* Lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng
Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Một số điểm mới đáng chú ý của Bộ luật này là quy định riêng đối với lao động nữ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác; và tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng, tuy nhiên, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng.
Về tuổi đời hưởng lương hưu, Bộ luật Lao động quy định nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; tuy nhiên, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn hoặc cao hơn không quá 5 năm theo quy định của Chính phủ.
Thời giờ làm thêm tối đa của người lao động được giữ như hiện hành là không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong một năm. Ngoài ra Bộ luật Lao động cũng quy định tăng số ngày nghỉ Tết Âm lịch lên 5 ngày.
Về hợp đồng lao động, Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định cụ thể hơn về việc chấm dứt hợp đồng lao động, trách nhiệm của các bên khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp động lao động và trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
* Giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá
Với 5 Chương và 35 Điều, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013.
Luật quy định các biện pháp nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và các điều kiện đảm bảo để phòng chống tác hại thuốc lá.
Một trong những nội dung quan trọng của Luật là quy định về các địa điểm cấm hút thuốc, bao gồm: các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, các địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc; quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc lá; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá.
Cũng theo Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT có hiệu lực từ 1/5/2013, thuốc lá sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải in cảnh báo sức khỏe chiếm ít nhất 50% diện tích mặt chính và mặt sau bao bì thuốc lá. Cảnh báo sức khỏe phải được in song song sát với rìa trên của bao bì thuốc lá.
Mẫu cảnh báo sức khỏe của mỗi loại sản phẩm thuốc lá phải được thay đổi định kỳ 2 năm/lần.
* Tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng
Chính phủ ban hành Nghị định 26/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng. Theo đó cơ quan thanh tra nhà nước ngành xây dựng gồm thanh tra Bộ Xây dựng và thanh tra Sở Xây dựng.
Thanh tra Bộ Xây dựng có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, thanh tra viên, công chức, được tổ chức thành các phòng nghiệp vụ.
Còn Thanh tra Sở Xây dựng có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, thanh tra viên, công chức. Riêng thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được tổ chức các đội đặt tại địa bàn cấp huyện.
Nghị định 26/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2013, chấm dứt việc thực hiện Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện và Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
* Phải phục hồi môi trường ngay trong quá trình khai thác khoáng sản
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 18/2013/QĐ-TTg về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó yêu cầu phải cải tạo, phục hồi môi trường ngay trong quá trình khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, phải đảm bảo đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực khai thác khoáng sản và khu vực bị ảnh hưởng của hoạt động khai thác về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn và môi trường, đảm bảo an toàn và phục vụ các mục đích có lợi cho con người theo quy định.
Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản phải lập Đề án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Có 2 trường hợp không phải lập Đề án: 1- Tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản đã có Dự án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt và đã ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định; 2- Tổ chức, cá nhân khai thác vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại khoản 2 Điều 64 của Luật Khoáng sản.
* Quy định mới về chế độ bồi dưỡng người tham gia chữa cháy rừng
Từ ngày 15/5/2013, mức chi bồi dưỡng cho người được huy động (trừ chủ rừng) để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính ban hành.
Thông tư nêu rõ, đối với việc chi tiền bồi dưỡng làm nhiệm vụ cho các lực lượng trực tiếp được huy động hoặc tự nguyện thực hiện nhiệm vụ đột xuất ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và chữa cháy rừng (bao gồm cả lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm), mức chi tối đa cho một người trong một ngày bằng ngày công lao động nghề rừng cao nhất ở địa phương.
Các lực lượng trực tiếp được huy động hoặc tự nguyện thực hiện nhiệm vụ đột xuất ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và chữa cháy rừng còn được hỗ trợ tiền ăn thêm tối đa là 50.000 đồng/ngày/người.
* Hướng dẫn hoàn thuế bảo vệ môi trường với bao bì ni lông
Ngày 18/03/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 30/2013/TT-BTC hướng dẫn hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông làm bao bì đóng gói sẵn hàng hóa theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ.
Theo quy định tại Thông tư này, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu sẽ được hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường đã nộp và tiền phạt chậm nộp; đồng thời, không bị truy nộp thuế nếu đã kê khai nhưng chưa nộp và tiền phạt chậm nộp từ ngày 01/01/2011 đến hết ngày 14/11/2012 đối với túi ni lông làm bao bì đóng gói sẵn hàng hóa.
Để được hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường, các tổ chức, cá nhân trên phải hoàn thành hồ sơ và nộp trước ngày 30/06/2013 cho cơ quan thuế hoặc cơ quan hải quan nơi đã khai, nộp thuế. Hồ sơ gồm: Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách Nhà nước; Tờ khai bổ sung hồ sơ khai thuế; Chứng từ nộp thuế bảo vệ môi trường, tiền phạt chậm nộp. Trường hợp người nhập khẩu bao bì để đóng gói sản phẩm do mình gia công hoặc làm dịch vụ đóng gói thì cần thêm Hồ sơ hải quan theo quy định; bản chính văn bản cam kết; bản chụp Hợp đồng mua bán. Trường hợp nhập khẩu để bán trực tiếp cho người khác đóng gói thì cần thêm bản chính Biên bản xác nhận của người sản xuất hoặc người nhập khẩu về số lượng; bảng kê hóa đơn bán bao bì để đóng gói sản phẩm...
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/05/2013.
* Hỗ trợ 100% chi phí tổ chức triển lãm giới thiệu đầu tư tại Việt Nam
Ngày 18/03/3013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 31/2013/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia.
Thông tư quy định hỗ trợ 100% chi phí tổ chức triển lãm trong nước và nước ngoài nhằm giới thiệu môi trường đầu tư và kết quả đầu tư tại Việt Nam; hỗ trợ 100% công tác phí cho cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thực hiện tổ chức hoặc tham gia triển lãm; hỗ trợ 70% công tác phí cho 01 đối tượng/1 đơn vị tham gia không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước tham gia triển lãm.
Bên cạnh đó, hoạt động tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực và kỹ năng xúc tiến đầu tư cho các cơ quan quản lý Nhà nước cũng có mức hỗ trợ tương tự, cụ thể: Hỗ trợ 100% chi phí tổ chức khóa đào tạo; hỗ trợ 100% công tác phí cho đối tượng tham gia khóa học là cán bộ, công chức cơ quan Nhà nước; hỗ trợ 70% công tác phí cho đối tượng không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước tham gia khóa học…
Ngoài ra, cũng theo Thông tư này, hỗ trợ 100% kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá về môi trường đầu tư của Việt Nam; xây dựng định hướng, chính sách và chiến lược xúc tiến đầu tư; tổ chức chương trình vận động xúc tiến đầu tư tại các địa bàn trọng điểm ở nước ngoài theo chủ đề, lĩnh vực; đào tạo cán bộ xúc tiến đầu tư thuộc các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh, Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/05/2013.
* Phí sát hạch lái xe ô tô đối với công an là 450.000 đồng
Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 32/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 19/03/2013 về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch và lệ phí cấp giấy phép lái xe trong Công an nhân dân.
Theo đó, từ ngày 05/05/2013, cán bộ, chiến sỹ đang phục vụ trong ngành Công an khi đề nghị sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tại các đơn vị thuộc Công an nhân dân phải chịu mức thu phí, lệ phí như sau: Đối với thi sát hạch lái xe ô tô (hạng xe B1, B2, C, D, E, F), lệ phí thi lý thuyết là 90.000 đồng/lần; thực hành trong hình là 300.000 đồng/lần; thực hành trên đường giao thông công cộng là 60.000 đồng/lần; đối với thi sát hạch lái xe mô tô (hạng xe A1, A2, A3, A4), lệ phí lý thuyết là 40.000 đồng/lần; thực hành là 50.000 đồng/lần.
Ngoài ra, cơ quan quản lý sát hạch còn thu thêm lệ phí cấp giấy phép lái xe 30.000 đồng cho mỗi lần cấp mới, gia hạn, cấp đổi hoặc cấp lại. Tổng số tiền phí, lệ phí sát hạch thu được sẽ trích lại 65% cho cơ quan quản lý sát hạch để trang trải chi phí cho việc tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái xe; 35% còn lại và 100% số tiền phí cấp giấy phép lái xe sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước...
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/05/2013.
* Kinh doanh thuốc phải nộp bản chính chứng chỉ hành nghề dược
Nhằm cập nhật những điểm mới được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 89/2012/NĐ-CP ngày 24/10/2012, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2013/TT-BYT ngày 29/03/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2007/TT-BYT ngày 24/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định của Luật Dược và Nghị định 79/2006/NĐ-CP ngày 09/08/2006.
Theo đó, Bộ Y tế quy định hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, bổ sung phạm vi kinh doanh trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc phải bao gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận; bản chính Chứng chỉ hành nghề dược của người quản lý chuyên môn về dược phù hợp với hình thức tổ chức kinh doanh (trong khi quy định trước đây chỉ yêu cầu bản sao có chứng thực); bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có chứng thực hoặc có chữ ký của chủ cơ sở và đóng dấu xác nhận; tài liệu kỹ thuật tương ứng theo quy định của Bộ Y tế đối với trường hợp phải thẩm định cơ sở kinh doanh thuốc.
Trường hợp cơ sở kinh doanh thuốc đã được cấp Giấy chứng nhận thực hành tốt (GMP, GSP, GLP, GDP, GPP) phù hợp với hình thức và phạm vi kinh doanh, thì tài liệu kỹ thuật tương ứng theo quy định chỉ cần bản sao Giấy chứng nhận thực hành tốt có chứng thực hoặc có chữ ký của chủ cơ sở
Riêng đối với đại lý bán thuốc của doanh nghiệp kinh doanh thuốc, đại lý bán buôn vắc xin, sinh phẩm y tế, ngoài các giấy tờ trên, còn phải có bản sao Hợp đồng đại lý giữa doanh nghiệp mở đại lý và người đứng đầu đại lý có chứng thực hoặc chữ ký của chủ cơ sở và đóng dấu xác nhận...
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 14/05/2013.
* Rút ngắn thời hạn giải quyết đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Ngày 28/03/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
Nghị định này quy định đối với việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, chỉ cần một bên nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Tư pháp khi đăng ký kết hôn tại Việt Nam hoặc tại cơ quan đại diện nếu đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện (theo quy định cũ thì cả 02 bên đương sự phải có mặt).
Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam cũng được rút xuống 25 ngày làm việc, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí; trường hợp cần xác minh của cơ quan công an thì thời hạn được kéo dài không quá 10 ngày làm việc (so với quy định cũ, thời hạn này là 30 ngày, trường hợp có yêu cầu xác minh thì được kéo dài thêm 20 ngày). Tương tự, thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện cũng được rút xuống còn không quá 20 ngày, kể từ ngày cơ quan đại diện nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí; trường hợp cần cơ quan trong nước xác minh thì thời hạn kéo dài không quá 35 ngày (so với quy định cũ, thời hạn này là 30 ngày; trường hợp có yêu cầu xác minh thì được kéo dài thêm 45 ngày).
Nghị định cũng quy định rõ việc đăng ký kết hôn sẽ bị từ chối nếu kết quả phỏng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ; lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán người, bóc lột sức lao động hoặc vì mục đích trục lợi khác...
Ngoài ra, Chính phủ cũng miễn phí việc đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con nuôi có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/05/2013 và thay thế Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/07/2002.
* Báo cáo viên có quyền lợi như giáo viên thỉnh giảng
Ngày 29/03/2013, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư số 11/2013/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục Ban hành kèm theo Thông tư số 44/2011/TT-BGDĐT ngày 10/10/2011. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc bổ sung quy định về chế độ báo cáo viên trong các cơ sở giáo dục.
Theo Thông tư này, báo cáo viên là các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nghệ nhân, người lao động ở trong và ngoài nước được các cơ sở giáo dục mời báo cáo chuyên đề, kinh nghiệm thực tiễn nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, gắn giáo dục và đào tạo với thực tiễn.
Do vậy, Bộ GDĐT quy định báo cáo viên phải là người có năng lực, am hiểu sâu về lĩnh vực, chuyên ngành được báo cáo; có lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, chấp hành tốt chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, tương tự như với hợp đồng thỉnh giảng, hợp đồng báo cáo viên có thể được ký kết đối với báo cáo viên là cán bộ, công chức, viên chức hoặc không phải là cán bộ, công chức, viên chức, dưới dạng hợp đồng vụ, việc theo Mục 7 Chương XVII Bộ luật Dân sự hoặc hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo đó, các quyền, nghĩa vụ của báo cáo viên cũng như quyền, nghĩa vụ của cơ sở giáo dục được thực hiện tương tự như đối với nhà giáo thỉnh giảng theo quy định trước đó tại Thông tư số 44/2011/TT-BGDĐT.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 19/05/2013.
* Quy định danh mục phần mềm, phần cứng, điện tử
Ngày 08/04/2013, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra Thông tư 09/2013/TT-BTTTT ban hành Danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử nhằm hình thành hệ thống sản phẩm chuyên ngành công nghiệp phần mềm và công nghiệp phần cứng, điện tử phục vụ cho việc đăng ký kinh doanh; hoạt động đầu tư; áp dụng các chính sách thuế; chính sách ưu đãi; quản lý xuất nhập khẩu; quản lý chất lượng và các hoạt động liên quan tới sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử...
Theo Danh mục này, sản phẩm phần mềm gồm 05 nhóm, cụ thể: Nhóm phần mềm hệ thống (hệ điều hành, phần mềm mạng, phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu...); nhóm phần mềm ứng dụng (phần mềm ứng dụng cơ bản như xử lý văn bản, bảng tính, đồ họa, phần mềm ứng dụng đa ngành, chuyên ngành và cho cá nhân, gia đình); nhóm phần mềm công cụ; nhóm phần mềm tiện ích và các nhóm khác.
Theo Danh mục này, sản phẩm phần mềm gồm 05 nhóm, cụ thể: Nhóm phần mềm hệ thống (hệ điều hành, phần mềm mạng, phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu...); nhóm phần mềm ứng dụng (phần mềm ứng dụng cơ bản như xử lý văn bản, bảng tính, đồ họa, phần mềm ứng dụng đa ngành, chuyên ngành và cho cá nhân, gia đình); nhóm phần mềm công cụ; nhóm phần mềm tiện ích và các nhóm khác.
Sản phẩm phần cứng gồm 04 nhóm, bao gồm: Nhóm sản phẩm máy tính, thiết bị mạng, thiết bị ngoại vi; nhóm máy in, máy photocopy, fax và các loại máy khác; nhóm các thiết bị hiển thị dữ liệu, bộ lưu trữ và nhóm các thiết bị nhập dữ liệu...
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/05/2013.
* Miễn thủy lợi phí đối với đất nông nghiệp được giao cho hộ nghèo
Ngày 11/04/2013, Bộ Tài chính đã ra Thông tư số 41/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/09/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 quy định chi tiết Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Theo tinh thần của Nghị định số 67/2012/NĐ-CP, Bộ Tài chính quy định miễn thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối và toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao; đất nông nghiệp được giao cho hộ nghèo.
Đồng thời, miễn thủy lợi phí đối với cả diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho các đối tượng hộ gia đình, cá nhân như: Nông dân được Nhà nước giao hoặc công nhận đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất; xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh; nông trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của nông trường quốc doanh...
Đồng thời, miễn thủy lợi phí đối với cả diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho các đối tượng hộ gia đình, cá nhân như: Nông dân được Nhà nước giao hoặc công nhận đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất; xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh; nông trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của nông trường quốc doanh...
Cũng theo Thông tư này, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ vào quy hoạch hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kết cấu hệ thống công trình thủy lợi; quy trình và biện pháp tưới, tiêu; diện tích đất canh tác được tưới tiêu, ban hành mức thu thủy lợi phí đối với từng diện tích, biện pháp tưới tiêu để lập dự toán kinh phí cấp bù thủy lợi phí được miễn và mức trần phí dịch vụ thủy lợi nội đồng...
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/05/2013 và thay thế Thông tư số 36/2009/TT-BTC ngày 26/02/2009.
* Chủ yếu dùng vốn ngân sách hỗ trợ xây dựng trường dân tộc nội trú
Đây là yêu cầu chỉ đạo của Liên Bộ Tài chính - Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tại Thông tư liên tịch số 40/2013/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 10/04/2013 về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia GDĐT giai đoạn 2012 - 2015.
Trước đó, tại Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 05/09/2012, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia GDĐT giai đoạn 2012 - 2015 bao gồm 04 dự án, với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Tại Thông tư này, Liên bộ quy định rõ, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chỉ bố trí để thực hiện nội dung Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới 41 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, 07 trường cấp tỉnh tại các địa phương thuộc Dự án 3; đồng thời hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và cơ sở vật chất cho trường chuyên, trường sư phạm.
Các nội dung chi đặc thù được quy định cụ thể như sau: Dự án hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn sẽ tập trung chi hỗ trợ xây dựng, bổ sung phòng học, phòng thư viện; hỗ trợ xây dựng trường mới trường phổ thông dân tộc nội trú tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên... Đối với Dự án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, xóa mù chữ..., chủ yếu chi cho trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các nhóm lớp mầm non; tiểu học, trung học cơ sở tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chi điều tra, thống kê mù chữ, tái mù chữ độ tuổi 15 - 55; chi hỗ trợ hoạt động huy động số người mù chữ, tái mù chữ đến lớp học; phụ cấp cho người làm công tác xóa mù chữ, phổ cập...
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/05/2013.
* Được quảng cáo khi tham gia phổ biến pháp luật miễn phí
Đây là nội dung đáng chú ý của Nghị định số 28/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 04/04/2013, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nghị định này chỉ rõ, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được hưởng các chính sách như sau: Được cơ quan Nhà nước cấp phát tài liệu pháp luật, cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực pháp luật được phổ biến, giáo dục; được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật không thu tiền trong trường hợp tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nguồn kinh phí của mình; được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Đặc biệt, riêng các doanh nghiệp được quyền thực hiện hoạt động quảng cáo khi tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật miễn phí hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo.
Bên cạnh đó, người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật, ngư dân, người dân ở vùng dân tộc thiểu số vùng biên giới, ven biển, hải đảo…mà không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số khi tham gia thực hiện phổ biến pháp luật không những được cấp phát tài liệu, cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật, bồi dưỡng kiến thức pháp luật; được khen thưởng; mà còn được hưởng các thù lao và chế độ theo quy định…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/05/2013.
* Cô đỡ thôn bản là chức danh y tế chính thức
Từ ngày 1/5, cô đỡ thôn bản sẽ là một chức danh trong hệ thống y tế Việt Nam theo nội dung Thông tư 07/2013/TT-BYT quy định tiêu chuẩn, chức năng nhiệm vụ của cán bộ y tế thôn bản.
Về trình độ, chuyên môn đào tạo, cô đỡ thôn, bản phải đã hoàn thành khóa đào tạo có thời gian từ 6 tháng trở lên theo khung chương trình đào tạo cô đỡ thôn, bản của Bộ Y tế.