|
Ông Ngô Ngọc Thanh, Bí thư - Chủ tịch HĐND huyện Thống Nhất phát biểu tại cuộc giám sát |
Xuất phát từ thực tế trên, ngày 12/7/2007 UBND tỉnh đã có Quyết định số 43/2007/QĐ-UBND ban hành Chương trình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010; theo đó, cây chủ lực của tỉnh gồm: cà phê, tiêu, điều,cao su, sầu riêng, xoài và bưởi; vật nuôi gồm 02 loại: heo và gà. Mục tiêu của Chương trình là nâng cao hiệu quả sản xuất, năng xuất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, ổn định đời sống của người nông dân, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh của địa phương.
Để đánh giá kết quả thực hiện, vừa qua Ban KT-NS HĐND tỉnh đã tổ chức 04 cuộc giám sát đối với 02 địa phương (Thống Nhất, Tân Phú) và 02 doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình (Công ty cổ phần Nông Súc Sản Đồng Nai và Công ty cổ phần Chăn nuôi Phú Sơn).
Qua giám sát tại các địa phương cho thấy: Sau khi Quyết định 43 của UBND tỉnh có hiệu lực, các huyện đã xây dựng dự án phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn và đã được Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh phê duyệt theo ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh; các huyện đã thành lập ban QLDA phát triển cây trồng chủ lực trên địa bàn, ban QLDA đã xây dựng kế hoạch để triển khai, thực hiện Chương trình.
Các huyện đã tích cực triển khai chương trình hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điểm, huyện Tân Phú đang triển khai hỗ trợ đợt I/2009 cho 71 hộ dân tham gia thực hiện dự án, với diện tích hỗ trợ là 35,5 ha, kinh phí là 237 triệu đồng và đang tiến hành triển khai hỗ trợ đợt II/2009 cho 17,6 ha, kinh phí là 133,33 triệu đồng. Huyện Thống Nhất năm 2008 đã thực hiện hỗ trợ cho 09 hộ dân, với diện tích 15 ha, kinh phí 101.824.648 đồng; từ đầu năm 2009 đến nay có 30 hộ tham gia thực hiện dự án, với diện tích là 37,8 ha.
Bên cạnh việc hỗ trợ các mô hình, các địa phương đã thực hiện dự án quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tổ chức tập huấn, tham quan, hột thảo đầu bờ, xây dựng mô hình trình diễn nhằm hướng dẫn cho nông dân về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phòng trừ dịch bệnh; vận động xây dựng các loại hình kinh tế tập thể…
Tuy nhiên việc thực hiện Chương trình tại các địa phương còn một số hạn chế:
Các huyện chưa xây dựng được dự án cụ thể, chi tiết cho từng vùng, tiểu vùng, cánh đồng tương ứng, phù hợp với định hướng cây con chủ lực của tỉnh và huyện.
Tiến độ thực hiện chương trình hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điểm chậm. Theo dự án đã được phê duyệt trong hai năm 2008, 2009 diện tích các loại cây trồng được hỗ trợ tại huyện Tân Phú là 282 ha; NSNN hỗ trợ là 1.861.471.836 đồng nhưng Tân Phú thực hiện chỉ được 53,5 ha, đạt 19% kế hoạch, giải ngân được 273 triệu đồng, đạt 15% kế hoạch; tại huyện Thống Nhất kết quả thực hiện còn thấp hơn, cũng trong hai năm 2008, 2009 theo dự án thì có 289,7 ha được hỗ trợ, NSNN hỗ trợ là 1.896.645.576 đồngnhưng Thống Nhất mới thực hiện được 52,8 ha, đạt 18% kế hoạch, giải ngân được 101.824.648 đồng và chỉ đạt 05% kế hoạch. Thời gian thực hiện Dự án còn lại ngắn, các địa phương khó có thể thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu.
Chưa thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất theo Chương trình, dẫn đến tình trạng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ở địa phương còn thiếu, chưa đồng bộ, không đảm bảo cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình.
Theo mục tiêu của dự án, đến năm 2010 trên địa bàn các huyện sẽ hình thành những vùng sản xuất ổn định, chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn trái; sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, độ đồng đều cao phục vụ nhu cầu thị trường nội địa, chế biến và xuất khẩu…Để hoàn thành được mục tiêu này là rất khó, tiến độ thực hiện dự án chậm, công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu để thay đổi tư duy kinh tế, đổi mới phương thức lao động sản xuất còn hạn chế; các huyện chưa có giải pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu này, chủ yếu là nhân dân tự lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi.
Các huyện chưa xây dựng kế hoạch hàng năm để thực hiện hiệu quả dự án, thực tế UBND huyện giao khoán cho Phòng Nông nghiệp và PTNT thực hiện, vì vậy, trong quá trình triển khai, thực hiện dự án, các cơ quan, đơn vị và địa phương chưa xây dựng kế hoạch phối hợp của mình, dẫn đến một số giải pháp đã được xác định trong dự án nhưng chưa được tổ chức thực hiện.
Nguyên nhân dẫn đến các hạn chế trên là do thời gian xây dựng và phê duyệt dự án chậm gần 02 năm so với giai đoạn thực hiện dự án, đến nay chỉ còn 01 năm, các huyện khó có thể hoàn thành được mục tiêu của dự án đề ra; khi triển khai thực hiện dự án có vướng mắc về thủ tục thanh, quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ nhưng đến tháng 2/2009 Sở Tài chính mới có văn bản hướng dẫn khắc phục. Mặt khác, theo quy định tại Quyết định 43 của UBND tỉnh thì tỷ lệ nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho các hộ dân tham gia thực hiện dự án thấp, các hộ dân tham gia thực hiện dự án phải có đủ vốn đối ứng, nên đối tượng tham gia thực hiện dự án hạn chế; thời vụ cây trồng cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, ở thời điểm mùa mưa, dân chưa thực hiện lắp đặt hệ thống tưới tự động, chưa được hỗ trợ do hạn chế một số điều kiện bắt buộc; dân thiếu vốn đầu tư nhưng tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ lãi xuất cho các hộ dân vay vốn ngân hàng để đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hóa theo quy định của Trung ương; nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về các nội dung của: cây con chủ lực, vùng xen canh, vùng chuyên canh, tiêu chuẩn, đối tượng tham gia thực hiện dự án chưa đầy đủ, rõ ràng.
Đáng quan tâm là khi đoàn giám sát làm việc tại 02 doanh nghiệp nêu trên được biết, các doanh nghiệp chưa được triển khai thực hiện Quyết định 43 của UBND tỉnh; khi đoàn cung cấp một số quy định trong Quyết định liên quan đến quyền và trách nhiệm của công ty thì được giám đốc các công ty cho biết, công ty không biết Quyết định 43 quy định gì và công ty được hưởng những gì.
Đặng Quang Huy