Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủHoạt động của HĐND

​Tập trung triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày: 01/11/2023
  ​   Ngày 27/10/2023, UBND tỉnh đã có Báo cáo số 316/BC-UBND trả lời ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh, các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh được trả lời cụ thể như sau:​
 


 1. Về tình hình tội phạm về trật tự xã hội

Ngay từ đầu năm 2023, tình hình kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn, suy thoái và lạm phát gia tăng, tình trạng các doanh nghiệp, công ty phá sản, dừng hoạt động, không có đơn hàng, thu hẹp sản xuất, tình trạng thất nghiệp ngày càng phổ biến, cùng với đó là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Đồng Nai là tỉnh công nghiệp với hàng triệu người lao động nhập cư đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế hiện nay, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và gia tăng tội phạm, nhiều vấn đề thách thức đặt ra đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh chủ động phân tích, đánh giá, nhận diện, dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật nổi lên trên từng địa bàn, trong từng thời điểm, qua đó đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt đấu tranh, phòng chống tội phạm với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tuy nhiên tội phạm hình sự còn diễn biến phức tạp, tăng về số vụ so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân khách quan:

- Thứ nhất, Tình hình kinh tế, đời sống xã hội khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp ngày một gia tăng, tác động xấu đến tình hình ANTT và phát sinh các loại tội phạm hình sự (Trong 06 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 74 doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm… làm ảnh hưởng đến 37.085 công nhân, người lao động).

- Thứ hai, Công an tỉnh đã chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm theo chuyên đề; nhất là các loại tội phạm nổi lên, có chiều hướng diễn biến phức tạp để tăng cường trấn áp tội phạm. Với phương châm “chủ động phát hiện, tăng cường đấu tranh”, Công an tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, đồng loạt ra quân thực hiện 02 đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và tấn công, trấn áp tội phạm xâm hại sở hữu (từ 15/3 đến 14/6/2023). Bên cạnh đó, tổ chức tuần tra vũ trang kết hợp tuần tra nghiệp vụ các lực lượng hỗn hợp (Lực lượng 161) một cách xuyên suốt đảm bảo quán xuyến và khép kín địa bàn. Từ đó, đã “đánh trúng, đánh đúng” vào các loại tội phạm chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm, các băng nhóm trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản, gây rối trật tự công cộng; chú trọng mở rộng điều tra các vụ án với quan điểm xử lý đến cùng, xử lý triệt để ... Dẫn đến số vụ phạm pháp hình sự trong 06 tháng đầu năm được phát hiện nhiều hơn.

- Thứ ba, Nhiều mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng nhân dân không được phát hiện, xử lý kịp thời, để mâu thuẫn kéo dài dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. Chuẩn mực đạo đức trong gia đình, nhà trường, xã hội, văn hóa ứng xử xuống cấp, lối sống thực dụng, hưởng thụ, đua đòi, chạy theo lợi ích vật chất, nhất là trong thanh thiếu niên ngày một gia tăng.

Nguyên nhân chủ quan:

- Thứ nhất, Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự đã được sớm nhận diện và triển khai nhiều phương án, kế hoạch ngay từ đầu năm nhưng việc tổ chức thực hiện chưa thật sự đồng bộ và thực chất, mới chỉ dừng lại ở việc triển khai bằng văn bản hành chính. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia, xem đây là trách nhiệm riêng của lực lượng Công an các cấp. 

- Thứ hai, Công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp trong giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở hiệu quả chưa cao. Nhận thức pháp luật của một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân còn thấp, chưa ý thức được hành động mình gây ra là vi phạm pháp luật, chưa nhận thức được chế tài của pháp luật đối với hành vi của mình. Ý thức tự cảnh giác phòng ngừa, bảo quản tài sản của người dân còn hạn chế và lơ là, chủ quan, sơ hở để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.

- Thứ ba, Công tác phòng ngừa xã hội chưa mang lại hiệu quả rõ rệt; công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc” hiệu quả chưa cao; cách thức tuyên truyền vẫn mang tính hình thức, chưa thực chất.

- Thứ tư, Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật còn hạn chế, nhất là một số tổ chức chính trị đoàn thể ở cấp cơ sở chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm; chưa kịp thời phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân dẫn đến mâu thuẫn tích tụ kéo dài phát sinh tội phạm; công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ các diện đối tượng (nghiện, tái hòa nhập cộng đồng...) tại xã, phường, thị trấn còn chưa hiệu quả.

- Thứ năm, Từ đầu năm đến nay, do sức chứa hạn chế, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh ngưng tiếp nhận đối tượng nghiện ma tuý không có nơi cư trú ổn định (đối tượng xã hội) nên khó khăn cho công tác quản lý, các đối tượng dễ bỏ trốn khi có quyết định đưa đi cai nghiện của Toà án. Bên cạnh đó, nguy cơ các đối tượng nghiện ở ngoài xã hội thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây ra các vụ án về hình sự, từ đó làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự.

Để chủ động kiểm soát tốt tình hình, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Công an tỉnh tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:

- Tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực quản lý của chính quyền, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị vào công tác phòng, chống tội phạm có sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng các cấp. Đặc biệt, Người đứng đầu phải phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương trong thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ công tác, không giao khoán cho cấp phó thực hiện thay.

- Yêu cầu các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội và chính quyền địa phương phải chú trọng thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, đảm bảo thực chất, hiệu quả; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tuyên truyền, vận động, giáo dục phòng ngừa tội phạm, phát hiện, tố giác tội phạm, giúp đỡ, cảm hóa người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng.

- Các cấp, các ngành, đoàn thể quần chúng phải chủ động nắm tình hình và xử lý tốt mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các vụ án do nguyên nhân xã hội, nhất là các vụ giết người, cố ý gây thương tích. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội. Phát huy vai trò của các tổ chức hòa giải tại cơ sở, cùng với đó là sự tham gia của các Tổ tự quản về ANTT và các mô hình quần chúng khác nhằm giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, không để mâu thuẫn trở thành phức tạp kéo dài làm phát sinh tội phạm.

- Công an tỉnh chủ động nhận diện tội phạm nổi lên trong từng thời điểm; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm. Đổi mới theo hướng chuyển đổi trạng thái từ “truyền thống” sang “hiện đại”, chú trọng việc nắm tình hình “thực tế trên địa bàn” lẫn “không gian mạng”. Tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với số đối tượng trọng điểm về hình sự, ma túy; tội phạm xâm phạm sở hữu, tội phạm hoạt động lưu động, tội phạm đường phố, tội phạm sử dụng công nghệ cao... Chủ động phối hợp với các ngành chức năng triển khai đồng bộ các mặt công tác để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm.

Thực hiện tốt công tác rà soát, thống kê đầy đủ, kịp thời đưa vào diện quản lý, phòng ngừa đối với người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, đặc biệt là người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá” và người mắc bệnh tâm thần trên địa bàn để có đối sách quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, không để các đối tượng này thực hiện hành vi phạm tội.

Tăng cường Lực lượng 161 tổ chức tuần tra trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, đảm bảo quán xuyến và khép kín địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các loại tội phạm đường phố, không để tội phạm lộng hành.

- Sở Lao động - Thương binh, Xã hội tỉnh và các cơ quan có liên quan nhanh chóng có hướng giải quyết và tiếp nhận các đối tượng nghiện ma túy để tổ chức điều trị nghiện nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ việc các đối tượng nghiện thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật ngoài cộng đồng.

2. Về tình hình tội phạm liên quan đến lừa đảo trên không gian mạng

Thời gian qua, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet, các hành vi vi phạm pháp pháp luật trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về kinh tế và phức tạp về ANTT trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để rao bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, súng tự chế, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất gây nghiện, giấy tờ giả; lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc trong xã hội. Trong 06 tháng đầu năm 2023, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 21 tin báo, tố giác về lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các thủ đoạn quảng cáo tuyển cộng tác viên bán hàng, tuyển người mẫu ảnh, tuyển nhân viên thu âm sách, kêu gọi đầu tư chứng khoán, ngoại hối… với tổng số tiền thiệt hại trên 40 tỉ đồng. Đã khởi tố 12 vụ, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh thụ lý theo thẩm quyền.

Phương thức thủ đoạn chủ yếu của tội phạm liên quan đến lừa đảo trên không gian mạng đó là: Nhắn tin, gọi điện hoặc thông qua các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu việc làm… nhưng yêu câu phải chuyển trước một khoản tiền phí nhằm lừa đảo, chiếm đoạt số tiền đặt cọc, môi giới ban đầu. Sử dụng dịch vụ di động (VoIP) mạo danh cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án,…) gọi điện thông báo nạn nhân bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến vụ án đang giải quyết và yêu cầu khai báo thông tin tài khoản, mật khẩu ngân hàng từ đó thu thập thông tin, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân. Thành lập các hội nhóm Facebook, Zalo, Telegram giả danh nhân viên của các sàn chứng khoản, tiền mã hóa tìm kiếm, lôi kéo, dẫn dụ nạn nhân tham gia đầu tư tài chính với cam kết “lợi nhuận khủng” hoặc hoàn tiền nếu thu lỗ để chiếm đoạt tiền đầu tư. Sử dụng các đường link (liên kết) dẫn dụ nạn nhân cài đặt phần mềm, ứng dụng giả mạo cơ quan tổ chức, phần mềm mã độc sau đó đánh cắp thông tin, mật khẩu tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến lừa đảo trên không gian mạng, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:

- Chỉ đạo các sở, ban ngành tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; kịp thời thông báo, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn mới liên quan đến tội công nghệ cao và các hành vi lừa đảo trên không gian mạng và các biện pháp phòng ngừa để người dân nêu cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa.

- Chỉ đạo lực lượng Công an chủ động nắm tình hình trên không gian mạng, kịp thời phát hiện, nhận diện các hình thức, phương thức, thủ đoạn mới sử dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thu thập thông tin, chứng cứ để đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm liên quan đến hành vi lừa đảo trên không gian mạng.

- Các cấp, các ngành đề ra các giải pháp nhằm thực hiện hiểu quả công tác quản lý nhà nước đối với dịch mạng, viễn thông; các nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ Internet, viễn thông có biện pháp quản lý việc đăng ký, sử dụng thông tin trên sim điện thoại, hạn chế và tiến dần đến thu hồi toàn bộ số sim không đăng ký thông tin chính chủ đang trôi nổi ngoài thị trường; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử và thương mại điện tử siết chặt quản lý mở tài khoản của cá nhân nhất là việc mở tài khoản trực tuyến (online), tăng chế tài xử lý đối với hành vi mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng./.

 

Ngọc Diệp