Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII đã chỉ rõ: Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và cũng là bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân”. Nhà nước phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, chống tham ô, lãng phí, đặc quyền đặc lợi (1).
Thật vậy, thực tiễn cách mạng nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo luôn gắn bó mật thiết với nhân dân. Trong mọi hoàn cảnh thuận lợi cũng như khó khăn của cách mạng, Đảng và Nhà nước đều dựa vào dân để tồn tại và phát triển. Chính vì vậy công tác dân vận của Đảng nói chung và của chính quyền nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ nhân dân; đề cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện dân chủ đối với nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân giám sát các hoạt động thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; xây dựng nhà nước thật sự là của dân, do dân và vì dân.
Để công tác dân vận chính quyền tiếp tục có hiệu quả, đi vào chiều sâu trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì nội dung, nhiệm vụ cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm đó là:
Thứ nhất, đẩy mạnh việc học tập, quán triệt các quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, trước hết là cán bộ chính quyền. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận cho tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước từ trung ương đến cơ sở xã, phường, thị trấn; trong hoạt động của chính quyền các cấp, các ngành. Điều này đã được Bác căn dặn: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các
Thứ hai, các chính sách của nhà nước biểu hiện bằng các quy phạm pháp luật phải đúng với đường lối, chủ trương, cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo của Đảng cầm quyền. Đặt biệt phải có sự tham gia ý kiến của quần chúng nhân nhân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp xã hội; xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Mặt khác, khi có chính sách đúng, cơ quan chính quyền, cán bộ thực thi nhiệm vụ phải biết làm “dân vận khéo” bằng sự tổ chức, điều hành, giải quyết các vấn đề theo đúng quy định pháp luật, thấu tình đạt lý và có trách nhiệm với nhân dân. Có nghĩa là, phải biết kết hợp công tác quản lý, điều hành với việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục; có như vậy mới được nhân nhân dân đồng tình và hăng hái thực hiện.
Thứ ba, mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc triển khai xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ở các loại hình: xã, phường, thị trấn; trong cơ quan hành chính, sự nghiệp; trong công nhân lao động và mở rộng ra các loại hình mới. Thực hiện tốt cơ chế kiểm điểm, phê bình trước dân; để nhân dân mạnh dạn góp ý, giám sát hoạt động của các cơ quan, cán bộ chính quyền. Đồng thời tăng cường thông tin, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thực hiện đầy đủ các nội dung công khai minh bạch theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Qúa trình thực hiện cần có sơ, tổng kết; biểu dương và nhân rộng mô hình, điển hình. Các cơ quan chính quyền phân công cán bộ theo dõi về công tác Dân vận.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nâng cao chế độ trách nhiệm của người đứng đầu, giải quyết nhanh, hiệu quả công việc của tổ chức và công dân; thường xuyên giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức, cái tâm của đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là công bộc của dân. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, kiên quyết làm trong sạch bộ máy chính quyền; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm thái độ, hành vi vi phạm dân chủ, xem thường quần chúng. Đổi mới lề lối làm việc, phục vụ nhân dân; phải gần dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân; phòng tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh hành chính, nhũng nhiễu nhân dân. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Hễ Chính phủ nào mà có hại cho dân, thì dân chúng phải đập đổ Chính phủ ấy đi, và gây nên Chính phủ khác”.
Thứ năm, tăng cường mối quan hệ, xây dựng Quy chế phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội. Một mặt, thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể để tuyên truyền, động viên đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách. Mặt khác, qua hoạt động thực tiễn, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thu thập, phản ánh những ý kiến của đông đảo nhân dân về tính “sát thực” của các chủ trương, chính sách đó. Các cấp chính quyền còn quan tâm, phối kết hợp để giải quyết tốt, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân.
Thứ sáu, tập trung phát triển kinh tế-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, nhất là các hộ đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư, trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” với phong trào thi đua yêu nước; xem nội dung công tác dân vận chính quyền là một trong những tiêu chí khen thưởng hàng năm cho các địa phương, đơn vị.
Bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đại diện cho nhân dân để quản lý nhà nước. Cán bộ nhà nước do dân cử ra và giám sát. Mọi hoạt động của Nhà nước xét đến cùng là nhằm phục vụ cho lợi ích chính đáng của nhân dân. Thực chất của công tác dân vận chính quyền là phát huy dân chủ, huy động sức mạnh toàn dân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; là thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân; không ngừng củng cố bộ máy chính quyền trong sạch vững mạnh, chăm lo xây dựng đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Viên Hồng Tiến