*Về Quy hoạch tổng thể các dự án thủy điện, ĐBQH Trần Văn Tư - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng việc rà soát, loại bỏ các dự án thủy điện không đủ cơ sở pháp lý theo như báo cáo của Chính phủ là việc làm rất cần thiết và hợp lòng dân. Đại biểu nhấn mạnh, tuy đã rà soát loại bỏ các dự án thủy điện không đủ điều kiện nhưng hệ quả, thiệt hại về mặt kinh tế xã hội, về mặt tài nguyên thiên nhiên là điều không tránh khỏi. Ông đề nghị Chính phủ, các bộ ngành và cơ quan có liên quan cần xem xét và tránh tình trạng lặp lại trong thời gian trước mắt và lâu dài.
ĐBQH Trần Văn Tư - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai (phải) -Tổ trưởng tổ thảo luận và ĐBQH Trương Văn Vở - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ĐN ( trái - phát biểu)
Đồng quan điểm trên, ĐBQH Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai rất phấn khởi khi Chính phủ chỉ đọa rà soát loại bỏ các dự án thủy điện không đủ cơ sở pháp lý xây dựng khỏi quy hoạch điện lực Quốc gia, trong đó có 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A.
Ông quan tâm đến công tác sau rà soát của Chính phủ, theo đó thì sau rà soát loại bỏ các dự án thủy điện, Ủy ban thường vụ Quốc hội có chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường soạn thảo Nghị quyết về công tác xử lý sau rà soát. Theo đại biểu Trương Văn Vở, với trách nhiệm của người đại biểu dân cử, các ĐBQH cần phải xem xét và có tiếng nói trước Quốc hội để khi có hiệu lực thì Nghị quyết về công tác xử lý sau rà soát sẽ khắc phục tốt nhất những thiệt hại do các công trình thủy điện không đủ điều kiện bị loại bỏ gây ra.
Qua đây, đại biểu cũng đặt vấn đề về trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc lập, trình và phê duyệt các dự án thủy điện. Tránh tình trạng các dự án thủy điện tràn lan, quy trình quy hoạch dự án thủy điện vi phạm công tác bảo vệ, phát triển rừng; không quan tâm đến việc vi phạm luật bảo vệ môi trường; phải tuyệt đối tuân theo Nghị quyết 49/2010/QH12 về về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
*Về Dự án Luật Công chứng sửa đổi, Các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
ĐBQH tỉnh Đồng Nai - Nguyễn Công Hồng, cho ý kiến về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi)
Vấn đề độ tuổi của công chứng viên được quy định tại Khoản 3, Điều 74 được rất nhiều các đại biểu quan tâm và cho ý kiến.
Đồng quan điểm với nhau, các đại biểu Phạm Thị Hải, Hồ Văn Năm, Nguyễn Công Hồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng không nên quy định độ tuổi làm việc của công chứng viên là 65 tuổi không phân biệt nam, nữ. Vì chúng ta xác định ngành nghề công chứng có thể vừa là tổ chức hành nghề xã hội, cũng có thể thể là cơ quan nhà nước, do đó nếu quy định độ tuổi như thế thì sẽ không đồng bộ với Luật Viên chức, Bộ Luật lao động nếu công chứng viên đó thuộc biên chế của cơ quan nhà nước. Mặt khác, các đại biểu cho rằng, nếu xác định đây là một tổ chức hành nghề xã hội (như luật sư) thì công chứng viên khi năng lực vẫn còn đáp ứng thì vẫn có thể làm việc mà không cần quan tâm đến độ tuổi như xác định trong dự thảo.
Đại biểu Phạm Thị Hải đề nghĩ cần làm rõ cơ chế, phương thức chuyển nhượng văn phòng công chứng tại Điều 40
ĐBQH Phạm Thị Hải - Đoàn Đồng Nai, phát biểu về Chuyển nhượng văn phòng công chứng tại Điều 40.
Về vấn đề chuyển nhượng văn phòng công chứng, ĐBQH Hồ Văn Năm - Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai đề nghị quy định không chuyển nhượng văn phòng công chứng để tránh tình trạng dựa vào quan hệ để dể dàng mở văn phòng công chứng rồi sao đó tùy tiện chuyển nhượng để hưởng chênh lệnh phí chuyển nhượng, như thế sẽ làm cho chất lượng các văn phòng công chứng không đảm bảo.
Không nên cho phép chuyển nhượng văn phòng công chứng - Quan điểm của ĐBQH tỉnh Đồng Nai - Hồ Văn Năm, Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai
ĐBQH Trần Văn Tư - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ có những văn phòng công chứng ở vùng xâu, vùng xa để người dân còn nhiều khó khăn ở những vùng này dể dàng tiếp cận với dịch vụ công chứng.
(Bài, ảnh: Đức Nhuận)