Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 68-T9-2010

Bảy năm của một nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân ba cấp

Đăng ngày: 15/05/2013
​Chỉ còn hơn nửa năm nữa, Hội đồng nhân dân các cấp sẽ hoàn thành sứ mệnh nhiệm kỳ 2004-2011 của mình. Với HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đây không chỉ là một nhiệm kỳ dài mà còn là một nhiệm kỳ ghi lại nhiều dấu ấn quan trọng trong việc đổi mới, sáng tạo tìm ra các phương thức mới nâng cao hiệu quả hoạt động của  HĐND.

​      ​Báo cáo cả nhiệm kỳ của HĐND ba cấp đã hoàn thành và được gửi đến Thường trực Tỉnh ủy, các cơ quan có liên quan, đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc tổng kết nhiệm kỳ hoạt động của HĐND và UBND tổ chức trong tháng 9 năm 2010 (các số liệu báo cáo thống kê sau đây được tính đến 30/6/2010). Nhìn lại chặng đường hoạt động đã qua của HĐND ba cấp, mỗi đại biểu sẽ thấy được sức đóng góp, sự nỗ lực, cố gắng của bản thân mình trong thành tích chung, thành tích của cơ quan dân cử mang tên Hội đồng nhân dân. 

      Nói về số lượng đại biểu, tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay Đồng Nai giảm 476 đại biểu HĐND ở cả ba cấp, nguyên nhân giảm chủ yếu là do đại biểu chuyển công tác đã làm đơn xin thôi làm đại biểu; đại biểu từ trần hoặc bị tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu do vi phạm phát luật; hiện nay toàn tỉnh còn 4.932 đại biểu HĐND. Tuy số lượng đại biểu ở cả ba cấp có giảm nhưng các tổ đại biểu đã bố trí, sắp xếp lại hoạt động của đơn vị mình chính vì vậy không phải tổ chức bầu bổ sung nhưng vẫn đảm bảo có Đại biểu Hội đồng nhân dân đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của Hội đồng nhân dân. 

      Đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân ba cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho thấy HĐND đã thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Thông qua các hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và việc nắm bắt các thông tin trên các phương tiện thông tin một cách có chọn lọc, thường xuyên, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã đi sâu, hiểu rõ tâm tư, những bức xúc và ghi nhận những kiến nghị, nguyện vọng của nhân dân đối với mọi vấn đề, mọi lĩnh vực đang xảy ra trong đời sống từ đó những ý chí, nguyện vọng của nhân dân được chuyển đến Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân hoặc được đại biểu trực tiếp xử lý theo đúng quy định của pháp luật. 

      Hội đồng nhân dân ba cấp luôn coi trọng ý kiến của nhân dân, phản ánh và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trả lời kịp thời, thỏa đáng, đúng quy định của pháp luật. Chính vì vậy, trước và sau mỗi kỳ họp của Hội đồng nhân dân các cấp, các nội dung, ý kiến của cử tri được tổng hợp rất phong phú, gồm những vấn đề chung của cả nước như chủ trương chính sách, quyết sách của Chính phủ mang tính vĩ mô và những bức xúc phản ánh những vấn đề dân sinh, dân chủ ở từng địa phương. 

       Tổng số kỳ họp mà HĐND ba cấp đã tổ chức 2.003 kỳ họp trong đó chủ yếu là kỳ họp thường lệ (1.701 kỳ chiếm tỷ lệ 85%). Các Nghị quyết đã ban hành bao trùm lên nhiều lĩnh vực về tổ chức bộ máy, đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, là cơ sở pháp lý để Ủy ban nhân dân từng cấp làm căn cứ để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn.

      Trong phạm vi thẩm quyền của mình, thông qua các kỳ họp Hội đồng nhân dân mỗi cấp xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương: Vấn đề thu chi ngân sách nhà nước theo Luật ngân sách, huy động trái phiếu địa phương để đầu tư công trình thủy lợi trọng điểm, thực thi pháp luật, xây dựng cơ bản, tổ chức bộ máy, biên chế hành chính, huy động xã hội hóa, quy định về phí và lệ phí. Qua giám sát đã có những kiến nghị phù hợp, hầu hết các cơ quan được kiến nghị đã tiếp thu thực hiện.

      Trước mỗi kỳ họp, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động của các Ban HĐND, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện phân công các Ban thẩm tra các Báo cáo, Đề án, Tờ trình do Ủy ban nhân dân chuyển đến. Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã trực tiếp xem xét các báo cáo, tờ trình của UBND xã; đối với các xã thí điểm thành lập Ban HĐND (58/171 xã) thì Ban HĐND cấp xã đảm nhận nhiệm vụ thẩm tra phục vụ kỳ họp.

      Để khắc phục tình trạng dự thảo Nghị quyết trình ra kỳ họp HĐND phụ thuộc vào ý kiến chủ quan, có lợi cho đơn vị soạn thảo đồng thời là cơ quan tổ chức thực hiện, Thường trực HĐND cùng các Ban HĐND các cấp đều quan tâm tham gia ngay từ đầu quá trình dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở những vấn đề nắm bắt qua kết quả giám sát, góp ý để hoàn thiện dự thảo và thực hiện quy trình thẩm tra theo quy định, đảm bảo các dự thảo khi trình ra kỳ họp đã tương đối hoàn thiện.

bay nam cua mot nhiem ky.jpg

Đại biểu HĐND tỉnh tham dự các kỳ họp HĐND đạt tỷ lệ cao​

      Tỷ lệ đại biểu HĐND tỉnh tham dự các kỳ họp HĐND đạt 92%; đại biểu HĐND huyện đạt 91%; đại biểu HĐND đạt 89%. Nhìn chung, tỷ lệ đại biểu các cấp tham dự kỳ họp HĐND đạt kết quả cao. Kỳ họp HĐND cấp tỉnh thường tổ chức trong thời gian từ 2,5 đến 3 ngày làm việc; kỳ họp tổ chức với thời gian dài nhất là 04 ngày; HĐND huyện tổ chức trong 02 ngày làm việc và HĐND xã tổ chức trong 01 ngày làm việc.

      Các kỳ họp sau được cải tiến nâng cao chất lượng hơn kỳ họp trước. Các báo cáo thẩm tra không còn tình trạng nhắc lại dài dòng đã giảm được thời gian đọc các báo cáo; ý kiến phát biểu tại kỳ họp chỉ tập trung nêu vấn đề quan tâm cần giải trình rõ, không trích dẫn dài dòng các quy định; người trả lời tại kỳ họp đi ngay vào trọng tâm; tránh việc trả lời vòng vo, hình thức, né tránh không nêu bật vấn đề và được khống chế trong thời gian tối đa 15 phút, trong trường hợp Đại biểu hỏi và người trả lời kéo dài thời gian, Chủ tọa sẽ nhắc nhở và đề nghị đi thẳng vào vấn đề trước khi thảo luận, đóng góp ý kiến. Chủ tọa kỳ họp có những gợi ý về các nội dung cần tập trung thảo luận nhưng không khống chế về mặt nội dung nếu vấn đề mà đại biểu đưa ra thiết thực, cử tri quan tâm; trong thời gian nghỉ giải lao, chủ tọa kỳ họp tranh thủ thảo luận để rút kinh nghiệm điều hành đồng thời xem xét điều chỉnh việc điều hành diễn tiến kỳ họp sao cho đạt được hiệu quả cao nhất. 

      Kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đều được truyền hình trực tiếp các phiên khai mạc, chất vấn và bế mạc (trừ các kỳ họp chuyên đề và bất thường) để cử tri trong toàn tỉnh có điều kiện theo dõi và đóng góp ý kiến. Thời lượng truyền hình trực tiếp căn cứ vào thời gian diễn ra nội dung của kỳ họp, tính trung bình khoảng 12 giờ/ 1 kỳ họp. Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp xã tổ chức truyền thanh trực tiếp phiên chất vấn trả lời chất vấn cùng một số nội dung khác và tổ chức phát lại. Thông tin về các kỳ họp của HĐND ba cấp đều được phản ánh chi tiết, kịp thời trên các phương tiện thông tin của tỉnh. 

      HĐND tỉnh đã ban hành 179 Nghị quyết trong đó có 67 Nghị quyết chuyên đề, 39 Nghị quyết về công tác nhân sự và 73 nghị quyết thường kỳ; HĐND cấp huyện ban hành 855 Nghị quyết trong đó có 251 Nghị quyết về công tác nhân sự  và 604 nghị quyết chuyên đề, nghị quyết thường kỳ; HĐND cấp xã ban hành 5.119 Nghị quyết trong đó có 2003 Nghị quyết về công tác nhân sự và 3.116 nghị quyết chuyên đề, nghị quyết thường kỳ;

      Trong các Nghị quyết chuyên đề, lĩnh vực Kinh tế Ngân sách chiếm số lượng lớn nhất (riêng cấp tỉnh có 42/67 nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế Ngân sách chiếm tỷ lệ 63% số NQ chuyên đề) để điều chỉnh các vấn đề: Quy hoạch, sử dụng đất, xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, phí và lệ phí, phát hành trái phiếu, … bên cạnh đó, các Nghị quyết thuộc các lĩnh vực khác cũng có sự liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực Kinh tế Ngân sách. 

      Việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp được tiến hành ngay sau khi Nghị quyết được Chủ tịch Hội đồng nhân dân ký ban hành và có hiệu lực pháp luật. Đối với những Nghị quyết chuyên đề có thời gian triển khai thực hiện kéo dài, UBND tỉnh đều xây dựng kế hoạch, xác định rõ lộ trình thực hiện từng năm, từng giai đoạn, triển khai thực hiện và báo cáo kết quả trong các kỳ họp thường kỳ của HĐND. 

      Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân ba cấp tổ chức các Đoàn giám sát, khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết cũng như thường xuyên trao đổi với Ủy ban nhân dân để kịp thời nắm bắt những thông tin về quá trình triển khai thực hiện. Tổng số cuộc giám sát ba cấp đã thực hiện là 6.133 cuộc. Qua giám sát cho thấy việc triển khai thực hiện nghị quyết của UBND các cấp đều đảm bảo đúng về mặt nội dung, hình thức và lộ trình triển khai thực hiện.

       Phương thức thực hiện có thể giám sát việc thực hiện toàn bộ nội dung Nghị quyết (đối với các Nghị quyết chuyên đề) hoặc giám sát một phần nội dung Nghị quyết (đối với các Nghị quyết chung về kinh tế xã hội). Tùy vào lĩnh vực, nội dung và tính chất của nội dung giám sát, Thường trực HĐND các cấp trực tiếp tổ chức giám sát hoặc phân công các Ban thực hiện và báo cáo kết quả với Thường trực HĐND. Chương trình giám sát được chủ động theo kế hoạch, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị chịu sự giám sát. Trong giám sát có sự phối hợp giữa cơ quan dân cử các cấp để tránh trùng lắp.

      Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, giữa hai kỳ họp là một hình thức giám sát khác và được Hội đồng nhân dân ba cấp quan tâm, thu hút được sự chú ý theo dõi của cử tri nhiều nhất. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND tỉnh tổ chức từ 1 đến 2 phiên họp với khoảng 10 đến 25 nội dung; cấp huyện và cấp xã có khoảng từ 5 đến 10 nội dung. Những vấn đề được Chủ tọa kỳ họp chọn đưa ra chất vấn là những vấn đề chung, có tính chất nổi bật, ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống nhân dân gây được sự quan tâm, chú ý của cử tri nhiều nhất. Với số lượt chất vấn trong thời gian vừa qua, theo đánh giá của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh là vừa đủ, đảm bảo về thời gian họp cũng như về chất lượng, tránh được tình trạng chất vấn dàn trải, mang tính chất nhỏ nhặt, không đại diện.

      Ngoài các hoạt động chủ yếu như tổ chức kỳ họp, giám sát, chất vấn, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân nêu trên, trong nhiệm kỳ 2004-2011 này, HĐND ba cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã mạnh dạn triển khai hai mô hình thí điểm Nâng cao chất lượng hoạt động và tổ chức giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh và mô hình Ban HĐND cấp xã và đạt được những kết quả tốt đẹp, được các ngành Trung ương và các địa phương đánh giá cao mà suốt quá trình trển khai thí điểm, Bản tin HĐND tỉnh Đồng Nai đã có nhiều bài để phản ánh. 

      Trong phạm vi một bài viết, để thể hiện hết kết quả bảy năm của một nhiệm kỳ HĐND ba cấp là một việc làm khó. Tuy nhiên, có thể nói tóm lược rằng: Hiệu quả của việc triển khai mọi chủ trương, chính sách và tổ chức hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước suy cho cùng vẫn là sức lan tỏa đến nhân dân, là những kết quả mà người dân được thụ hưởng từ các chủ trương, chính sách, từ hoạt động của bộ máy đó. Hoạt động của HĐND ba cấp tại Đồng Nai trong nhiệm kỳ này đã đạt được hiệu quả đó mà minh chứng chính là sự quan tâm của cử tri đối với hoạt động HĐND, là việc hàng ngày, hàng giờ, ở mọi lúc, mọi nơi người dân vẫn tìm gặp đại biểu để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị đến HĐND, cơ quan đại diện cho mình.

    Ngô Trọng Phúc