nam lập nghiệp tại Sơn Qui rồi mới vinh hiển sau này. Văn chương của nho sỹ, sống giữa một xã hội mới hình thành như vậy, thường dùng lời bình dân, tiếng địa phương để cho mọi người đều hiểu được. Trong Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc thì Nguyễn Đình Chiểu đã bộc lộ đầy đủ phong cách bình dân. Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa soạn tuồng Kim Thạch Kỳ duyên thì nhiều điển tích theo công thức hát bội nhưng tới khi làm văn tế khóc vợ, khóc con thì lời lẽ mộc mạc tình cảm đậm đà, không khuôn sáo.

     Khi người Việt đến Đồng Nai –Gia Định thì người Khơ-me đã làm ăn rải rác lâu đời, một số người Hoa cũng bỏ quê hương đến đây cùng người Việt làm ăn, một số người Mã Lai hay In-đô-nê-xia (Java) cũng đã có mặt, mọi người sống chan hòa với nhau, cùng giao lưu văn hoá, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, góp phần biến vùng đất này thành phì nhiêu, màu mỡ. Một số lớn địa danh gọi buổi ban sơ đi khẩn hoang, thường lấy những đặc điểm của địa phương cho dễ nhớ: Cái Sắn ( Cây Sắn để nhuộm lưới), Cái Lách ( lau lách), Hóc Môn là ngọn rạch cùng và có nhiều đám môn nước, Gò Vấp là nơi đất gò cao có cây vấp to làm mục tiêu… Theo Đại Nam nhất thống chí, ngày trước khi đàm đạo, có người thường nói pha trộn tiếng Tàu và tiếng Cao Miên, không có kỳ thị, cách biệt gì.

     Tập hợp nhau thành làng mạc, con người có truyền thống đoàn kết, tương trợ, có tiếng mõ làng để thông tin liên lạc với nhau.

     Mõ hồi một ( đánh thúc một hồi ,thêm một dùi) là có chuyện khẩn cấp (hỏa hoạn , trộm cướp..)

     Mõ hai hồi, hai dùi là trong xóm đang có gây gổ , đánh lộn.

     Mõ ba hồi, ba dùi là gọi dân nhóm họp.

     Trong kháng chiến chống Pháp, ta còn dùng mõ hồi một để báo động và mõ ba hồi để báo an.

     Nói chung, về thói ăn nết ở thường giữ như ở quê hương bản quán , dần dà có thay đổi cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt mới.

 Trọng Phúc