Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 84-T5-2012

Trao đổi thông tin với cử tri

Đăng ngày: 03/06/2013
​Trao đổi thông tin với cử tri

​1. Cử tri xã Bàu Hàm II, huyện Thống Nhất phản ánh, kiến nghị: Thủ tục hành chính về thế chấp đất đai-cho vay của ngân hàng trước đây ủy nhiệm cho cấp xã thực hiện rất thuận tiện cho nhân dân. Nay tập trung về cơ quan quản lý đất đai cấp huyện (Phòng TN&MT), đã tạo ra nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian của nhân dân. Việc này cần xem xét lại để có biện pháp khắc phục, điều chỉnh.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Nai đã trả lời tại văn bản số 1233/NHNN-ĐNA6  ngày 19/11/2011 cụ thể như sau:

Thực hiện quản lý nhà nước về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng khi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Nai có ý kiến trả lời như sau:

- Việc đăng ký giao dịch đảm bảo về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006, Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ được thực hiện tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; trình tự, thủ tục đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thực hiện theo Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT ngày 16/6/2005 và Thông tư 03/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 về sửa đổi bổ sung Thông tư 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT ngày 16/6/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Tại khoản 1, Mục VIII Thông tư số 06/2007/TT-BTNMT ngày 02/07/2007 huớng dẫn thực hiện một số điều của NĐ số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/05/2007 quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quy định tại Điểm b, khoản 2, Điều 31 như sau:

Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định danh sách các xã, thị trấn ở xa huyện lỵ (gọi chung là xã) được Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (hoặc Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường đối với nơi chưa có Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất) ủy quyền bằng văn bản cho cán bộ địa chính xã thực hiện việc đăng ký thế chấp, đăng ký thế chấp cho người thứ ba vay vốn (bảo lãnh), đăng ký thay đổi nội dung thế chấp, đăng ký bổ sung thế chấp, xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (gọi chung là đăng ký thế chấp) của hộ gia đình, cá nhân đối với trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận.

Những xã ở gần huyện lỵ mà việc đăng ký thế chấp của hộ gia đình, cá nhân tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện thuận lợi thì không thực hiện việc ủy quyền đăng ký thế chấp cho cán bộ địa chính xã.

Hộ gia đình, cá nhân ở những xã mà cán bộ địa chính đuợc ủy quyền đăng ký thế chấp đuợc lựa chọn đăng ký thế chấp tại xã hoặc đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.

Như vậy, việc thực hiện các thủ tục hành chính về thế chấp đất đai để vay vốn ngân hàng tại xã Bàu Hàm II do UBND huyện Thống Nhất quy định danh sách các xã, thị trấn ở xa huyện và đuợc Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thống Nhất ủy quyền bằng văn bản cho cán bộ địa chính xã thực hiện việc đăng ký thế chấp, đăng ký thế chấp cho nguời thứ ba vay vốn thì mới được thực hiện.

 Vì vậy, ngày 02/12/2011 Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bàn số 8541/UBND-TH giao Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất xem xét trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri xã  Bàu Hàm II, huyện Thống Nhất về nội dung này.

Ngày 06/12/2011, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất đã có văn bản số 1770/UBND-TNMT trả lời cụ thể như sau:

Căn cứ quy định tại Điều 31 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết về thực hiện quyền giao dịch  bảo đảm, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì công việc đăng ký giao dịch bảo đảm, bảo lãnh do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện; tuy nhiên căn cứ vào quy định tại khoản 1, mục VIII Thông tư số 06/2007/TT-BTNMT ngày 02/7/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 thì cho phép ủy quyền cho cán bộ địa chính cấp xã thực hiện công tác đăng ký giao dịch bảo đảm.

Do đó để thuận tiện cho việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất của nhân dân; UBND huyện Thống Nhất ban hành Quyết định số 1403/QĐ-UBND ngày 30/7/2007 về việc ban hành danh sách các xã được ủy quyền thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất cho cán bộ địa chính 10/10 xã, đồng thời Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thống Nhất đã ban hành văn bản số 50/VP-ĐKQSDĐ ngày 31/7/2007 về việc ủy quyền cho cán bộ địa chính 10/10 xã thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyến sử dụng đất trên địa bàn xã mình.

Tuy nhiên qua sơ kết đánh giá công tác ủy quyền đăng ký giao dịch đảm bảo tại UBND các xã  đã phát sinh một số hạn chế, cụ thể như sau: Chế độ báo cáo không đầy đủ, kịp thời, sai sót về trình tự thủ tục và một số quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, từ đó dẫn đến tình trạng có một số trường hợp cơ quan điều tra đã phải vào cuộc (xã lộ 25); mặt khác theo đề xuất của cán bộ địa chính các xã (người được ủy quyền) không đảm đương được công việc ủy quyền đăng ký giao dịch bảo đảm, vì cán bộ địa chính các xã phải thực hiện khối lượng công việc chuyên môn rất lớn. Hơn nữa công tác đăng ký giao dịch bảo đảm thuộc lĩnh vực tài chính liên quan đến các tổ chức tín dụng và tài sản công dân; do đó cần phải được thực hiện một cách chặt chẽ về trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật, không được sai sót. Vì vậy, ngày 25/7/2011 Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thống Nhất ban hành văn bản số 07/TB-VPĐK về việc ngưng ủy quyền thực hiện công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất đối với cán bộ địa chính các xã trên địa bàn huyện kể từ ngày 31/7/2011 để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian ủy quyền.

Về thời gian thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thống Nhất, được tiếp nhận và trả kết quả ngay trong ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ; trường hợp hồ sơ được tiếp nhận sau 15 giờ thì việc đăng ký và trả kết quả ngay trong ngày làm việc tiếp theo; trong trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký (trường hợp phải xác minh) thì cũng không quá 03 ngày làm việc theo đúng quy định tại  Điều 18 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ quy định về thời gian đăng ký giao dịch bảo đảm, xóa đăng ký giao dịch bảo đảm…

Về việc thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm và xóa đăng ký giao dịch bảo đảm, được thực hiện đúng theo quy định tại khoản 1, Điều 3, Thông tư Liên tịch  số 69/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 18/5/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên, cụ thể:

- Lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm là: 80.000 đồng/hồ sơ;

- Lệ phí đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm là: 70.000 đồng/hồ sơ;

- Lệ phí đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký là: 60.000 đồng/hồ sơ;

- Lệ phí xóa đăng ký giao dịch bảo đảm là : 20.000 đồng/hồ sơ;

Đối với những trường hợp cá nhân, hộ gia đình khi đăng ký giao dịch bảo đảm để vay vốn tại các tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ chính sách nông nghiệp, nông thôn thì không phải nộp lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm.

Đối với việc đăng ký đăng ký giao dịch bảo đảm, xóa đăng ký giao dịch bảo đảm cho các trường hợp thuộc địa bàn xã Bàu Hàm 2 tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thống Nhất là rất thuận tiện vì khoảng cách từ UBND xã Bàu Hàm 2 đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện là 1,5 km. Đồng thời việc đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn huyện được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định trên cơ sở tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện và có nhu cầu.

2. Cử tri ấp 6, xã Xuân Bắc phản ánh: Hiện nay các hộ dân ở ấp 6 (thuộc nông trường Thọ Vực) chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con như: không được làm nhà, tách hộ khẩu cho con khi lập gia đình, không vay được vốn ngân hàng…Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, xem xét sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã trả lời  cụ thể tại văn bản số 3711/STNMT-VP ngày 29/11/2011 như sau:

Diện tích đất các hộ dân ấp 6 xã Xuân Bắc đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc do Nhà nước giao cho Công ty TNHH MTV (Trách nhiệm hữu hạn một thành viên) Thọ Vực quản lý, sử dụng. Trong quá trình hình thành và phát triển, Nông trường Thọ Vực (nay là công ty TNHH MTV Thọ Vực) đã giao đất cho các hộ là cán bộ, công nhân viên của Nông trường để làm nhà ở  và làm kinh tế phụ. Thực hiện chủ trương của Nhà nước, Nông trường cũng đã giao khoán đất cho các hộ để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường và trên cơ sở tự rà soát quỹ đất của Công ty TNHH MTV Thọ Vực, ngày 10/7/2007, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2092/QĐ-UBND công nhận kết quả rà soát hiện trạng quỹ đất của Công ty. Theo kết quả rà soát nêu trên thì diện tích đất các hộ dân ấp 6 xã Xuân Bắc đề nghị được cấp giấy chứng nhận được thống kê vào quỹ đất của Công ty gồm: Diện tích đất đã bố trí làm nhà ở cho các hộ gia đình cán bộ, công nhân viên và diện tích đất sử dụng không đúng mục đích được giao (diện tích đất làm nhà ở và xây dựng công trình trên đất giao khoán).

 Những diện tích đất các hộ dân ấp 6 xã Xuân Bắc đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên, Công ty có kế hoạch giữ lại  để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh của Công ty. Hiện nay, UBND huyện Xuân Lộc và Công ty đang dự kiến bố trí một khu tái định cư (từ quỹ đất của Công ty) để di dời các hộ. Khi thực hiện việc di dời, Nhà nước sẽ bồi thường và hỗ trợ cho các hộ dân theo quy định.

3. Cử tri xã Hiệp Hòa đề nghị tỉnh xem xét, xử lý việc khí thải từ các khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe của nhân dân vì việc này nhân dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được ngành chức năng giải quyết dứt điểm.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã trả lời tại văn bản số 3750/STNMT-VP  ngày 05 /12/2011 cụ thể như sau:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 khu công nghiệp (KCN) với hơn 850 doanh nghiệp đang hoạt động, có khoảng 400 doanh nghiệp có phát sinh khí thải tại nguồn từ việc sử dụng nguyên liệu đốt (khí gas, dầu DO, FO, than đá, gỗ tạp) trong quá trình sản xuất với 247/400 doanh nghiệp có lưu lượng khí thải lớn.

Trong năm 2011, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra tại 247 cơ sở có phát sinh khí thải với lưu lượng lớn ở các KCN, kết quả cho thấy có 217 cơ sở có hệ thống thu gom, xử lý khí thải đạt quy chuẩn môi trường. Còn lại 30 cơ sở chưa có hệ thống thu gom, xử lý khí thải hoặc có hệ thống thu gom, xử lý khí thải nhưng xử lý không đạt quy chuẩn môi trường quy định, chiếm tỷ lệ 12%.

Đối với 30 cơ sở không xử lý khí thải đạt quy chuẩn môi trường quy định, ngoài việc Thanh tra Sở đã xử phạt hoặc đề nghị UBND tỉnh xử phạt với tổng số tiền phạt hơn 724 triệu đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã giao Chi cục Bảo vệ môi trường rà soát đưa các doanh nghiệp này vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để tập trung giám sát việc khắc phục ô nhiễm triệt để.

Bên cạnh đó, trong năm 2012, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có phát sinh nguồn thải lớn, nhất là đối với các cơ sở có phát sinh khí thải nằm trong và ngoài các khu công nghiệp, qua đó buộc các cơ sở phải thu gom, xử lý khí thải đạt quy chuẩn môi trường quy định để giải quyết tình trạng khí thải từ các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe của nhân dân.

4. Cử tri thành phố Biên Hòa đề nghị tỉnh xem xét, sớm có phương án duy tu, chống sập di tích thành Biên Hòa (thành Kèn) vì hiện nay thành này đang xuống cấp trầm trọng.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trả lời tại văn bản số 1205/SVHTTDL-VP ngày 07/12/2011 cụ thể như sau: 

+ Phương án tu bổ - tôn tạo chống xuống cấp di tích Thành Biên Hòa:

a .Tiến độ lập dự án tu bổ - tôn tạo di tích Thành Biên Hòa.

Di tích Thành Biên Hòa được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2008. Năm 2009, Công an tỉnh Đồng Nai mới bàn giao chính thức cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), khi nhận bàn giao di tích trong tình trạng bị xuống cấp nghiêm trọng, cảnh quan môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.

Sau khi nhận bàn giao, Sở VHTTDL đã giao cho Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh trực tiếp quản lý thực hiện việc chống xuống cấp di tích, nâng cấp sửa chữa cơ sở hạ tầng, rà phá bom mìn, phát quang, dọn dẹp vệ sinh, giữ cho di tích không tiếp tục bị xuống cấp, đồng thời triển khai công tác nghiên cứu, thu thập tài liệu, hiện vật, hình ảnh làm cơ sở cho việc lập dự án tu bổ - tôn tạo di tích.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 6872/UBND-VX ngày 21/8/2009 về việc bảo tồn - tôn tạo di tích Thành Biên Hòa; Sở VHTTDL đã giao cho Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh mời đơn vị tư vấn thiết kế có kinh nghiệm trong việc lập dự án tu bổ - tôn tạo di tích. Trong quá trình lập dự án do gặp một số khó khăn như: Điều chỉnh quy hoạch chi tiết phường Quang Vinh, lộ giới đường Phan Chu Trinh, tư liệu về cổng Thành Biên Hòa… Do vậy, việc lập dự án kéo dài. Sau khi xin ý kiến đóng góp của các Sở ngành chức năng và thành phố Biên Hòa. Hồ sơ dự án đến nay đã hoàn thành. Các hạng mục được tu bổ - tôn tạo giai đoạn 1 bao gồm:

- Hệ thống tường thành phía Đông, phía Tây và phía Bắc. Riêng cổng và hệ thống tường thành phía Nam tiếp giáp đường Phan Chu Trinh do chưa đủ cơ sở khoa học và vướng lộ giới đường Phan Chu Trinh việc phục hồi cổng thành phải để giai đoạn 2.

- 02 tháp canh phía Đông và phía Tây;

- Nhà cổ phía Đông;

- Nhà cổ phía Tây;

- Nhà bảo vệ và điều hành;

- Bãi đậu xe;

- Sân đường nội bộ;

- Hệ thống cấp, thoát nước;

- Hệ thống điện chiếu sáng;

- Nhà vệ sinh.

Tổng mức đầu tư được lập là: 25.428.845.596 đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 19.924.861.729 đồng; chi phí khác là 5.504.983.867 đồng.

Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh sẽ trình Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét phê duyệt trong tháng 12/2011.

b. Thuận lợi:

- Được sự quan tâm chỉ đạo của Sở VHTTDL, sự hỗ trợ các Sở ngành chức năng và thành phố Biên Hòa. Đặc biệt sự quan tâm, đóng góp tư liệu, hình ảnh, hiện vật và các nhân chứng và các nhà nghiên cứu.

c. Khó khăn:

- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc tra cứu tư liệu, tiếp xúc với nhân chứng và các nhà nghiên cứu khoa học, kiến trúc sư nhưng đến nay vẫn chưa tìm được tư liệu về cổng thành. Theo tư liệu lịch sử Thành Biên Hòa được xây dựng cùng thời với Thành Mỹ Tho. Đối chiếu so sánh các Thành cổ Việt Nam giai đoạn này cổng thành khá giống nhau. Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh đã thực hiện mô hình Thành Biên Hòa lấy kinh phí xã hội hóa dựng phía trước để tiếp tục xin ý kiến nhân dân và các nhà khoa học.

- Phục hồi tường thành phía Nam và cổng thành sẽ vướng lộ giới đường Phan Chu Trinh.

d. Kiến nghị:

- Chia dự án ra làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tập trung những hạng mục nói trên,  giai đoạn 2 ưu tiên cho hạng mục chống sập ngôi nhà Tây đang xuống cấp nghiêm trọng và phục dựng cổng thành, tường thành, lô cốt tiếp giáp đường Phan Chu Trinh.

- Cho phép khai quật khảo cổ học Thành Biên Hòa, làm sáng tỏ những tiềm ẩn Thành Biên Hòa trong lòng đất làm cơ sở cho việc tu bổ - tôn tạo khai thác di tích Thành Biên Hòa. (vì theo thư tịch cổ, Thành Biên Hòa được xây dựng năm 1837 trên nền một thành cổ Lạp Man và khu vực xung quanh đã phát hiện nhiều hiện vật lịch sử trước thế kỷ XVII ).

Các kiến nghị nêu trên đang được các cơ quan chức năng xem xét giải quyết.