|
Một doanh nghiệp xử lý rác thải nhưng gây ô nhiễm ngược ra môi trường |
Từ đó đặt ra trách nhiệm của sở Tài nguyên và Môi trường trong việc đảm bảo thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh mà đặc biệt trong việc khắc phục một số tình trạng về ô nhiễm môi trường cụ thể như sau: Xử lý rác sinh hoạt ở khu dân cư; Xử lý tình trạng các doanh nghiệp đấu thầu rác thải công nghiệp nhưng không xử lý đúng quy định mà thải bừa bãi ra môi trường; Quy hoạch và triển khai các khu xử lý rác trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, năm 2008 toàn tỉnh phát sinh 394.000 tấn rác sinh hoạt, 31.755 tấn chất thải sinh hoạt phát sinh của các Khu công nghiệp và 456.484 tấn chất thải rắn công nghiệp không nguy hại. Thực tế này đặt ra yêu cầu về xử lý rác sinh hoạt và quy hoạch các khu xử lý rác.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Môi trường đô thị Biên Hòa và 08 hợp tác xã và một số cơ sở thu gom trên địa bàn các huyện thu gom, vận chuyển và xử lý. Trên địa bàn tỉnh hiện có 02 doanh nghiệp (DNTN Tân Phát Tài và Công ty phát triển KCN Sonadezi) có chức năng trong hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển và tiêu hủy chất thải nguy hại.
Theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý thì chức năng quản lý nhà nước về chất thải thuộc ngành Xây dựng. Tuy nhiên, với nhiệm vụ quản lý Nhà nước về môi trường, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với ngành xây dựng lập quy hoạch bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn tỉnh (quyết định số 7480/QĐ.UBND ngày 26/7/2006 về việc phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch các khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020).
Đến nay, tiến độ triển khai thực hiện các dự án này vẫn trong giai đoạn tiếp tục thực hiện cụ thể như sau: Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh tại Phường Trảng Dài, Tp. Biên Hòa hiện đang triển khai giai đoạn 2 gồm các hạng mục công trình như 04 hố rác sinh hoạt, 02 hố rác công nghiệp. Khu xử lý chất thải rắn liên huyện tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất được UBND tỉnh giao cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi triển khai thực hiện, đang trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết 1/2000, báo cáo đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế kỹ thuật- dự toán,… Trước mắt lập quy hoạch, dự án đầu tư, đánh giá tác động môi trường cho diện tích 10 ha của khu xử lý chất thải rắn. Tỉnh cũng tiếp tục xúc tiến đầu tư để xây dựng 5 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã được UBND tỉnh phê duyệt trên địa bàn các huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Trảng Bom, Định Quán và Thống Nhất theo quy hoạch. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã có quyết định điều chỉnh quy hoạch khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Tây Hòa huyện Trảng Bom.
Về tình trạng thải rác thải bừa bãi ra môi trường, theo đánh giá của sở Tài nguyên và Môi trường, đây là một thực tế đáng quan ngại. Vừa qua, có một số phản ánh về tình trạng đổ rác lậu, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra và đang xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, theo phân cấp, nhiệm vụ này thuộc UBND cấp huyện và cũng chỉ có địa phương (UBND cấp huyện, cấp xã) mới có thể phát hiện và xử lý kịp thời. Do đó, để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý đối với việc này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 1657/TNMT-VP ngày 10/7/2009 gửi UBND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp xử lý tình trạng đổ rác trái phép trên địa bàn.
Phát sinh thực tế các doanh nghiệp thu gom xử lý rác thải nhưng đem chất thải đi đổ bừa bãi, cảnh sát môi trường đã bắt được 03 đơn vị vi phạm; đã đề nghị Bộ TN&MT thu hồi giấy phép 01 đơn vị còn 02 đơn vị đang thực hiện các thủ tục phân tích để xử lý. Thực tế trên địa bàn tỉnh có tình trạng tranh dành nhau thu gom rác thải, sau khi lựa chọn những loại sử dụng được thì sử dụng, số còn lại bỏ bừa bãi, sở Tài nguyên và môi trường đã có sự phối hợp với cảnh sát môi trường xử lý đồng thời thực tế này thời gian vừa qua dự luận và báo chí đã phán ánh, lên án nhiều. Tình trạng bãi rác lậu, tự phát và cho đổ rác (Bắc Sơn – Trảng Bom và Long An- Long Thành), có nơi tồn tại từ hơn 1 năm nay, địa phương phải phát hiện và đình chỉ ngay hoạt động vì cấp tỉnh không thể phát hiện hết được.
Như vậy trong thời gian chờ hoàn thành các dự án lớn để đảm bảo việc thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh thì trách nhiệm xử lý rác và bảo vệ môi trường được đặt ra đối với mỗi cá nhân, doanh nghiệp, các cấp chính quyền và các ngành để cùng chung tay xây dựng và bảo vệ một môi trường xanh, sạch đáp ứng với yêu cầu của phát triển bền vững.
Nguyễn Thị Oanh