Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 88-T9-2012

Tổ chức thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND

Đăng ngày: 07/06/2013
​Các nội dung tập trung tại phiên chất vấn nên chia theo nhóm vấn đề để đảm bảo tính hợp lý, khoa học của phiên chất vấn, có điều kiện phân tích, đánh giá vấn đề sâu sắc hơn, mổ xẻ vấn đề theo nhiều giác độ, quan điểm khác nhau. Tuy nhiên đối với những phiên chất vấn có ít nội dung đại biểu đăng ký chất vấn, hoặc nội dung đăng ký không sắc sảo, thiên về những vấn đề hỏi cho biết, thì công tác tổ chức phiên chất vấn sẽ có những đặc trưng riêng.

​     Theo quy định về quyền chất vấn của đại biểu HĐND căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, Quy chế hoạt động của HĐND các cấp, đại biểu có thể chất vấn tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp. Quy trình đăng ký nội dung chất vấn cần liên hệ với Chủ tọa kỳ họp để bố trí, sắp xếp. Chính vì vậy, trong trường hợp phiên chất vấn không có nhiều nội dung chất vấn, Thường trực và lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh hoàn toàn có quyền chủ động tham gia chất vấn để từ đó làm nòng cốt tạo không khí dân chủ, thẳng thắn cho  phiên chất vấn mà không trái với các quy định hiện hành. Trong điều kiện có nhiều câu hỏi chất vấn, thì việc chọn lựa nội dung, lĩnh vực chất vấn và người trả lời chất vấn là một sự cân nhắc rất kỹ càng của Chủ tọa kỳ họp. Nội dung chất vấn thường nên chọn những vấn đề cử tri bức xúc, được đại biểu và cử tri quan tâm, đây thường là vấn đề quan trọng, vấn đề lớn, liên quan đến lợi ích không chỉ của một người hoặc một nhóm nhỏ mà thường liên quan đến nhiều người (có tính đại diện), liên quan đến sự phát triển bền vững của xã hội. Tuy nhiên, việc chọn nội dung chất vấn cũng còn nhiều quan điểm rất khác nhau giữa các cấp lãnh đạo. Có người cho rằng chỉ nên đưa ra những vấn đề ở tầm vĩ mô, cho một lĩnh vực đời sống xã hội chứ không nêu vấn đề cụ thể của một đề án cụ thể, ở một địa bàn, trong một thời điểm cụ thể nào. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu vấn đề cụ thể đó có vướng mắc liên quan đến lợi ích của nhiều người, ảnh hưởng đến cả một khu vực dân cư, hiện đang vướng mắc mà việc nhiều cơ quan hữu quan phối hợp với nhau chặt chẽ có thể giúp tháo gỡ được, thì vẫn nên đưa ra, vì rõ ràng vấn đề sẽ có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và tăng thêm sự quan tâm, chú ý của cử tri đối với kỳ họp. Dù với giác độ, quan điểm của Chủ tọa như thế nào, cũng cần chú ý một chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng, đó là cách thức giải quyết vấn đề phải khả quan, nếu trước mắt những khó khăn vướng mắc chưa thể tháo gỡ được thì chưa nên đưa ra tại nghị trường sẽ tạo nên không khí ngột ngạt không đáng có cho kỳ họp.

DSC03403.jpg 
 Đại biểu Huỳnh Văn Tới chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND về công tác
thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh​
 

     Về phương thức trả lời chất vấn, trong điều kiện có những câu hỏi chất vấn dạng hỏi cho biết, thông thường, Chủ tọa nên quyết định cho đơn vị chịu sự chất vấn được trả lời bằng văn bản, theo quy định thì thời gian trả lời bằng văn bản do Thường trực HĐND quyết định. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, nếu có thời gian thì Chủ tọa kỳ họp cũng nên bố trí cho thủ trưởng đơn vị được trả lời trực tiếp, vì việc đại biểu đã hỏi, tức là đã đại diện cho một bộ phận cử tri chưa biết thông tin về vấn đề mà cử tri quan tâm, có liên quan đến quyền lợi của cử tri, cũng qua kênh trả lời chất vấn sẽ là một kênh thông tin tích cực, hiệu quả đến cử tri thuộc các tầng lớp trong xã hội.

     Tùy trường hợp, có thể bố trí đường dây nóng tại kỳ họp để cử tri chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của mình. Tuy Luật không quy định cử tri được quyền chất vấn UBND và thủ trưởng cơ quan chuyên môn của UBND cũng như cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn, tuy nhiên nếu hiểu đường dây nóng là kênh thông tin để tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân được nêu tâm tư nguyện vọng của mình, là một cách thức để người dân tham gia kỳ họp HĐND, thì không trái quy định. Tuy nhiên, việc bố trí đường dây nóng cũng có thể ví như “con dao hai lưỡi”, trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương chưa ổn định tương đối, bên cạnh đó trình độ tham mưu, xử lý vấn đề của các cơ quan chuyên môn của UBND chưa đạt yêu cầu quản lý nhà nước trên lĩnh vực được phân công, thì việc cử tri và nhân dân thắc mắc, kiến nghị quá nhiều sẽ tạo một tình trạng “nóng” đến “cháy” đường dây mà điều kiện thời gian của kỳ họp không cho phép giải quyết một cách cơ bản, không đưa lại hiệu quả tích cực cho kỳ họp.

     Một vấn đề nữa mà Luật không bắt buộc, nhưng nên làm, đó là việc trước kỳ họp, Văn phòng giúp việc nên phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình của địa phương thực hiện một số phóng sự liên quan đến nội dung chất vấn do đại biểu gửi về Thường trực HĐND trước kỳ họp, hoặc đúc rút qua tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp. Những đoạn phim phóng sự này sẽ được chiếu trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình cũng như chiếu trực tiếp tại kỳ họp, cũng là một cách làm mang đậm hơi thở cuộc sống xã hội vào nghị trường.

     Kết quả của phiên chất vấn và trả lời chất vấn, theo luật định, căn cứ vào đề nghị của đại biểu HĐND và nội dung chất vấn, trả lời chất vấn, Thường trực HĐND kiến nghị HĐND biện pháp xử lý. Trong trường hợp HĐND ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn thì Thường trực HĐND phân công Ban của HĐND phối hợp với cơ quan hữu quan chuẩn bị dự thảo Nghị quyết để trình HĐND. Về kỹ thuật, thông thường những vấn đề nào lớn, có tính chuyên đề sẽ được chọn lọc, nghiên cứu hoàn chỉnh để ban hành một nghị quyết riêng. Đối với những vấn đề nhỏ có tính chi tiết của nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương, sẽ được xem xét, lồng ghép bổ sung vào nghị quyết về kinh tế xã hội do kỳ họp ban hành.

                                                                                  Kim Chung