Tại kỳ họp thứ 13 của HĐND tỉnh khóa VII đã ban hành Nghị quyết về thông qua Đề án phát triển quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Trong đó giai đoạn từ nay đến năm 2010 thực hiện đối với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện thí điểm dự án nhà ở xã hội quy mô 500 căn hộ ở thành phố Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch. Đối với đối tượng là công nhân các khu công nghiệp tập trung, bố trí chỗ ở phù hợp theo tiêu chuẩn nhà ở xã hội cho 15% tổng số công nhân lao động làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn có nhu cầu về nhà ở.
Thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh, trong kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2009 và năm 2010 thực hiện thí điểm 500 căn nhà ở xã hội, thì thành phố Biên Hòa thực hiện 400 căn, còn lại huyện Nhơn Trạch 108 căn. Song, đến nay mới có Nhơn Trạch đang tiến hành triển khai đề án trên diện tích xây dựng hơn 22.500 m2, bố trí cho khoảng 1.000 người. Riêng thành phố Biên Hòa hiện đang lập hồ sơ dự án 160 căn nhà ở xã hội tại phường Tam Hòa và 240 căn ở xã Hóa An, trong đó vào đầu tháng 11 đã động thổ xây dựng dự án nhà ở xã hội tại phường Tam Hòa, còn dự án 240 căn ở xã Hóa An, theo kế hoạch phải tới quý II năm 2010 mới có thể khởi công xây dựng.
Thực tế, thời gian qua các sở, ngành chức năng ở Đồng Nai có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy tiến độ thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội, nhằm từng bước giải quyết nhu cầu về nơi ở cho học sinh, sinh viên, công nhân lao động trong các khu công nghiệp, cũng như người có thu nhập thấp tại đô thị. Chẳng hạn, Sở Tài nguyên - môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương trong việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để bổ sung quỹ đất làm nhà ở xã hội; Sở Kế hoạch Đầu tư đã trình UBND tỉnh thỏa thuận địa điểm các dự án đầu tư nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp. Qua đó, UBND tỉnh đã phê duyệt 30 dự án với tổng diện tích đất trên 252 hécta. Trong đó, đầu tư tại huyện Nhơn Trạch hai khối nhà 5 tầng, 108 căn hộ, bố trí khoảng 432 gia đình, tổng mức đầu tư lên đến hơn 43 tỷ đồng... Theo đánh giá của các ngành chức năng, một trong những khó khăn khiến việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội chậm, là do quỹ đất thiếu. Luật Nhà ở quy định các dự án nhà thương mại phải dành 20% đất để phát triển nhà ở xã hội, nhưng trên địa bàn tỉnh nhiều DA được duyệt trước khi có Luật Nhà ở, do vậy, 20% quỹ đất như luật định trên địa bàn tỉnh có rất ít.
Có thể nói, thời gian qua, tổng số nhà trọ phục vụ người lao động trong tỉnh lên đến hàng trăm ngàn phòng, đã giải quyết đáng kể nhu cầu ở đối với lượng lớn công nhân và người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, tính tự phát của nhà trọ đã không đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu của một căn hộ cả về diện tích lẫn điện, nước. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và đoàn thể các cấp chưa chặt chẽ, nên công tác quản lý các hộ kinh doanh nhà trọ còn lỏng lẻo. Việc kiểm tra chất lượng nhà trọ, an ninh trật tự, hộ khẩu chưa được thực hiện thường xuyên, từ đó còn tồn tại tình trạng người lao động phải trả tiền điện, nước cao hơn quy định của nhà nước.
Thực ra, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tích cực tham gia xây dựng nhà ở xã hội được lãnh đạo tỉnh thường xuyên đôn đốc. Song, đến nay tất cả vẫn còn nằm trên giấy, như huyện Long Thành đang giới thiệu địa điểm cho 5 dự án nhà ở công nhân trên diện tích 33 hécta; huyện Trảng Bom 5 dự án với diện tích 77 hécta. Các địa phương khác cũng đã xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư vào nhà ở xã hội, như huyện Xuân Lộc 2 dự án, Vĩnh Cửu 1 dự án, Định Quán 1 dự án. Riêng Ban quản lý các KCN đã tiến hành khảo sát nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Đến nay, một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Nec Tokin Electronics (KCN Loteco), Công ty cổ phần TaeKwang Vina Industrial (KCN Biên Hòa 2) đã được giới thiệu quỹ đất làm nhà ở cho công nhân.
Cũng cần nói thêm, Công ty Sonadezi xây dựng hoàn thành nhà chung cư cao tầng 160 căn hộ ở xã Tam An (Long Thành), nhưng không có người thuê. Nguyên nhân cơ bản là do giá thuê nhà chưa phù hợp với thu nhập của công nhân lao động. Điều này cho thấy, việc kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả nhân dân tham gia xã hội hóa nhà ở xã hội là cần thiết, nhưng phải có các chính sách hỗ trợ từ nhà nước để giá cả phù hợp với mức thu nhập của công nhân. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là phải đảm bảo nơi ăn chốn ở cho các đối tượng thuộc chính sách nhà ở xã hội, nhất thiết phải thích nghi với hoàn cảnh của người lao động.
Tỉnh Đồng Nai được Chính phủ phê duyệt 29 KCN với diện tích 8.424 hécta và 43 cụm công nghiệp, diện tích 2 ngàn hécta. Tổng số lao động làm việc tại các KCN, cụm công nghiệp hiện trên 390 ngàn người, trong đó có hơn 250 ngàn người ở nhà thuê (70%). Dự kiến đến năm 2010, số công nhân lao động làm việc trong các KCN, cụm công nghiệp trên toàn tỉnh khoảng 450 ngàn người; năm 2015 khoảng 500 ngàn người. Trong số này, nhu cầu thuê nhà ở là 320 ngàn người...
Thực hiện đầu tư Nhà ở xã hội là một chính sách phù hợp với tình hình phát triển hiện nay. Chính vì vậy, các ban, ngành chức năng phải tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình để đạt được mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh. Mặt khác, kinh phí thực hiện các dự án nhà ở cho công nhân, sinh viên và người lao động có thu nhập thấp phải được ưu tiên bố trí vốn. Như vậy mới có thể nhanh chóng triển khai đúng kế hoạch. Đồng thời, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các dự án nhà ở xã hội phải phục vụ đúng đối tượng, có Hội đồng xét duyệt, tránh tình trạng người có nhu cầu sử dụng thì không được bố trí, trong khi người đã có nơi ở khác lại được hưởng.
Nguyễn Thị Phi