Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 90-T11-2012

Các khu công nghiệp Đồng Nai với việc bảo vệ môi trường

Đăng ngày: 12/06/2013
​Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp (KCN) và 37 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập; trong đó có 26 KCN đang hoạt động với hơn 900 doanh nghiệp và 11 CCN có 90 dự án đang hoạt động sản xuất nên áp lực về bảo vệ môi trường(BVMT) là rất lớn và ngày càng gia tăng. Đi kèm với sự phát triển nhanh chóng về KCN, CCN là gánh nặng cho Đồng Nai về ô nhiễm môi trường. 

​     Theo số liệu thống kê tính đến tháng 9/2012, tổng lượng nước thải của 26 KCN có dự án đầu tư đang hoạt động khoảng 74.776 m3/ngày.đêm; trong đó tổng lượng nước thải phát sinh của 24 KCN đã đi vào hoạt động và có hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT) là 72.743 m3/ngày.đêm. Chất thải rắn thông thường (gồm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp không nguy hại) có tổng lượng phát sinh khoảng 284.998 tấn/năm (tương đương 780,8 tấn/ngày). Khối lượng đăng ký phát sinh chất thải nguy hại khoảng 31.708 tấn/năm (tương đương 86,9 tấn/ngày). Có khoảng 400/900 cơ sở có phát sinh khí thải tại nguồn. Riêng các CCN trên địa bàn tỉnh hầu hết chưa có công trình xử lý nước thải tập trung do gặp nhiều khó khăn về công tác triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật; việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường được các cơ sở hoạt động sản xuất trong các CCN đầu tư xử lý.

     Nhận thức tầm quan trọng của công tác quản lý về hoạt động bảo vệ môi trường KCN, CCN, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ban ngành, UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường KCN, CCN. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai các quy định của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào các dự án và phát triển các dịch vụ bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hoạt động truyền thông môi trường để nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực xã hội hóa bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc quy hoạch phát triển KCN, CCN trên địa bàn tỉnh có lồng ghép yếu tố bảo vệ môi trường; xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích hoạt động đầu tư các dự án sản xuất sạch, sử dụng công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại phát sinh ít chất thải vào các KCN, CCN. Để nâng cao năng lực tổ chức, quản lý bảo vệ môi trường, Đồng Nai đang từng bước kiện toàn bộ máy và tăng cường nhân lực quản lý môi trường nhất là là cấp huyện, xã và đặc biệt là bộ phận nhân viên bảo vệ môi trường tại KCN, CCN, các đơn vị dịch vụ xử lý môi trường; không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý môi trường các cấp; tăng cường năng lực thanh tra, kiểm tra về công tác BVMT, kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các sai phạm, tạo sự nghiêm minh trong thi hành pháp luật bảo vệ môi trường. Mặt  khác, Đồng Nai cũng đã thực hiện chương trình quan trắc, giám sát chất lượng nước thải sau xử lý tại các KCN trên địa bàn tỉnh với tần suất định kỳ hàng tháng. Đồng thời, Đồng Nai đang từng bước nâng cao năng lực quan trắc, hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh, đầu tư thiết bị quan trắc tự động, kiểm soát về môi trường nước, nước thải KCN và không khí nhằm kiểm soát chặt chẽ diễn biến môi trường.

     Chấp hành Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản của quy định của Trung ương, UBND tỉnh, hầu hết các KCN tập trung, các cơ sở hoạt động sản xuất trong KCN, CCN đều đã thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường. Cơ bản thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường như: tách riêng tuyến nước mưa, nước thải; đầu tư công trình thu gom nước thải cục bộ, đấu nối vào HTXLNTTT để xử lý hoặc lập hồ sơ xin cấp giấy phép xả nước thải; đầu tư công trình thu gom, xử lý khí thải hoặc chuyển đổi sử dụng nguồn nhiên liệu sạch (dầu DO, gas, khí đồng hành CNG, …); đăng ký quản lý chủ nguồn thải chất thải nguy hại, thu gom phân loại và lưu giữ, xử lý chất thải rắn thông thường, nguy hại theo quy định…Ngoài ra, trong quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất, hầu hết các Công ty kinh doanh hạ tầng KCN và cơ sở sản xuất trong KCN đều có thực hiện báo cáo định kỳ về môi trường cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo dõi, kiểm tra. 

     Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đó là, hiện nay công tác quản lý về môi trường của các doanh nghiệp trong KCN do nhiều cơ quan thực hiện (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, UBND cấp huyện) nhưng công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc tham mưu, xử lý chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ. Hàng năm có nhiều cơ quan thực hiện riêng  lẻ việc thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Qua phát hiện xử lý vi phạm cho thấy: vẫn có một số doanh nghiệp có đầu tư xây dựng HTXLNTTT nhưng không vận hành hoặc có vận hành nhưng mang tính cầm chừng nhằm đối phó các cơ quan chức năng khi đến kiểm tra; việc phân loại tại nguồn đối với các loại rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại chưa triệt để, còn để lẫn lộn gây khó khăn trong công tác quản lý, thu gom, xử lý theo quy định; một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầu đủ về điều kiện, năng lực của đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý khi ký hợp đồng dịch vụ. Tình trạng một số doanh nghiệp lén lút xây dựng hệ thống ống ngầm bí mật, tinh vi hoặc lợi dụng trời mưa, nước thủy triều hay ban đêm để xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng…

     Mặc dù thời gian qua công tác tổ chức bộ máy quản lý môi trường luôn được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo nghiên cứu, kiện toàn nhưng đến nay vẫn chưa đảm bảo số lượng và chất lượng, đặc biệt là lực lượng cảnh sát trực tiếp làm công tác phòng chống tội phạm về môi trường. Mặt khác, pháp luật về bảo vệ môi trường ngày một hoàn thiện hơn nhưng chưa có sự thống nhất, đồng bộ; quyền hạn pháp lý của các tổ chức bảo vệ môi trường chưa đủ mạnh; việc xử lý tội phạm môi trường còn hạn chế, rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lý hình sự hoặc đình chỉ hoạt động hay di dời, hiện tượng “phạt để tồn tại” còn phổ biến. Hơn nữa, trong thời gian qua, do chính sách kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước, các quy định về công tác bảo vệ môi trường chưa thật sự chặt chẽ. Công tác quy hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh chưa phát huy được vai trò, còn chồng chéo giữa các lĩnh vực quản lý ngành; các KCN, CCN phần lớn tập trung phát triển kinh tế mà chưa hài hòa với yêu cầu bảo vệ môi trường. Ngoài ra, một số doanh nghiệp do nhà nước quản lý được tiếp quản từ chế độ cũ, công nghệ quá lạc hậu nhưng chậm được thay thế (KCN Biên Hòa 1).

     Công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội còn hạn chế. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, do tình hình suy thoái kinh tế trong những năm qua đã làm cho doanh nghiệp hạn chế đầu tư, nâng cấp, cải tạo các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường; nhiều chủ đầu tư chưa coi trọng công tác bảo vệ môi trường, xây dựng các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường chỉ mang tính đối phó; giao chất thải sinh hoạt, chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại cho các đơn vị chưa phù hợp với chức năng xử lý nhằm giảm thiểu chi phí xử lý. Một số cơ sở tiếp nhận, xử lý chất thải của các doanh nghiệp trong KCN chưa đảm bảo đủ năng lực xử lý, dẫn đến tình trạng đổ thải trực tiếp ra môi trường nhằm thu lợi bất chính…

     Để công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đạt hiệu quả cao, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý về bảo vệ môi trường, các văn bản pháp luật phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và ổn định; trong đó chú trọng đến công tác quy hoạch bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư KCN, CCN; vấn đề môi trường phải thực sự là yếu tố quan trọng trong việc xem xét quyết định việc cấp phép đầu tư; thống nhất đầu mối thực hiện việc thanh, kiểm tra về lĩnh vực môi trường. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành quy định hướng dẫn thực hiện việc lắp đặt, vận hành, kiểm định, kiểm chuẩn hệ thống quan trắc tự động vì đây là một trong những giải pháp hữu hiệu kiểm soát chất thải tại các KCN, CCN.

                                                                                   Thùy Trang