Qua giám sát cho thấy, trong thời gian qua, thực hiện văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp, các ngành Trung ương và tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo ngành Giáo dục & Đào tạo và các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh để triển khai thực hiện các quy định, kế hoạch đầu tư phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn. Mặc dù tỷ lệ tăng dân số cơ học của tỉnh luôn cao nhưng tỷ lệ huy động trẻ mầm non ở các nhóm tuổi ra lớp đều tăng ở các độ tuổi như trẻ độ tuổi nhà trẻ tăng từ 11,5% vào năm 2007 lên 16,5% vào năm 2012, trẻ mẫu giáo 05 tuổi tăng từ 95,5% vào năm 2007 lên 98% vài năm 2012; trẻ trong độ tuổi mẫu giáo tăng từ 75,9% vào năm 2007 lên 95,2% vào năm 2012, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2015 là 80%. Công tác đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới trường, lớp cho bậc học mầm non được quan tâm thực hiện nên hiện nay số trường mầm non công lập đã tăng từ 234 trường vào năm 2007 lên 259 trường vào năm 2012; tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tăng từ 7,6% (năm 2007) lên 17,5% (năm 2012). Công tác xã hội hóa giáo dục mầm non đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư phát triển nên đến nay, toàn tỉnh có 834 nhóm, lớp mẫu giáo tư thục và 41 trường mầm non tư thục. Việc bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để nâng cao tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đã được các đơn vị có liên quan và các địa phương kịp thời triển khai thực hiện. Hiện nay, bậc học mầm non có 3.204 phòng học, trong đó tỷ lệ phòng học kiên cố lầu là 48,3%, phòng học bán kiên cố là 46,33%. Thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn I đã đầu tư 202 phòng học mầm non, giai đoạn II đã có 114 phòng học mầm non được ghi vào danh mục đầu tư. Tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn tăng cao, đến nay tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 98,4%; tỷ lệ giáo viên trên chuẩn là 45,3%; tỷ lệ cán bộ quản lý trên chuẩn là 83,5%; tỷ lệ cán bộ quản lý đạt chuẩn là 100%.
Đoàn khảo sát tại trường mẫu giáo Hoa Sen – Thành phố Biên Hòa
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển giáo dục mầm non vẫn còn khó khăn, hạn chế như: quy hoạch mạng lưới trường, lớp mầm non trong thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu phát triển (toàn tỉnh hiện còn thiếu 409 phòng học; sĩ số học sinh/lớp tại các trường mầm non công lập, các trường tư thục vượt cao hơn so với quy định 45-73 em/lớp; do mạng lưới trường lớp chưa đáp ứng nhu cầu nên hiện nay còn 162 nhóm, lớp không đủ điều kiện cấp giấy phép vẫn đang hoạt động; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi nhà trẻ từ 3 tháng đến 36 tháng tuổi ra lớp còn thấp (16,5%) so với mục tiêu đề ra; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tuy có tăng so với các năm trước (17,5%) nhưng còn thấp so với mục tiêu đề ra năm 2015 có từ có từ 25 - 30% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia); Tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 05 tuổi còn thấp (17%) so với mục tiêu đề ra đến năm 2012 là 22% và năm 2015 là 100%; Công tác đầu tư công cho giáo dục mầm non về cơ sở vật chất và trang thiết bị tối thiểu phục vụ công tác giảng dạy còn hạn chế nên hiện nay một số xã, phường chưa có trường mầm non, mẫu giáo công lập, một số trường mầm non công lập có quy mô nhỏ (5 - 6 phòng), xây dựng không đúng chức năng và hiện vẫn còn 5,31% phòng học nhờ, mượn, tạm, chỉ có 70% lớp có đủ đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học tối thiểu…; Để đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi vào năm 2015, một số địa phương đã ưu tiên nhận trẻ 05 tuổi vào trường công lập, do đó, nhiều em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo 3-4 tuổi phải học tại các nhóm trẻ gia đình cơ sở chật hẹp, thiếu điều kiện về cơ sở vật chất, môi trường học tập, vui chơi; Do cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển giáo dục mầm non còn hạn chế nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm xây dựng các trường mầm non tư thục có quy mô lớn, đúng chuẩn. Hiện nay, loại hình mầm non ngoài công lập chủ yếu vẫn là các nhóm, lớp quy mô nhỏ đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của bậc học mầm non.
Tình trạng quá tải tại một trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn
huyện Vĩnh Cửu (45 em trong phòng học có diện tích gần 30m2)
Để giúp công tác phát triển giáo dục mầm non được tốt hơn trong thời gian tới, sau đợt giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương có sự quan tâm đầu tư, thực hiện đúng quy định pháp luật về đầu tư ngân sách nhà nước cho bậc học mầm non; có giải pháp tăng cường đầu tư công để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất đối với các trường đã xuống cấp, ngoài việc ưu tiên khu vực vùng sâu, vùng xa, cần có sự quan tâm đầu tư xây dựng các trường mầm non tại những địa bàn có sức ép dân số (khu công nghiệp) nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, hoàn thành phổ cập trẻ 5 tuổi, bảo đảm chất lượng giáo dục và nâng cao tỷ lệ trường chuẩn quốc gia theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra; nghiêm túc thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo hướng mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục. Nghiên cứu thực hiện một số chính sách cụ thể trong công tác xã hội hóa giáo dục mầm non như hỗ trợ thuế, đền bù đất đai, hỗ trợ thiết bị dạy học, đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi nhằm thu hút sự đầu tư của toàn xã hội đối với bậc học mầm non nhằm giảm tải cho các cơ sở công lập và tiến tới xóa bỏ các nhóm, lớp không đủ điều kiện cấp giấy phép nhưng vẫn đang hoạt động. Rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu đã xây dựng của tỉnh trong thời gian qua để nhằm thống nhất các chỉ tiêu đề ra và có giải pháp thực hiện. Chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát quỹ đất dành cho giáo dục, trong đó có giáo dục mầm non trên cơ sở phải có tính khả thi để có thể triển khai thực hiện. Nghiên cứu sự cần thiết xây dựng Đề án về chế độ hỗ trợ đối với nhân viên hiện đang làm công tác tại các trường mầm non…
Hòa Bình