Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 95-T5-2013

Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày: 28/06/2013
​Qua giám sát kết quả thực hiện quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tố tụng: Công an, Viện kiểm sát (VKS) và Tòa án nhân dân tỉnh (TAND) trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm cho thấy, trong thời gian vừa qua, lãnh đạo ba ngành đã tăng cường chỉ đạo Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán từng bước tích cực, chủ động vận dụng có hiệu quả Quy chế phối hợp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật, đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

​     Hàng quý, 06 tháng ba ngành Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh đã tiến hành họp kiểm điểm để đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế; phân tích, đánh giá nguyên nhân khuyết điểm và biện pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo quy chế đề ra. Thường xuyên duy trì cuộc họp để giải quyết một số vụ việc khó khăn về đường lối xử lý; trao đổi phối hợp chỉ đạo Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trong công tác điều tra, truy tố, xét xử án hình sự, tạo ra sự đồng thuận cao trong nhận thức và hành động, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm; kịp thời trao đổi (bằng văn bản) thống nhất hướng dẫn các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự cấp huyện về những khó khăn, vướng mắc trong việc định tội danh, đánh giá chứng cứ và đường lối xử lý do cấp huyện thỉnh thị trong từng giai đoạn tố tụng, như: Liên ngành Công an ninh, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân đã phối hợp tốt trong công tác hướng dẫn, kiểm tra chỉ đạo cấp huyện theo quy định tại Điều 27, Điều 28 Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Phối hợp trả lời thỉnh thị cấp huyện 52 vụ án hình sự. 

DSC03617.jpg
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh
phát biểu tại buổi giám sát​
 

     Lãnh đạo các phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra đã chủ động phối hợp với các Trưởng, Phó phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và Chánh, Phó Tòa hình sự TAND tỉnh trao đổi, bàn bạc giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực thi nhiệm vụ của mỗi ngành, nhất là phối hợp chặt chẽ trong công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, như: Phân công Kiểm sát viên trực nghiệp vụ tham gia 100% các cuộc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Đã tiến hành kiểm sát 89 vụ khám nghiệm hiện trường (83 vụ giết người, 06 vụ tai nạn giao thông có yếu tố nước ngoài); thường xuyên trao đổi thông tin về tiếp nhận các tin tố giác, tin báo về tội phạm. Hàng tuần, Viện kiểm sát phân công Kiểm sát viên, chuyên viên phối hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai (Phòng PC 44, PC 45, PC 46) nắm chắc việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm để kịp thời cập nhật phân loại, xử lý. Qua kiểm sát, Viện kiểm sát đã ban hành 06 kiến nghị yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra kịp thời xử lý tin báo tố giác tội phạm theo đúng quy định tại Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự; Kiểm sát viên, Điều tra viên và Thẩm phán đã có sự trao đổi, kiểm tra thủ tục tố tụng, đánh giá chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng điều tra, nhất là đối với các vụ án hình sự phức tạp về chứng cứ hoặc có nhiều đối tượng tham gia. 

     Quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát, Tòa án, Trại tạm giam trong công tác quản lý giam giữ và giáo dục người chấp hành án phạt tù đã có nhiều chuyển biến tích cực. Viện kiểm sát đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhà tạm giữ, trại tạm giam và có văn bản kết luận kiến nghị khắc phục tình trạng vi phạm. Bên cạnh đó, Trại tạm giam và Nhà tạm giữ thường xuyên thực hiện thông báo bằng văn bản về việc sắp hết thời hạn tạm giữ, tạm giam đến cơ quan đang thụ lý vụ án để kịp thời bổ sung, đã hạn chế việc vi phạm về thời hạn giam, giữ; Việc ra quyết định thi hành án, chuyển giao quyết định thi hành án, bản án của Tòa án cho Cơ quan thi hành án và cơ quan, đơn vị được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự đảm bảo đúng thời hạn, nội dung theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

     Viện kiểm sát trao đổi phối hợp với Tòa án tăng cường xét xử lưu động đối với các vụ án phạm tội giết người trên địa bàn xảy ra tội phạm, đồng thời chủ động phối hợp Cơ quan điều tra và Tòa án tỉnh chọn án điểm đưa ra truy tố, xét xử nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Kết quả đã chọn 08 vụ án điểm về tội “Giết người”; đã xét xử lưu động 24 vụ, phạm các tội “Giết người”, “Gây rối trật tự công cộng” tại địa bàn xảy ra tội phạm. Kết quả xét xử được chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần tuyên truyền giáo dục trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tại địa phương.

     Công an và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp Đài truyền hình Đồng Nai tổ chức buổi tọa đàm đánh giá nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm giết người và biện pháp khắc phục để nâng cao ý thức người dân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Viện kiểm sát tỉnh phối hợp Đài phát thanh truyền hình Đồng Nai, Báo Đồng Nai đang xúc tiến ký kết quy chế phối hợp trong công tác tuyên truyền đấu tranh phòng chống tội phạm.

     Tuy nhiên, mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết tin báo tố giác tội phạm; trong hoạt động điều tra đối với một số vụ án chưa được chặt chẽ, như Cơ quan điều tra chưa kịp thời thông báo một số vụ án do cấp huyện chuyển lên Cơ quan điều tra cấp tỉnh để giải quyết theo thẩm quyền… ảnh hưởng tính kịp thời cập nhật thông tin báo cáo theo quy định của Ngành; Một số Kiểm sát viên chưa tích cực trao đổi với Điều tra viên mỗi tuần về kết quả thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 9 của Quy chế liên ngành, do vậy nội dung yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên chưa được Điều tra viên thực hiện đầy đủ.

     Theo quy định của Quy chế liên ngành, trước khi kết thúc điều tra ít nhất 20 ngày, Điều tra viên và Kiểm sát viên đã có sự trao đổi xác lập bằng biên bản. Tuy nhiên, việc rà soát đánh giá chưa được sâu sát nên chất lượng hồ sơ kết thúc điều tra còn hạn chế, dẫn đến tỷ lệ án trả phải hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung còn cao.

     Một số quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật thi hành án hình sự chưa cụ thể, chưa có văn bản pháp lý hướng dẫn kịp thời của các ngành tư pháp Trung ương dẫn đến việc nhận thức, áp dụng pháp luật không thống nhất giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng. 

                                                                                    Sĩ Tiến