|
Quang cảnh Hội nghị sơ kết một năm thí điểm thành lập Ban HĐND cấp xã |
Hỏi: Thưa ông, sau một năm triển khai thực hiện, mô hình thí điểm Ban HĐND cấp xã đã đạt được kết quả ra sao? Đâu là kết quả ông cảm thấy tâm đắc nhất?
Trả lời: Đến thời điểm hiện nay, 6/6 Ban thí điểm đã tổ chức sơ kết một năm hoạt động. Qua sơ kết đánh giá kết quả cho thấy tổ chức và hoạt động của các Ban thí điểm cơ bản đã đi đúng hướng theo những dự kiến ban đầu với các kết quả về hoạt động giám sát, thẩm tra và xem xét các văn bản Quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp, cụ thể như sau:
- Hoạt động giám sát tăng về cả số lượng và chất lượng: Bình quân Ban HĐND xã tiến hành giám sát từ 8 đến 14 cuộc. So với kết quả giám sát của HĐND cấp xã năm 2005 (thời điểm chưa thành lập Ban) và HĐND các xã, phường khác trong toàn tỉnh thì số cuộc giám sát của các Ban tăng từ 7 đến 9 cuộc giám sát. Đặc biệt tổ chức giám sát có trình tự khoa học, hợp lý từ công tác chuẩn bị xây dựng kế hoạch, chọn nội dung giám sát đến yêu cầu đơn vị được giám sát báo cáo, phân công thành viên Ban HĐND nghiên cứu báo cáo tài liệu và những vấn đề cần thiết phục vụ công tác giám sát, tiến hành giám sát, kết thúc giám sát có kết luận, kiến nghị và theo dõi kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát chặt chẽ nghiêm túc, phát huy được trí tuệ tập thể từ đó đã nâng cao hiệu quả chất lượng công tác giám sát.
Nội dung giám sát phù hợp với tình hình địa phương, với chức năng nhiệm vụ của Ban và những vấn đề bức xúc của cử tri đã góp phần nâng cao chất lượng giám sát. Các Ban HĐND cấp xã cũng cố gắng có nhiều đổi mới trong tổ chức giám sát, như: Ban HĐND phường Xuân An cùng một vấn đề nhưng không tổ chức giám sát dàn trải mà giám sát có tập trung căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị được giám sát, cụ thể như: Tổ chức giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở phường, Ban không giám sát tất cả các nội dung tại một đơn vị mà chỉ giám sát mỗi đơn vị một vài nội dung, kết thúc giám sát Ban HĐND họp Đoàn, mời đơn vị được giám sát thống nhất kết luận giám sát trong đó nêu rõ kết quả làm được, việc chưa làm được, nêu các kiến nghị cụ thể yêu cầu thực hiện để khắc phục những tồn tại hạn chế. Báo cáo kết quả giám sát bằng văn bản về thường trực HĐND phường và thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị của đơn vị được giám sát cùng các cơ quan liên quan; cũng thông qua họp Đoàn sau giám sát, các thành viên Ban HĐND trao đổi rút kinh nghiệm để đổi mới, cải tiến hoạt động giám sát trong các lần tiếp theo.
So với khi chưa thành lập Ban HĐND cấp xã, việc tổ chức các đoàn giám sát do thường trực HĐND xây dựng kế hoạch, tổ chức thành lập đoàn giám sát và tiến hành giám sát. Thành phần đoàn giám sát gồm Thường trực HĐND, mời đại diện các ban ngành cùng tham dự, Trưởng đoàn do Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch HĐND đảm nhiệm nên hoạt động giám sát có những khó khăn hạn chế như: Không kịp thời cụ thể hoá chương trình giám sát hàng năm của HĐND xã, phường thành chương trình giám sát tháng, quý, khi cần thiết mới lập kế hoạch tổ chức giám sát nên tính chủ động trong hoạt động giám sát không cao; Việc nghiên cứu, cập nhật thông tin, văn bản pháp luật chủ yếu do đồng chí Phó Chủ tịch HĐND (chuyên trách) thực hiện, không có cán bộ văn phòng giúp việc cũng như sự hỗ trợ của cán bộ chuyên môn…. Dẫn đến chất lượng các cuộc giám sát chưa đạt yêu cầu; Khi kết thúc và báo cáo kết quả giám sát thì các thành viên đoàn giám sát hết nhiệm vụ nên việc theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị giám sát thiếu chặt chẽ; Việc họp rút kinh nghiệm hoặc tổ chức sơ tổng kết hoạt động giám sát thiếu quan tâm nên công tác giám sát ít được cải tiến đổi mới để nâng cao hiệu quả chất lượng.
- Về xem xét các báo cáo, tờ trình và Dự thảo Nghị quyết trình ra kỳ họp HĐND: Với việc thành lập Ban thí điểm, việc xem xét các báo cáo, tờ trình và dự thảo Nghị quyết được nâng lên một bước thành Thẩm tra như các Ban HĐND cấp tỉnh và cấp huyện.
Trước khi thành lập Ban thì các Báo cáo, tờ trình và dự thảo Nghị quyết trước khi trình ra HĐND do Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét và cho ý kiến; quy định là như vậy nhưng có nơi thực hiện, có nơi không thực hiện. Điều này dẫn đến hạn chế là: Nếu như không thực hiện thì các báo cáo, tờ trình và các dự thảo Nghị quyết thông qua tại kỳ họp mang tính hình thức, có khi chưa phù hợp với chủ truơng của Đảng, Nghị quyết của HĐND cấp trên và kể cả việc sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Nếu như có thực hiện thì những ý kiến này hầu hết mang tính chủ quan, cá nhân vì Thường trực Hội đồng nhân dân xã chỉ có hai người trong đó đồng chí Chủ tịch hoạt động kiêm nhiệm lại bận nhiều việc do đó ít khi có ý kiến mà chủ yếu những ý kiến đưa ra là của đồng chí Phó chủ tịch HĐND. Với việc chủ yếu chỉ có một người đưa ra ý kiến lại thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau thì khả năng bao quát, nắm bắt các quy định pháp luật từ đó đưa ra những ý kiến có chiều sâu, đúng với chủ trương chính sách hiện hành là điều khó khăn và ngoài khả năng của Thường trực. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng tại kỳ họp Hội đồng nhân dân có thể xảy ra hai tình huống:
Một là: Việc xem xét các báo cáo, tờ trình và các Nghị quyết thực hiện chiếu lệ, mang tính hình thức;
Hai là: Gây nên tình trạng tranh luận không có điểm dừng tại kỳ họp và phải kéo dài thời gian không cần thiết do kỳ họp không có được những thông tin mang tính định hướng, thuyết phục.
Với việc thành lập Ban HĐND cấp xã thí điểm, tại HĐND các xã có tổ chức thí điểm đã khắc phục được những hạn chế này. Trong năm 2006, 6 Ban đã thẩm tra 20 báo cáo, 20 tờ trình về tình hình thực hiện nhiệm vụ KTXH; kết quả thu chi ngân sách địa phương; chỉ tiêu nhiệm vụ 2007; Báo cáo thẩm tra tờ trình của UBND về quyết toán ngân sách; Báo cáo thẩm tra tờ trình và đề án “tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo... giúp cho HĐND xã xem xét và đưa ra được những quyết định mang tính chính xác cao đáp ứng với nhiệm vụ.
- Về hoạt động xem xét văn bản Quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp: Đây là một việc mà hầu hết HĐND cấp xã không làm vì số lượng văn bản Quy phạm pháp luật ở cấp xã ít; khả năng của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã có nhiều hạn chế. Với việc thành lập Ban thí điểm, các Ban đã được Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và huyện phối hợp trao đổi kinh nghiệm và tổ chức xem xét văn bản Quy phạm pháp luật. Mặc dù số lượng văn bản được xem xét trong năm không lớn và không phải Ban thí điểm nào cũng tổ chức thực hiện nhưng đã thể hiện một bước chuyển biến đáng kể trong việc triển khai thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Điều mà cá nhân tôi cảm thấy tâm đắc nhất đó là qua Ban HĐND thí điểm, chất lượng hoạt động giám sát của HĐND được nâng lên nhưng không tăng thêm biên chế, phát sinh thêm kinh phí hoạt động của HĐND không lớn (do tăng các hoạt động giám sát) : Bởi lẽ nhắc đến HĐND là người ta nghĩ tới hoạt động giám sát, đây là một trong hai chức năng quan trọng của HĐND nhằm phát hiện ra những việc làm không đúng quy định, những hạn chế thiếu sót của UBND, của các cơ quan chuyên môn và các tổ chức từ đó giúp các cơ quan này chấn chỉnh lại hoạt động của mình để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao và phục vụ nhân dân tốt hơn. Chúng ta thường nói nhiều, bàn nhiều về chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã còn nhiều hạn chế mà hạn chế nổi bật nhất đó là hoạt động giám sát. Như tôi đã nói về kết quả của hoạt động giám sát ở trên cho thấy chất lượng giám sát từ khi có Ban thí điểm đã nâng lên một mức. Như vậy là việc thành lập Ban thí điểm đã đi đúng hướng của mục đích ban đầu đề ra. Đấy là một điều mà không chỉ cá nhân tôi mà còn có rất nhiều người cùng tâm đắc đặc biệt là các đồng chí ở cơ sở, những con người trực tiếp biến ý tưởng thành hiện thực bởi với việc thành lập Ban này đã tháo gỡ giúp các đồng chí khó khăn trong hoạt động giám sát vốn tồn tại từ lâu nay.
Hỏi: Tuy nhiên, phản ánh của các địa phương đang triển khai mô hình này cho thấy: Hoạt động của Ban HĐND cấp xã còn lúng túng, thiếu hiệu quả, ông nghĩ sao về vấn đề này:
Trả lời: Tôi đã đi dự Hội nghị sơ kết ở 3 địa phương có tổ chức thí điểm Ban HĐND cấp xã. Ý kiến thu nhận được rất nhiều trong đó có hai luồng ý kiến khác nhau. Hầu hết ý kiến đồng tình với việc thành lập mô hình này, bên cạnh đó còn một số ý kiến còn băn khoăn nhưng tôi khẳng định rằng: 6/6 Ban thí điểm đều đồng tình, nhất trí cao về việc làm này, các đồng chí là Thường trực Hội đồng nhân dân các các huyện Long Thành, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hoà; các huyện khác và các xã, phường có tổ chức thí điểm rất phấn khởi đối với việc này. Có băn khoăn là băn khoăn từ những “người ngoài cuộc” – những đơn vị chưa tổ chức thí điểm - và băn khoăn này là chính đáng cần được giải toả, được chứng minh bằng thực tế.
Về việc cho rằng hoạt động của Ban thí điểm còn lúng túng: Đây là điều tất yếu bởi làm một việc mới cho dù chỉ là một việc nhỏ, giữ một vai trò tiên phong như một người vừa đi, vừa dò đường thì lúng túng là điều đương nhiên và cần phải có thời gian để dần khắc phục. Tôi cho rằng đây không phải là một vấn đề lớn đặt ra với việc tổ chức thí điểm của chúng ta.
Về ý kiến cho rằng mô hình này thiếu hiệu quả: Tôi cho rằng đây là ý kiến còn mang tính chủ quan bởi lẽ từ mặt lý luận cho đến thực tế đều chứng minh tính thực tiễn khách quan của mô hình này. Nếu có nói thiếu hiệu quả, theo tôi để chính xác thì phải nói là thiếu so với mục đích ban đầu mà chúng ta đặt ra bởi chúng ta phải công nhận rằng: Hoạt động xem xét văn bản Quy phạm pháp luật của Ban thí điểm vẫn chưa đạt so với ý định ban đầu; hoạt động giám sát có lúc, có nơi còn lúng túng và chưa thực hiện theo đúng chương trình đã đề ra, còn hiệu quả như thế nào, mang lại chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã như thế nào thì thời gian sắp tới sẽ trả lời việc này.
Tuy nhiên cá nhân tôi cũng như Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh luôn tâm niệm rằng: Đây mới chỉ là một kết quả bước đầu trong một thời gian ngắn, trong một phạm vi hẹp; chúng ta không được tự mãn, chúng ta không chủ quan với những gì đã có mà cần phải tiếp tục hoàn thiện Ban này.
Hỏi: Những giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của mô hình Ban HĐND cấp xã. Mô hình này có thể triển khai trên diện rộng được không?
Trả lời:
Giải pháp để nâng cao chất lượng cho Ban này có nhiều nhưng trước hết đó là yếu tố con người. Chính vì thế, định hướng là phải lựa chọn cho được những thành viên là Đại biểu HĐND cấp xã có sự am hiểu, có kiến thức thuộc các lĩnh vực khác nhau để bổ trợ kiến thức cho nhau giúp Ban này có thể đưa ra được những ý kiến chính xác, bao quát nhiều lĩnh vực.
Kinh nghiệm từ phường Trung Dũng thành phố Biên Hoà là lựa chọn một số Cán bộ hưu trí có trình độ chuyên sâu trong lĩch vực tài chính, pháp luật tham gia Ban này là một kinh nghiệm cần được nhân rộng bởi lẽ các đồng chí này sẽ có nhiều kinh nghiệm, nhiều khả năng hơn, có thể dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động của Ban.
Bên cạnh yếu tố con người là một loạt những vấn đề khác: Việc bồi dưỡng kỹ năng hoạt động trên các lĩnh vực cho các thành viên của Ban; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hoạt động giữa HĐND cấp tỉnh, cấp huyện với cấp xã; Tạo điều kiện làm việc và trang bị cơ sở vật chất cho HĐND cấp xã và tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những quy định cụ thể, chi tiết vào quy chế hoạt động của Ban. Thực hiện tốt và đồng bộ những vấn đề nêu trên chắc chắn rằng chất lượng hoạt động của Ban HĐND cấp xã sẽ được nâng lên.
Về mức độ triển khai mô hình này đến đâu, chúng ta phải đợi kết quả từ Hội nghị sơ kết cấp tỉnh. Nếu nhận thấy cần thiết nhân rộng, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ xin ý kiến Ban công tác Đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Tỉnh uỷ về vấn đề này nhưng nếu có thì cũng chỉ ở mức độ mở rộng thêm, chưa thể là toàn bộ các đơn vị cấp xã.
N.T.O