Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 93-T3-2013

Vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội

Đăng ngày: 25/06/2013
​Trong lịch sử phát triển của loài người, phụ nữ luôn là một bộ phận quan trọng, thể hiện vai trò không thể thiếu trong đời sống gia đình cũng như xã hội. Nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào này.

​     Từ xa xưa, ông bà ta đã từng có câu: “Nhất vợ nhì trời”, “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, “Con dại cái mang”… để khẳng định vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Dù theo thời gian, những chuẩn mực về người phụ nữ đã có thay đổi, nhưng người phụ nữ vẫn là người “thắp lửa”, người “xây tổ ấm” trong gia đình, vẫn là người có tác động đặc biệt quan trọng đối với các thành viên trong mỗi gia đình. 

     Việc chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái đã là “nhiệm vụ” không thể thiếu của người phụ nữ. Người phụ nữ là người chăm sóc và giáo dục con cái chủ yếu trong gia đình. Những đứa con từ khi mới sinh ra đến khi trưởng thành, phần lớn thời gian là gần gũi và chịu ảnh hưởng từ người mẹ.

DSC05189.jpg
Những người phụ nữ luôn cố gắng để thực hiện tốt trọng trách
của mình đối với gia đình và xã hội.​
 

     Trong gia đình, người phụ nữ là người sắp xếp, tổ chức cuộc sống: Từ đi chợ, nấu ăn, giặt giũ đến quét dọn, bày trí, sắp xếp, mua sắm... Bên cạnh đó, người phụ nữ luôn giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa các mối quan hệ gia đình và là người đóng góp to lớn trong sự thành công của người chồng. Niềm hạnh phúc của mỗi người phụ nữ đó là được chăm sóc cho những người mình yêu thương.

     Trong xã hội hiện đại, chuẩn mực về người phụ nữ cũng có những thay đổi, kéo theo sự thay đổi về ảnh hưởng của họ đối với gia đình và xã hội. Người phụ nữ bắt đầu được nhìn nhận với vai trò quan trọng hơn không chỉ trong gia đình mà còn ngoài xã hội. Họ bắt đầu khẳng định mình, bắt đầu “vươn xa” khỏi tầm nhìn hạn chế của người nội trợ, bắt đầu tiếp xúc với tri thức và đòi hỏi được ngang bằng với phái nam. Tuy vậy, người phụ nữ của thời hiện đại càng không thể tách rời với thực tế gia đình và xã hội. Bởi chính tại hai môi trường này, người phụ nữ mới thể hiện, thực hiện được những chức năng của mình. 

     Với tỉ lệ trên 50% dân số, ngày nay, người phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiện có 24,4% đại biểu nữ trong Quốc hội (khóa XIII), trên 30% đại biểu nữ trong HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, tỷ lệ nữ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên đến 66,8%, trong các doanh nghiệp công nghiệp chế biến là 57,5%. Đội ngũ nữ trí thức Việt Nam đã có bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, với 36,64% trong khoa học tự nhiên; 33% trong khoa học công nghệ. Sự đóng góp của đội ngũ lao động nữ trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ cũng là động lực để phát triển kinh tế…

     Tuy nhiên, cùng với sự tham gia mạnh mẽ và sự thành công trong xã hội, không ít phụ nữ đang đứng trước mâu thuẫn giữa gia đình và sự nghiệp. Sự hy sinh cho chồng, con vốn là đức tính tốt đẹp của người phụ nữ từ ngàn xưa đến nay. Sự hy đó đem lại nhiều niềm vui, hạnh phúc cho người phụ nữ. Nhưng dưới sự phát triển của xã hội, đòi hỏi người phụ nữ cũng phải dành nhiều thời gian, công sức để đáp ứng yêu cầu công việc. Dù trong lĩnh vực nào, với bản tính chịu thương, chịu khó, người phụ nữ cũng luôn cố gắng để thực hiện tốt trọng trách của mình đối với gia đình và xã hội.

     Chìa khóa để người phụ nữ thành công và hạnh phúc là tìm được sự cân bằng trong cuộc sống, nhưng không phải mọi người đều có thể làm được việc đó. Người phụ nữ đang phải chịu nhiều áp lực từ yêu cầu ngày càng cao của xã hội, từ nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ gia đình, nuôi dạy con cái; không chỉ “giỏi việc nước” mà còn phải “đảm việc nhà”. Thiên về gia đình, tự biến mình thành người phụ nữ nội trợ hay dành phần lớn thời gian cho công việc, cho sự thăng tiến trong nghề nghiệp… đều khó lòng đạt được hạnh phúc.

     Để đảm đương được vai trò của mình, yếu tố tự thân của mỗi phụ nữ là rất quan trọng. Chỉ khi nào tính tích cực, chủ động của người phụ nữ được khơi dậy, phụ nữ mới vừa có thể đảm đương tốt công việc ngoài xã hội, vừa duy trì được mối quan hệ gia đình bền chặt, một tổ ấm hạnh phúc. Người phụ nữ phải luôn biết tự tin vào bản thân, biết sống vươn lên, tự tạo cơ hội cho bản thân, chủ động, trong việc thực hiện trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội.

     Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, người phụ nữ phải biết khéo léo chia sẻ với người chồng những khó khăn trong công việc gia đình, công việc xã hội mà chị em đang gặp phải. Qua đó người chồng có thể hiểu được vai trò, trách nhiệm với gia đình, đồng thời phân chia công việc để giảm gánh nặng cho chị em. Khi có người chồng biết chia sẻ, phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội hơn để hoàn thành trách nhiệm đối với gia đình và khẳng định mình ngoài xã hội.

     Cuộc sống không ngừng vận động, người phụ nữ của ngày nay phải gánh lên đôi vai nhỏ bé của mình nhiều áp lực hơn về trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Nhưng với sự hy sinh, dịu dàng vốn có, người phụ nữ vẫn vượt qua được những khó khăn, áp lực để tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong gia đình và ngoài xã hội. Người phụ nữ vẫn luôn là chính họ, với một tâm hồn đôn hậu tình người. Nhà văn Victor Hugo đã viết: “Bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ”.

                                                                                         N.T.H