Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 19+20-Tháng 12/2005+01/2006

TẢN MẠN VỀ HAI TỪ “HIỆU QUẢ”

Đăng ngày: 24/01/2006
Trong những ngày cuối năm, tranh thủ vài giây rảnh rỗi để ngẩm nghĩ sự đời, tự nhiên lại nghĩ đến hai từ “hiệu quả”. Có nhiều báo chí nói đến vấn đề hiệu quả, không hiệu quả. Nhưng thế nào là hiệu quả? Có phải nó là những cái gì hết sức lớn lao hay chỉ là những việc hết sức đời thường nhưng thỏa mãn được một nhu cầu cho một người, một địa phương nào đó? Qua vài câu chuyện nghe được, xem được, tôi cho rằng khi người ta làm một việc gì đó với một mong muốn nào đó, mà kết quả đem lại đáp ứng được mong muốn của anh, đó là hiệu quả. Xin đơn cử 3 câu chuyện nhỏ sau đây để bạn đọc xem và cùng ngẫm nghĩ:

Câu chuyện thứ nhất

Trong buổi họp mặt nhân kỷ niệm 60 năm Quốc hội Việt Nam, Anh Năm Bình-nguyên là Đại biểu Quốc Hội và cũng nguyên là Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có kể một câu chuyện kỷ niệm về tiếp xúc cử tri: khi tiếp xúc cử tri xã Xuân Hưng, có một cử tri hết sức bức xúc vì không đủ nước sinh hoạt nên đã phát biểu ý kiến bang những lời lẽ hết sức nặng nề. Nghe qua, thì rất tự ái. Nhưng nghĩ lại, đúng là dân vùng này quá khổ, nước tắm mà không đủ thì còn làm gì được. Suy đi, nghĩ lại, với trách nhiệm người đại biểu Quốc Hội tiếp thu ý dân và với trách nhiệm Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, anh đã mạnh dạn đề nghị và được Tỉnh Ủy, UBND tỉnh xem xét, cho phép đầu tư công trình thủy lợi tại khu vực này để cung cấp nước sinh họat cho dân và nước cho sản xuất nông nghiệp.

Rõ ràng là, tiếp xúc như vậy, giải quyết như vậy là thấu tình, đạt lý và cuộc tiếp xúc cử tri như vậy là hiệu quả.

Câu chuyện thứ hai

Trong năm 2005, các tờ báo, trước hết là Báo Tuổi trẻ, có đăng tải thành nhiều kỳ các trích đoạn hồi ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Tôi cho rằng, thông tin trên báo như vậy là hiệu quả, vì các bài báo ấy đã có sức thu hút rất lớn, không chỉ lớp người đã tham gia cách mạng mà cả lớp thanh niên, cả trong nước và ngoài nước. Điều đáng tự hào, phấn khởi nhất là những người ở “phía bên kia” cũng thừa nhận rằng sống như chị Trâm là sống có ích. Riêng tôi, tôi không chỉ thấy rằng sống như Chị Trâm là sống thật, sống mãi, mà còn thấy rằng, về góc độ hiệu quả, nhật ký của chị đã mang lại hiệu quả hết sức to lớn cho Đảng, cho dân ta. Một mặt, nó giúp nhiều người hiểu rõ hơn về những người Cộng sản, những người cách mạng Việt Nam; mặt khác, nó đòi hỏi những người hiện hữu phải nhìn vào đó tự soi rọi chính mình để có cách sống tốt hơn.

Câu chuyện thứ ba

Trong nhiệm kỳ trước, Văn phòng Quốc Hội có tổ chức một Lớp bồi dưỡng kỹ năng cho các Đại biểu chuyên trách công tác HĐND cấp tỉnh. Trong lớp học chúng tôi đã được giảng viên hướng dẫn một cách tận tình từ cách ngồi, cách nói trong giao tiếp với cử tri, ghi nhận ý kiến cử tri… cho đến cách xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình. Thông qua lớp học ấy, chúng tôi đã nắm bắt được rất nhiều điều hay và đã vận dụng rất nhiều vào hoạt động cụ thể ở địa phương. Ấn tượng về những điều giảng viên nói, giảng viên làm đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tôi, khi tôi đi tiếp xúc cử tri, đường xa, lắm khi cũng mệt mỏi nên tướng ngồi có khi không được đẹp mắt, tôi lại nhớ đến cách ngồi của giảng viên khi nói đến những cách không nên làm, tôi lại buồn cười và phải ngồi thẳng lại; Hoặc khi xem xét, thẩm tra các báo cáo, đề án, tôi lại nhớ đến ý kiến của giảng viên, quyết định cái này, ai được, được bao nhiêu; ai không được, mất bao nhieu và tôi lại phải đào sâu suy nghĩ để có nhận xét, kiến nghị thực sự thấu đáo. Đối với tôi, lớp học như thế là lớp học có hiệu quả.

Trên thực tế, còn nhiều, rất nhiều buổi tiếp xúc, những bài báo và những lớp học có đem lại hiệu quả và hiệu quả rất cao và ngược lại, cũng có không ít buổi tiếp xúc, những bài báo và những lớp học không đem lại chút hiệu quả nào. Muốn thấy được hiệu quả trong hoạt động của mình, nên chăng, từng người, cần bắt chước người xưa, dành thời gian để suy ngẫm về việc làm của mình để cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất những việc làm không hiệu quả và tạo ra ngày càng nhiều việc làm có hiệu quả. Có như vậy thì cuoc sống mới thực sự “vui vẻ”.

         Nguyễn thị Tuyết Nga