Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 68-T9-2010

Ô nhiễm môi trường tại Công ty Cổ phần chăn nuôi Phú Sơn vẫn chưa được khắc phục triệt để

Đăng ngày: 15/05/2013
​Công ty Cổ phần chăn nuôi Phú Sơn là Công ty thành viên của Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, có vốn nhà nước chiếm 73,56%. Công ty hoạt động chăn nuôi tại xã Bắc Sơn huyện Trảng Bom với sản lượng heo 22.000 con (không tính heo con) và cá sấu 5.000 con. Nhu cầu sử dụng nước của Công ty khoảng 500 m3/ngày.đêm với 15 giếng khoan (Giấy phép khai thác nước dưới đất do UBND tỉnh cấp theo Quyết định số 280/QĐ-UBND ngày 06/02/2009).

​      ​Trong quá trình hoạt động, Công ty không tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường, đã nhiều lần bị xử phạt và bị xếp loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 333/QĐ-UBND ngày 11/02/2009 của UBND tỉnh, thời hạn khắc phục là hết năm 2009. Mặc dù UBND tỉnh đã gia hạn thời gian để Công ty hoàn thành xử lý triệt để trước ngày 30/4/2010 (theo Quyết định số 52/QĐ-UBND ngày 08/01/2010 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh thời hạn để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định 333 phải hoàn thành xử lý triệt để) nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Công ty vẫn chưa được khắc phục triệt để. 

      Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh vào ngày 17/8/2010, Lãnh đạo Công ty cho biết đang thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tạm thời bằng cách thu gom chất thải rắn hàng ngày vào các bao chứa và vận chuyển đến nơi tập trung; đồng thời chất thải rắn theo nước thải sẽ được lắng lọc tại 6 hồ lắng lọc cách trại từ 100 - 300 m. Lượng nước thải phát sinh tại các trại chăn nuôi khoảng 368 m3/ngày được dẫn vào các đường thu gom nước, đi qua 02 hầm chứa với dung tích 150 m3, rồi chảy ra hồ lắng lọc; sau đó nước thải được thoát ra khu vực trồng trọt của một số hộ dân. Riêng xác heo chết, nhau heo phát sinh hàng ngày được luộc chín, băm nhỏ làm thức ăn cho đàn cá sấu; còn phần xương cứng của heo chết được đốt bằng lò thiêu. Để xử lý mùi trong chăn nuôi, Công ty sử dụng chế phẩm VEM-K trộn vào thức ăn của heo và sử dụng chế phẩm BIO-F để sản xuất phân bón vi sinh từ chất thải chăn nuôi. Ngoài Trại heo Phú Sơn, Công ty hiện có Trại heo Đông Phương (Phường Hố Nai), Trại heo Long Thành (xã Long An) và Trại gà Phú Sơn (xã Phước Tân). Theo kế hoạch, đến cuối năm 2010, Công ty bắt đầu xây dựng Khu chăn nuôi tập trung ở xã Xuân Hòa (Xuân Lộc) để thực hiện di dời 02 Trại heo nói trên ra khỏi vùng dân cư. Dự kiến đến năm 2020, Công ty sẽ thực hiện giảm đàn đối với Trại heo Phú Sơn và tổ chức di dời. 

      Để có thể tồn tại thêm 10 năm nữa, Công ty luôn tích cực tìm các biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, cụ thể: Công ty đã ký hợp đồng với Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài nguyên Môi trường hoàn thành Đề án Bảo vệ môi trường và lập kế hoạch đầu tư Dự án “Trạm xử lý nước thải chăn nuôi công suất 650 m3/ngày.đêm” với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, Đề án Bảo vệ môi trường đến nay chưa được thẩm định do chờ hướng dẫn mới của Bộ Tài nguyên Môi trường và do vậy Sổ đăng ký chủ sở hữu nguồn chất thải nguy hại cũng chưa thực hiện được. Khó khăn nhất của Công ty hiện nay là theo QCVN 24:2009/BTNMT và Quyết định số 16/2010/QĐ-UBND ngày 19/3/2010 của UBND tỉnh về việc phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải và khí thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh thì nước thải sau xử lý của Công ty thải ra sông Buông phải đạt cột A, nhưng Công ty vẫn chưa tìm được đối tác để có thể thực hiện dự án xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo đúng quy định. Công ty kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét tiêu chuẩn nước thải áp dụng cho ngành chăn nuôi và có lộ trình để Công ty chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với địa lý vùng kinh tế; kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục gia hạn đến 31/12/2011 để Công ty có thời gian xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường. 

onmt 2.jpg 
Nước thải được xử lý bằng các hồ lắng lọc
chưa đạt tiêu chuẩn môi trường
​      Thực tế khảo sát tại Trại chăn nuôi heo và cá sấu, Khu xử lý nước thải và địa điểm xả nước thải sau xử lý của Công ty Cổ phần chăn nuôi Phú Sơn cho thấy, với mật độ chăn nuôi quá dày và công nghệ chăn nuôi chưa được cải tiến, trại chăn nuôi của Công ty khó tránh khỏi dịch bệnh; hệ thống các đường thu gom nước thải nội bộ hiện chưa tách riêng nước mưa, nước thải và không có nắp đậy; các bao chứa chất thải tập trung thành từng đống (được che phủ bằng bạt) bên cạnh là các hồ lắng lọc chứa đầy nước thải đậm đặc, dễ gây ô nhiễm khu vực, nhất là vào mùa mưa; nước thải sau xử lý của Công ty tại điểm xả thải cuối cùng dù có trong hơn nước ở các dòng suối tại khu vực nhưng vẫn có bọt trắng và mùi hôi. 

      Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết, hiện Công ty Cổ phần chăn nuôi Phú Sơn là một trong năm cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa thực hiện việc xử lý triệt để. Khó khăn của Công ty trong việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải là quy mô và khả năng công nghệ xử lý nước thải cao. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có trại chăn nuôi heo nào xử lý nước thải đạt cột A do chi phí quá cao. Vừa qua, Sở Tài nguyên Môi trường đã tiến hành kiểm tra và báo cáo tình hình khắc phục ô nhiễm môi trường của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định 333, UBND tỉnh đã có ý kiến gia hạn đến 30/12/2010 để các cơ sở có thời gian khắc phục. Mới đây, Thanh tra Sở TNMT cũng đã có văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty vì không thực hiện đúng nội dung yêu cầu, tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường đối với cơ sở thuộc danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của Nghị định số 117/2009/NĐ-CP; đồng thời yêu cầu Công ty phải khẩn trương xây dựng HTXLNT đạt tiêu chuẩn quy định và thực hiện các biện pháp xử lý môi trường triệt để, thời hạn trước ngày 31/12/2010. Đại diện Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường cũng lưu ý Công ty phải có kế hoạch giảm thiểu từng bước tình trạng ô nhiễm môi trường; trước mắt, khắc phục việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và chất thải nguy hại; các đường thu gom nước thải phải có nắp cống; đầu tư thêm một số hồ chứa nước thải, bố trí các thùng chứa xác heo chết…, nếu Công ty không làm tốt công tác bảo vệ môi trường thì thời gian di dời đối với Công ty sẽ rút ngắn hơn.

onmt 1.jpg
Ông Huỳnh Chí Thắng – PCT.HĐND tỉnh, 
​Trưởng đoàn giám sát kết luận buổi làm việc với 
Công CP chăn nuôi Phú Sơn.

  ​     Mặc dù, thời gian qua Công ty Cổ phần chăn nuôi Phú Sơn đã có nhiều nỗ lực, tìm các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng đến nay Công ty chưa thực hiện đúng kế hoạch và thời gian quy định theo Quyết định của UBND tỉnh. Hiện tại, HTXLNT của Công ty không đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý, các chỉ tiêu: nhu cầu oxy sinh hóa (BOD5), nhu cầu oxy hóa học (COD), Amoni (NH4), tổng Nitơ, tổng phospho, coliform vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần đối với nước thải cột B, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, trong khu vực hiện có nhiều hộ chăn nuôi xả nước thải trực tiếp ra các dòng suối, đây cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sông Buông. Đoàn giám sát đề nghị Công ty Cổ phần chăn nuôi Phú Sơn khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng HTXLNT để nâng chất lượng nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn cột A trước khi thải ra môi trường. Sở TN&MT và Phòng Cảnh sát môi trường cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các hộ dân chăn nuôi xả thải trực tiếp, gây ô nhiễm nguồn nước trong khu vực; đồng thời đôn đốc, hướng dẫn Công ty CP chăn nuôi Phú Sơn thực hiện các biện pháp khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường, thực hiện đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đối với UBND huyện Trảng Bom, cần phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành có liên quan để triển khai có hiệu quả vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện theo phê duyệt của UBND tỉnh. 

                                                                               Thùy Trang