Qua buổi làm việc của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh với Sở Giao thông Vận tải cho thấy, nhu cầu kinh phí SNGT năm 2013 là 179,655 tỷ đồng, bao gồm nguồn kinh phí sửa chữa lớn là 100,855 tỷ đồng và nguồn kinh phí duy tu sửa chữa thường xuyên là 78,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giao dự toán chi duy tu sửa chữa vừa, lớn và duy tu sửa chữa thường xuyên năm 2013 thấp so với nhu cầu kinh phí thực tế theo phân cấp đường tỉnh quản lý (duy tu sửa chữa vừa, lớn đạt 27,6%; duy tu sửa chữa thường xuyên đạt 37,2% so với thực tế) do đó, việc phân bổ vốn đối với công tác duy tu sửa chữa vừa, lớn chủ yếu bố trí cho các dự án đường thật cấp thiết và công tác duy tu sửa chữa thường xuyên chỉ tập trung ưu tiên công tác phát quang bụi rậm, vá ổ gà và khai thông cống rãnh,… đảm bảo cho tuyến đường thông suốt, an toàn cho người tham gia giao thông.
Một đoạn thuộc tuyến đường 319B (đoạn km2)
Qua khảo sát một số tuyến đường thuộc tỉnh quản lý, đường 319B (đoạn km2) thuộc địa bàn huyện Nhơn Trạch hiện nay hư hỏng nặng, không có hệ thống thoát nước, mưa lớn ngập nước khá cao tràn vào nhà dân. Đoạn đường này đã có dự án thi công mới và được UBND tỉnh bố trí vốn xây dựng cơ bản để triển khai thi công nhưng do vướng mắc công tác bồi thường giải tỏa tái định cư. Đến nay, UBND huyện Nhơn Trạch chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Trong thời gian chờ thi công dự án đường 319B (đoạn km2), Sở Giao thông Vận tải phải thực hiện công tác duy tu sửa chữa dặm vá ổ gà để đảm bảo an toàn giao thông, làm tăng kinh phí duy tu sửa chữa thường xuyên nhưng hiệu quả không cao.
Bên cạnh đó, có nguyên nhân dẫn đến các tuyến đường ngày càng xuống cấp là do việc lập thủ tục hồ sơ đầu tư sửa chữa mất nhiều thời gian so với thời điểm khảo sát, dẫn đến khi được bố trí vốn thực hiện thì dự án phát sinh khối lượng. Ngoài ra, việc thực hiện tiết kiệm 10% trên dự toán chi SNGT tỉnh, cấp huyện giao hàng năm theo quy định của Chính phủ là chưa phù hợp. Vì nội dung chi này mang tính chất xây dựng cơ bản được áp dụng trên định mức, đơn giá kỹ thuật, không thuộc hoạt động chi thường xuyên quản lý hành chính đơn thuần của các đơn vị quản lý nhà nước, đoàn thể,… Hơn nữa, việc giao dự toán kinh phí SNGT hàng năm quá thấp so với nhu cầu thực tế trên địa bàn tỉnh, còn phải thực hiện tiết kiệm nêu trên, dẫn đến thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý bảo trì đường bộ càng khó khăn hơn. Do đó, việc thực hiện tiết kiệm 10% trên dự toán chi SNGT tỉnh, cấp huyện giao hàng năm cần phải xem lại.
Qua buổi làm việc của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh, đoàn giám sát đã có những ý kiến kiến nghị đối với UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông Vận tải rà soát nhu cầu kinh phí, cân đối khả năng ngân sách địa phương để phân bổ dự toán chi SNGT hàng năm phù hợp với nhu cầu thực tế.
Lê Lài