Luật đất đai (sửa đổi) là một đạo luật quan trọng, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và người dân, một số nội dung có liên quan dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Cùng với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, thì dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ là 2 dự luật quan trọng dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa 13. Đánh giá được tầm quan trọng của Luật đất đai (sửađổi), để chuẩn bị những bước đệm tốt nhất cho Luật đất đai khi thông qua sẽ giải quyết dứt điểm những khó khăn, tồn tại hiện nay cũng như thể hiện được ý chí của toàn dân, Ban Công tác đại biểu đã tổ chức Hội nghị tập huấn Phân tích chính sách đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và vai trò của đại biểu dân cử.
Tại Hội nghị, rất nhiều ý kiến đại biểu đưa ra về giá đất , với khung giá của nhà nước hiện tại thì rất khó thu hút đầu tư. Luận bàn về quy hoạch sử dụng đất: Đại biểu cho rằng Quy hoạch sử dụng đất tổng thể phải thể hiện vai trò là quy hoạch khung cho các loại quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể phải chế định được những quy hoạch chi tiết, tránh tình trạng không đồng bộ giữa các loại quy hoạch sử dụng đất với nhau như hiện nay.
Hội nghị tập huấn phân tích chính sách đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và vai trò của đại biểu dân cử
Một vấn đề rất quan trọng hiện nay là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã: Xung quanh vấn đề này, quan điểm bỏ hay giữ lại quy hoạch sử dụng đất chi tiết cấp xã được bàn thảo rất nhiều. Vì thực tế hiện nay, nếu giao cho địa phương xã tự làm quy hoạch sử dụng đất thì không khả quan vì xét về yếu tố nhân lực lẫn tài lực thì cấp xã chưa thể đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên, việc cần có quy hoạch sử dụng đất chi tiết giao cho cấp xã quản lý là điều mà các đại biểu đều nhất trí cao. Do đó, các ý kiến chuyên gia cũng như đại biểu tham dự Hội nghị tập Huấn thống nhất cho rằng, tùy theo năng lực mà cấp huyện hay cấp tỉnh sẽ lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết và giao cho xã quản lý.
Các đại biểu nhấn mạnh rằng, những nguồn tài nguyên quý giá như đất đai thì cần tập trung quyền quản lý về cơ quan quyền lực cao nhất (cấp Quốc gia) nhằm định hướng tổng thể trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai.
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa có bước đột phá. Về vấn đề sở hữu đất đai, theo như dự thảo xác định đất đai là sở hữu toàn dân, tuy nhiên vấn đề sở hữu toàn dân mang nội hàm rất lớn, khó hiểu và khó xác định sở hữu. Xét về khía cạnh lịch sử, ở Việt Nam, không có khái niệm "sở hữu toàn dân" mà khái niệm này du nhập từ một số nước trên thế giới, nếu giữ đất đai là sở hữu của toàn dân thì vô hình chung biến quyền về tài sản của người dân về đất đai trở nên vô cùng mong manh, khó xác định, gây tâm lý bất an trong nhân dân, vì hiện tại, mục đích quy hoạch sử dụng đất người dân còn rất mơ hồ, công trình nào thuộc diện thu hồi đất, công trình nào thuộc diện ưu tiên đầu tư…do đó nếu đất đai thuộc sữu toàn dân thì người dân sẽ không biết sẽ thu hồi khi nào, chính sách ra sao… Nên chăng chúng ta công nhận sở hữu tư nhân trong đất đai như kinh nghiệm một số nước phát triển hiện nay trên thế giới? - theo như ý kiến của chuyên gia tham dự Hội nghị.
Ông Trương Văn Vở - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng: Giữa Quy hoạch tổng thể nền kinh tế với Quy hoạch sử dụng đất chưa thống nhất, chưa đồng bộ. Cách nhìn nhận, cách hiểu khái niệm từng loại quy hoạch còn khác nhau, không rõ ràng do đó còn xảy ra tình trạng mâu thuẩn trong thực hiện các loại quy hoạch
Về phân cấp quyền đại diện chủ sở hữu đất đai: Chúng ta cần thiết phân quyền lại, hạn chế giao quyền quá nhiều cho địa phương như hiện tại. Nếu như theo Luật Đất đai 2003 thì do cơ chế thu hút, "trải thảm" cho nhà đầu tư, chúng ta đã phân cấp quyền đại diện chủ sở hữu cho địa phương quá rộng. Tuy nhiên, với thời đểm hiện tại, nhằm đảm bảo thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể nền kinh tế cũng như các loại quy hoạch khác một cách đồng bộ và đúng hướng thì cần thiết phải nghiên cứu, phân cấp lại quyền đại diện chủ sở hữu về những đầu mối cốt yếu và đại diện cao nhất cho ý chí của nhà nước trong việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Về vấn đề xây dựng khung giá đất: Giá đất hiện nay tồn tại rất nhiều vấn đề, tỉ lệ khiếu kiện của người dân liên quan đến giá đất rất cao. Hiện nay, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng giá đất, không có sự tham vấn của người dân trong quá trình xây dựng khung giá. Việc này có phần áp đặt và gây nhiều bất bình trong nhân dân về quy trình ban hành khung giá đất. Tuy trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này có nhiều thay đổi tích cực nhưng cũng chưa có đột phá. Các đại biểu kiến nghị, trong việc xây dựng khung giá đất, UBND cấp tỉnh nên có nhiều hình thức xin ý kiến tham vấn của đông đảo nhân dân.
Với những nội dung phân tích chuyên sâu của các chuyên gia hàng đầu về đất đai và ý kiến tham luận của những đại biểu Quốc hội có tâm huyến trong lĩnh vực đất đai, Hội nghị đã kết thúc với rất nhiều ý kiến được ghi nhận, làm cơ sở cho quá trình góp ý và cân nhắc thật kỹ việc thông qua hay chưa thông qua Luật đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội tới đây.
(Bài, ảnh: Đức Nhuận)