Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 92-T1&T2-2013

Trao đổi thông tin với cử tri

Đăng ngày: 18/06/2013
​Trao đổi thông tin với cử tri.

​     1. Cử tri xã Gia Tân 3, Thống Nhất phản ánh: Hiện nay việc xử lý các chất thải chăn nuôi trong những vùng sản xuất chăn nuôi tập trung chưa tốt, gây ảnh hưởng đến môi trường, trong đó gây ô nhiễm nguồn nước ngầm là nguồn nước chính cho sinh hoạt của người dân ở khu dân cư nông thôn. Đề nghị Nhà nước có giải pháp giúp người chăn nuôi có biện pháp xử lý tốt chất thải chăn nuôi, bảo vệ tốt môi trường.

     Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xem xét, trả lời như sau:

     Theo Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND ngày 5/12/2008 về việc thông qua đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Chương trình bảo vệ môi trường 2011-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 54/2011/QĐ-UBND ngày 01/9/2011, trong đó có nội dung phải di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu đô thị, khu dân cư tập trung vào các vùng khuyến khích chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

     Để triển khai thực hiện dự án chăn nuôi trong những vùng sản xuất chăn nuôi tập trung, các chủ dự án chăn nuôi phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó nêu rõ các tác động, ảnh hưởng đến môi trường của quá trình chăn nuôi và đề ra các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu các tác động, ảnh hưởng đến môi trường và các công trình môi trường để xử lý các chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi đi vào hoạt động.

     Như vậy, các biện pháp xử lý đối với các chất thải trong chăn nuôi đã được thể hiện ngay trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, qua thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn còn phát hiện nhiều cơ sở chưa thực hiện đúng các nội dung theo yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, gây ô nhiễm môi trường như Công TNHH Chăn nuôi Tâm Dũng Nhi, Công ty TNHH Nguyệt Đức, Công ty TNHH Hoàng Kim Thanh…. Đối với các Công ty này, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tiến hành xử phạt theo quy định tại Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

     Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đối với các chủ cơ sở chăn nuôi trong vùng chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong vùng chăn nuôi tập trung. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi, kiên quyết xử lý đối với các hành vi xả chất thải chăn nuôi chưa được xử lý đạt quy chuẩn ra môi trường. Trường hợp chủ cơ sở chăn nuôi không thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm đúng thời hạn quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động.

     2. Cử tri xã Hiệp Phước, Nhơn Trạch phản ánh: Hiện nay, việc thực hiện khung giá đền bù của tỉnh áp dụng trên địa bàn huyện Nhơn Trạch theo từng vị trí chưa phù hợp, còn thấp so với giá thị trường rất nhiều, vì khi người dân nhận tiền theo giá đền bù thì không thể mua lại phần đất tương xứng trên cùng một khu vực. Cử tri xã Hiệp Phước kiến nghị tỉnh nên có giải pháp điều chỉnh giá đền bù cho phù hợp để đảm bảo quyền lợi người dân có đất nằm trong các dự án quy hoạch.

     Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xem xét, trả lời như sau:

     Việc xây dựng Bảng giá đất hàng năm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện. Để tham mưu xây dựng bảng giá đất hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với địa phương khảo sát tình hình thực tế và đã xin ý kiến góp ý của các Sở, ngành và các địa phương có liên quan.

     Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/1/2006 của Chính phủ quy định: "Giá đất để tính bồi thường là giá đất theo mục đích đang sử dụng đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định và công bố; không bồi thường theo giá đất sẽ được chuyển mục đích sử dụng; trường hợp tại thời điểm có quyết định thu hồi đất mà giá này chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giá đất cụ thể cho phù hợp". Căn cứ Thông báo số 201/TB-VPCP ngày 16/7/2009 của Văn phòng Chính phủ về việc kết luận của Thủ tướng chính phủ tại cuộc họp về việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn định giá đất, thì nhiệm vụ xác định giá đất cụ thể của từng thửa đất do ngành tài chính thực hiện.

     Do đó, trường hợp giá đất để tính bồi thường chưa phù hợp với giá thực tế trên thị trường sẽ tiến hành xác định lại giá đất cụ thể của từng thửa đất. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tài chính xem xét, giải quyết đối với ý kiến phản ánh của cử tri.

   Ngày 28/12/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 10500/UBND-TH giao Giám đốc Sở Tài chính xem xét, giải quyết đối với ý kiến phản ánh của cử tri. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tiếp tục thông báo cho cử tri rõ khi có ý kiến của Giám đốc Sở Tài chính.

      3. Cử tri xã Trị An, Vĩnh Cửu phản ánh: đã hoàn tất hồ sơ quân nhân tham gia chiến trường Tây Nam (Campuchia) nhưng chưa được giải quyết chế độ, qua liên hệ với cơ quan chức năng được trả lời là hồ sơ người có công cùng đối tượng trên địa bàn toàn tỉnh hiện cũng đang trong quá trình xem xét giải quyết. Cử tri đề nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét giải quyết kịp thời.

      Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xem xét, trả lời như sau:

     Việc tổ chức thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, địa phương làm tốt công tác tiếp nhận, thẩm định xét duyệt và báo cáo về trên theo quy định. Đến nay Bộ CHQS tỉnh đã tiếp nhận và thẩm định, xét duyệt báo cáo về Phòng Chính sách/Cục Chính trị/Quân khu 7 được 1.837 hồ sơ đối tượng hưởng chế độ một lần, 03 hồ sơ hưởng chế độ hàng tháng.

     Theo quy định và trình tự giải quyết hồ sơ các đối tượng hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg phải từ Hội đồng chính sách xã, phường, thị trấn xét duyệt báo cáo lên Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố; Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố thẩm định, xét duyệt báo cáo về Bộ CHQS tỉnh, Bộ CHQS tỉnh thẩm định, xét duyệt tổng hợp báo cáo về Phòng Chính sách/Cục Chính trị; Phòng Chính sách thẩm định, xét duyệt xong trước khi trình Bộ Tư lệnh Quân khu ra Quyết định cho các đối tượng hưởng chế độ, chính sách phải được Cục Chính sách thẩm định lại. Riêng về phần kinh phí để chi trả cho đối tượng, sau khi Bộ Tư lệnh Quân khu ký quyết định cho các đối tượng hưởng chế độ, chính sách, Phòng Tài chính/Quân khu 7 phải trình về Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng, sau đó Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng trình Bộ Tài chính phê duyệt kinh phí chi trả, sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt mới tiến hành thông báo lại theo phân cấp.

     Do vậy thời gian được hưởng chế độ, chính sách của các đối tượng còn chậm vì các lý do trên. 

     4. Cử tri phường Tân Hiệp thành phố Biên Hòa phản ánh: Khu đất 87 ha được quy hoạch để xây dụng Trung tâm hành chính của thành phố đến nay chưa thực hiện dẫn đến tình trạng các hộ dân không được cấp GCNQSDĐ, không được sửa chữa nhà ở, gây khó khăn cho đời sống. Đề nghị Trung tâm phát triển quỹ đất nghiên cứu, có thể phân đoạn theo các khu vực nhỏ từ đó xác định những khu vực người dân có thể được cấp GCNQSDĐ và được xây dựng, sửa chữa nhà ở nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc hiện nay của người dân.

     Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xem xét, trả lời như sau:

     Ngày 16/01/2006 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 826/QĐ.CT.UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu Trung tâm Hành chính-Văn hóa-Thương mại thành phố Biên Hòa. Để có mặt bằng xây dựng các phân khu chức năng theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt, ngày 09/8/2006 UBND tỉnh ban hành văn bản số 5115/UBND-PPLT về việc thu hồi đất khu Trung tâm Hành chính - Văn hóa - Thương mại Tp. Biên Hòa, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh triển khai công tác lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích khu trung tâm theo quy họach được duyệt.

     Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật-Địa chính nhà đất và Hội đồng bồi thường thành phố Biên Hòa (Nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố) thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính khu đất toàn khu 87,0ha; tiến hành điều tra khảo sát lập phương án tổng thể bồi thường và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 598/QĐ-UBND ngày 15/3/2007. 

    Theo phương án tổng thể bồi thường đã được phê duyệt, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được phân kỳ thành 2 giai đoạn:

     * Giai đoạn 1: có tổng diện tích là 480.909m2 gồm các phân khu đường trục chính rộng 60m (117.723 m2), khu hành chính (184.700 m2) và khu khai thác quỹ đất (178.486 m2).

      * Giai đoạn 2: phần diện tích còn lại 388.650 m2. 

      Tính đến nay Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đang triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đợt 1 giai đoạn 1 với diện tích 184.700 m2 (là phần xây dựng khu hành chính). Cụ thể, đã tổ chức công bố phương án tổng thể về bồi thường hỗ trợ và tái định cư đợt 1, giai đoạn 1 với diện tích 184.700 m2; trình UBND thành phố Biên Hòa ban hành 150 Quyết định thu hồi đất của tổ chức và hộ gia định cá nhân tại khu vực nêu trên (khu hành chính); kiểm kê, hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND thành phố Biên Hòa phê duyệt phương án bồi thường khu nghĩa trang Gò Me và tiến hành chi trả bồi thường 1.301 mộ cho 559 trường hợp, hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất đang tiếp tục phối hợp với Hội đồng bồi thường dự án, UBND phường Thống Nhất xác minh nguồn gốc, lập phương án bồi thường cho các hộ dân có đất thu hồi thuộc quy hoạch khu hành chính (184.700 m2); đồng thời có báo cáo UBND tỉnh xem xét tiếp tục có ý kiến chỉ đạo triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bố trí nguồn vốn để thực hiện các khu còn lại. 

     Về ý kiến liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được xây dựng, sửa chữa nhà ở của người dân tại khu vực đã được quy hoạch chi tiết khu Trung tâm hành chính theo Quyết định phê duyệt quy hoạch số 826/QĐ.CT.UBND ngày 16/01/2006 của UBND tỉnh. Theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ thì “Trường hợp đất đã được sử dụng trước thời điểm quy hoạch được xét duyệt nhưng tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận việc sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch đã được xét duyệt và đã có chủ trương thu hồi đất bằng văn bản theo quy định tại Điều 49 Nghị định này thì người sử dụng đất không được cấp Giấy chứng nhận nhưng được sử dụng đất theo hiện trạng cho đến khi có quyết định thu hồi đất”;

     Do khu đất này đã có chủ trương thu hồi đất nên thuộc trường hợp không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

     5. Cử tri các xã 4 xã Long Hưng, An Hòa, Phước Tân, Tam Phước thành phố Biên Hòa: đề nghị tỉnh xem xét việc áp dụng quy định một mảnh đất không được tách quá 10 thửa đất vì thực tế có nhiều hộ gia đình đông con có nhu cầu tách thành nhiều thửa đất để tạo điều kiện cho các thành viên ổn định chỗ ở.

     Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xem xét, trả lời như sau:

      Căn cứ Luật Đất đai năm 2003; Điều 17 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai, thì UBND tỉnh có trách nhiệm ban hành quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.

    Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 49/2008/QĐ-UBND ngày 19/8/2008 quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Hiện nay đã được thay thế bằng Quyết định số 68/2008/QĐ-UBND ngày 28/9/2009 và được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 20/2/2012.

     Theo đó, UBND tỉnh đã quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất; đồng thời tại Khoản 2, Điều 1 Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 20/2/2012 có quy định: “Thửa đất có hiện trạng là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nằm trong qui hoạch đất ở thì được phép tách thửa theo diện tích tối thiểu đối với loại đất ở được qui định tại Điểm a, Khoản 1, Điều này và phải thực hiện đồng thời với việc lập thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất đối với thửa đất được tách mới theo quy hoạch được duyệt. Trường hợp thửa đất ban đầu khi chưa tách thửa được xác lập trên bản đồ địa chính có diện tích lớn hơn hai nghìn mét vuông (2.000m2) và có tổng số thửa được chia tách trên thửa đất ban đầu đó lớn hơn mười (10) thì phải lập quy hoạch chi tiết phân lô, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.”

     ​Như vậy, theo quy định trên thì từ một thửa đất ban đầu chỉ được phép tách đến 10 thửa đất; trường hợp tổng số thửa được tách ra từ thửa ban đầu lớn hơn 10 thửa thì phải lập quy hoạch chi tiết phân lô, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện.

     Quy định này nhằm bảo đảm cho việc tách thửa để hình thành các thửa đất mới (có diện t​ích nhỏ) mà không làm phá vỡ các quy hoạch sử dụng dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông; đồng thời không ảnh hưởng nhiều đến kết cấu hạ tầng cơ sở và hạ tầng xã hội của địa phương (như về giao thông; điện, nước sinh hoạt; thông tin, liên lạc; giáo dục, y tế, chợ, an ninh trật tự xã hội…) và tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất sau khi chia tách.

     Quy định này của UBND tỉnh là phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai, quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng (tại Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/4/2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng) và tình hình thực tế của tỉnh hiện nay.

     Do đó, trường hợp cử tri muốn tách 01 thửa đất thành hơn 10 thửa đất mới thì phải lập quy hoạch chi tiết phân lô trình cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để thẩm định trước khi thực hiện việc chia, tách thửa đất. Khi được sự chấp thuận về quy hoạch xây dựng thì ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ cho phép tách thửa. 

     6. Cử tri xã Tây Hòa phản ánh: tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí tại các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn, đề nghị ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát để cải thiện tình hình.

     Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xem xét, trả lời như sau:

     Qua rà soát các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, cho thấy trên địa bàn xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom hiện có KCN Bàu Xéo do Công ty Cổ phần Thống Nhất là chủ đầu tư với 18 dự án đang hoạt động. 

     Trong quá trình hoạt động, KCN Bàu Xéo đã hoàn thành việc xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp với công suất giai đoạn 1 là 4.000 m3/ngày và đã được Tổng cục Môi trường kiểm tra, xác nhận.

     Tuy nhiên, theo kết quả quan trắc chất lượng nước thải sau xử lý của KCN Bàu Xéo từ đầu năm 2012 đến nay theo định kỳ 01 tháng/lần, cho thấy chất lượng nước thải chưa ổn định, cụ thể thông số amoni trong nước thải còn vượt từ 1,5-1,8 lần so với quy chuẩn môi trường quy định. Vì vậy, Sở Tài nguyên và môi trường tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1824/QĐ-UBND ngày 7/5/2012 xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần Thống Nhất với số tiền 35.000.000 đồng, đồng thời yêu cầu công ty khẩn trương thực hiện các biện pháp cải tạo công trình xử lý, đảm bảo chất lượng nước thải đạt quy chuẩn môi trường. Hiện tại, Công ty Cổ phần Thống Nhất đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải với các thông thông số quan trắc gồm DO, pH, COD, TSS tại KCN Bàu Xéo và đang rà soát việc vận hành hệ thông xử lý nước thải tập trung để khắc phục ô nhiễm đối với thông số amoni.

     Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ yêu cầu chủ đầu tư khu công nghiệp phải khẩn trương nâng cao năng lực quản lý vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, niêm yết công khai, minh bạch quy trình vận hành, mức tiêu tốn hóa chất, năng lượng để xử lý nước thải. Đồng thời, triển khai lắp đặt lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải tại KCN Bàu Xéo và truyền dữ liệu quan trắc về trạm trung tâm của Sở Tài nguyên và Môi trường để tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời cảnh báo ô nhiễm và xử lý các vi phạm về xả nước thải không đạt quy chuẩn môi trường (nếu có) của KCN Bàu Xéo. 

     ​Riêng đối với tình trạng ô nhiễm không khí, chủ yếu là do khí thải phát sinh từ các doanh nghiệp hoạt động trong KCN. Theo quy định về bảo vệ môi trường, các chủ doanh nghiệp có phát sinh khí thải trong khu công nghiệp phải xây dựng công trình xử lý khí thải và xử lý đạt quy chuẩn môi trường quy định theo yêu cầu tại quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp chưa xử lý khí thải đạt quy chuẩn môi trường quy định. Vì vậy, để cải thiện tình trạng các doanh nghiệp trong khu công nghiệp còn xả khí thải chưa đạt quy chuẩn môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc đầu tư xây dựng các công trình xử lý khí thải theo yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các doanh nghiệp, qua đó hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, đồng thời kiên quyết xử lý đối với các doanh nghiệp xả khi thải vượt quy chuẩn môi trường quy định.