Dự thảo Luật đã được trình xin ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13 (tháng 5-6/2013), qua đó, nhiều ý kiến đóng góp đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và gửi xin ý kiến các đoàn ĐBQH cả nước nhằm chuẩn bị cho dự án được thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Để chuẩn bị cho công tác xây dựng pháp luật tại kỳ họp thứ 6, trong đó có nội dung thông qua Luật BV&KDTV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật BV&KDTV. Chủ trì Hội nghị là đồng chí Trương Văn Vở - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, tham dự hội nghị có lãnh đạo của các đơn vị liên quan trực tiếp đến công tác BV&KDTV trong tỉnh như: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương, Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Tài nguyên môi trường….
Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo luật BV&KDTV
với nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Trương Văn Vở - đề nghị các đại biểu góp ý nhấn mạnh vào trọng tâm phạm vi điều chỉnh của luật, xem xét về bố cục cũng như đảm bảo tính đồng bộ với các luật khác. Đặc biệt, ông còn nhấn mạnh vào việc xem xét nội dung dự án luật đã làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác BV&KDTV hay chưa?
Đã có rất nhiều lượt ý kiến góp ý vào dự thảo luật BV&KDTV, trong đó những vấn đề đề nghị cần làm rõ hơn trong luật, cụ thể như sau:
Đề nghị Ban soạn thảo Luật tiếp tục rà soát nội dung của luật để tăng tính đồng bộ với các luật khác như: Luật Hóa chất, Luật Quảng cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính… vì chỉ khi đảm bảo được yêu cầu này thì khi đi vào thực tiễn, Luật mới khả thi và có tính Pháp quy cao.
Theo như Dự thảo Luật thì có đến hơn 50% các Điều, Khoản phải chờ văn bản hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành chuyên môn. Các đại biểu đề nghị khi trình dự án luật thông qua thì phải trình kèm theo Nghị định hướng dẫn thi hành theo đúng tinh thần của Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật.
Về góp ý cụ thể nội dung từng Chương trong dự thảo, có những ý kiến sau:
Chương II - Phòng, chống sinh vật gây hại thực vật: Ttrong chương này có 10 Điều, đề nghị quy định cụ thể việc quản lý nguồn đầu vào về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Việc quản lý nguồn đầu vào phải tuẩn thủ và dẫn chiếu các luật chuyên ngành nhất là đầu vào về nhập khẩu, ghi nhãn hàng hóa, và đề nghị quản lý chặt chẽ từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh, mua bán.
Đối với thông tin, truyền thông, đề nghị làm rõ nội dung, rõ hình thức và rõ trách nhiệm trong công tác này.
Chương III - Kiểm dịch thực vật
Liên quan đến vấn đề kiểm dịch thực vật, ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định rõ ngay trong luật về cơ quan quản lý là nước, cơ quan chuyên ngành là như thế nào? Cơ quan chính quyền cấp xã không thể vừa quản lý nhà nước, vừa đảm trách công tác chuyên môn. Nên chăng, chính quyền cấp xã chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tổ chức truyền thông, về công tác khuyến cáo người dân…tuy nhiên cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân theo Luật Cán bộ công chức, làm rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân và tổ chức.
Về cơ quan chuyên ngành, tại Điều 9 của Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng cơ quan kiểm dịch và bảo vệ thực vật là cơ quan nào, xác định rõ nội dung quản lý và trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành.
Khi xác định rõ được cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên ngành với việc quy định trách nhiệm cụ thể thì công tác Kiểm dịch thực vật mới đạt hiệu quả
Bên cạnh đó, góp ý nội dung Chương III, đại biểu có ý kiến đề nghị phải dẫn chiếu Luật Xử lý vi phạm hành chính để công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm đạt kết quả cao nhất.
Về Chương IV - Quản lý thuốc BVTV
Đề nghị quy định cụ thể thủ tục cấp giấy phép kinh doanh (tại Điều 65), vì BV&KDTV là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cần thiết quy định về thủ tục cấp giấy phép kinh doanh rõ ràng, tuân thủ nghiêm luật chuyên ngành.
Tại điều 73, cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường của người dử dụng thuốc BVTV khi gây thiệt hại môi trường. Việc xử lý vi phạm này cần được tuân theo luật chuyên ngành đã có. (Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Tại điều 75, về thu gom và xử lý gói thuốc BVTV sau sử dụng: Ý kiến đại biểu cho rằng, nếu thực hiện theo như dự thảo luật (việc tiêu hủy bao gói thuốc BVTV nên lấy từ ngân sách địa phương, nếu ngân sách địa phương không đủ thì có thể tăng mức thuế, phí bảo vệ môi trường) thì không đúng, vì thuế, phí bảo vệ môi trường đã được quy định cụ thể trong luật, các địa phương không được tự ý tăng mức thuế, phí này .
Kết thúc Hội nghị, chủ trì Hội nghị Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật BV&KDTV đã tiếp thu những đóng góp của đại biểu và sẽ có văn bản báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để hoàn thiện Dự án Luật này trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 vào tháng 10 tới đây.
Đức Nhuận