Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 46-T9.2008

TẠO BƯỚC CHUYỂN MỚI CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THÔNG TIN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2010

Đăng ngày: 13/12/2008
Hoà cùng với cả nước trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, hoạt động thông tin trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua đã không ngừng phát triển cả về loại hình, nội dung và hình thức. Công tác thông tin ngày càng được phát triển với trang thiết bị hiện đại; đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên với trình độ ngày càng được nâng cao đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phổ biến thông tin cho người dân, góp phần đắc lực vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ thông tin trên địa bàn ngày càng chú trọng và nỗ lực đảm bảo tính nhanh nhạy, chính xác của thông tin, đáp ứng đa dạng nhu cầu hưởng thụ thông tin của các tầng lớp nhân dân, quan tâm đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, vùng sâu, vùng xa, khu vực người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Đồng Nai. Các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, các văn bản của các Bộ, ngành có liên quan mật thiết đến đời sống của cộng đồng cho đến các hoạt động thiết thực, cụ thể, sinh động của những địa phương đã được công nhận kịp thời. Tuy nhiên, hoạt động thông tin ở Đồng Nai so với yêu cầu của tình hình mới còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của một tỉnh công nghiệp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sự phát triển thông tin trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế như mức độ và khả năng nắm bắt thông tin ở các khu vực, các đối tượng, các thời điểm chưa đồng đều; một số lĩnh vực còn thiên về phổ biến, truyền đạt, tính hai chiều và tính diễn đàn chưa được phát huy tốt; hình thức thông tin chưa thật phong phú, hấp dẫn...

Mục tiêu chung phát triển thông tin đến năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã khẳng định vai trò, vị trí của thông tin trong đời sống xã hội là “Nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 đã chỉ rõ: "Phát triển và hiện đại hóa mạng lưới thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản. Đến năm 2010, hoàn thành cơ bản việc phổ cập các phương tiện phát thanh, truyền hình đến mỗi gia đình. Phát triển các điểm văn hóa kết hợp hệ thống bưu cục khắp các xã trong nước. Dùng tiếng nói dân tộc và chữ viết của các dân tộc có chữ viết trên các phương tiện thông tin đại chúng ở vùng đồng bào dân tộc".

Để tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 219/2005/QĐ-TTg ngày 09/9/2005 về việc phê duyệt chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 2197/QĐ-UBND ngày 11/7/2008 về việc Phê duyệt chương trình phát triển thông tin tỉnh Đồng Nai đến năm 2010.

 

Theo đó, mục tiêu của Chương trình phát triển thông tin trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và những năm tiếp theo được định hướng phát triển thông tin theo cơ cấu, quy mô hợp lý, đáp ứng quyền được thông tin của nhân dân, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời theo kịp khả năng và trình độ phát triển thông tin của Trung ương, các nước trong khu vực và quốc tế. Đổi mới và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng về thông tin; sắp xếp, củng cố hệ thống thông tin phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bảo đảm trật tự, hiệu quả, từng bước xây dựng hệ thống thông tin tỉnh Đồng Nai hiện đại, có chất lượng chính trị, chất lượng văn hoá, chất lượng khoa học, chất lượng nghiệp vụ cao. Phát triển đồng bộ và hiện đại các phương tiện thông tin đại chúng để phục vụ tích cực, có hiệu quả. Bảo đảm cho toàn bộ dân cư, đặc biệt là dân cư ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp nhận đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình mọi mặt trong tỉnh, trong nước và quốc tế qua các phương tiện, loại hình thông tin phù hợp với chất lượng tốt, kịp thời. Thông tin phục vụ lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân; trang bị cho cán bộ và nhân dân bản lĩnh chính trị, trình độ hiểu biết, phẩm chất đạo đức để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh thông tin đối ngoại và thông tin cho các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thông tin trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, khoa học - công nghệ, an ninh quốc phòng; biểu dương người tốt, việc tốt; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tệ nạn xã hội; đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Có biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng thông tin thiếu cân đối, đảm bảo sự đồng đều về phân bổ, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ thông tin của nhân dân giữa thành thị và nông thôn. Từng bước thực hiện xã hội hoá một số lĩnh vực như: chế bản, in ấn, phát hành của báo in, quảng cáo thương mại của phát thanh, truyền hình; nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách để cơ quan thông tin có điều kiện tự chủ về tài chính.

Để thật sự tạo bước chuyển biến mới trong công tác thông tin, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tổ chức triển khai sớm đưa Chương trình phát triển thông tin của tỉnh đi vào cuộc sống; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của cơ quan phát thanh - truyền hình, báo chí - xuất bản, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin, đáp ứng ngày càng cao cho sự nghiệp phát triển thông tin của tỉnh gắn với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Trương Bạch Đằng