Trong căn nhà gọn gàng xinh xắn, bên cạnh những bức tranh phong cảnh hài hòa mang đậm nét dân dan của các miền quê của đất nước là tấm bảng đen với những dòng chữ ngay ngắn, còn nguyên nét phấn để luyện chữ đẹp cho các em. Nhìn những con chữ dễ thương như đang mỉm cười với đàn em nhỏ thật đáng yêu ấy làm cho chúng tôi liên tưởng tới cách đây 3 năm, cô giáo trẻ Trịnh Thị Thanh Tâm đã mang vinh dự về cho ngành Giáo dục-Đào tạo tỉnh Đồng Nai nói chung và bậc tiểu học nói riêng.
Đó là vào năm 2002, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lần đầu tiên Hội thi viết chữ đẹp bậc tiểu học cấp quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh. “Mang chuông đi đánh xứ người” lần ấy có đại biểu của 24 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam . Mỗi nơi cử 3 giáo viên viết chữ đẹp nhất để tranh tài, riêng thành phố mang tên Bác thì đông hơn: 4 người. Cô giáo Thanh Tâm vào dịp ấy vừa đang chuẩn bị đi thi thì cậu con trai mới hai tuổi, lâm bệnh phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Nhi của tỉnh. Sát giờ thi, anh Công-chồng cô phải thu xếp thời gian xin nghỉ cơ quan để làm tài xế chở vợ từ Đồng Nai về thành phố cho kịp giờ thi. Thật hồi hộp và lo lắng đan xen, trong khi mẹ đang đua sức nhưng tâm trạng cứ rối bời nghĩ đến đứa con đang nằm viện, chỉ mong cuộc thi mau chóng qua đi để về chăm sóc con. Nhưng với bản lĩnh nghề nghiệp cộng với danh dự và trách nhiệm lớn lao trước tập thể không cho phép cô dễ dãi bỏ cuộc. Và kết quả đã đến mang lại niềm vui và vinh dự cho cả đoàn. Đó là khi Ban tổ chức công bố kết quả cuộc thi: tặng giải 3 và một trong 5 giải viết bảng đẹp nhất cho thí sinh Trịnh Thị Thanh Tâm, trong tiếng vỗ tay và ánh mắt chào đón của đồng nghiệp cùng quan khách.
Qua lần cọ sát ấy, cô giáo trẻ Thanh Tâm trưởng thành thêm một bước nhờ thu được bài học thực tế quý giá. Và từ đó tới nay, mỗi khi cầm viên phấn đưa lên bảng, cô luôn ý thức rằng mình không được phép dễ dãi trong từng nét chữ.
Những năm sau này kể từ khi đạt giải, vào các dịp nghỉ hè, cô giáo Tâm có phần bận rộn không kém vì ngoài công việc chăm sóc gia đình, cô còn được Ban giám đốc Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh mời tham gia rèn chữ cho các em. Khá đông cha mẹ, ông bà đã nhiệt tình đến đây gửi con, cháu họ vào để được rèn luyện cho nét chữ thêm duyên dáng. Bởi theo họ, nét chữ không đơn giản là một hình thức giao tiếp mà nghĩ rộng và sâu hơn, nó còn là một thông điệp thể hiện nhân cách con người.
Qua trao đổi với chúng tôi, cô giáo Tâm đã chân thành biểu lộ suy nghĩ của mình:” Tôi thực sự phấn khởi khi thấy những học sinh được mình trực tiếp rèn luyện chữ viết đều ngày một tiến bộ hơn, khá nhiều em có triển vọng. Tôi mong muốn được đóng góp chút kinh nghiệm nhỏ để giúp các em đi từ những trang vở tập viết bằng nét chữ xinh xinh để mai kia có trang đời thật đẹp. Đó chính là điều mong muốn góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt-một tài sản quý giá của ông cha truyền lại cho chúng ta”.
Nguyễn Quốc Hoàn