Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 71-T1&2-2011

Đánh giá một số kết quả thực hiện Nghị quyết 51/2005/NQ-HĐND về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006 - 2010.

Đăng ngày: 15/05/2013
 ​Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo đề án và Chủ nhiệm các chương trình đã tích cực xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các chương trình của đề án. Tuy nhiên, nhiều chương trình của đề án có tiến độ triển khai thực hiện chậm.   

​      ​Năm 2010 là năm cuối thực hiện các chương trình theo Đề án, nhưng việc đánh giá các chỉ tiêu, mục tiêu và việc thực hiện giải pháp của các chương trình chưa được tổng kết đầy đủ, thiếu cập nhập, chưa thống nhất về số liệu trong các báo cáo. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chưa được Ban chủ nhiệm của chương trình tổng kết đánh giá (Chương trình 3), một số chỉ tiêu đánh giá chưa cụ thể theo mục tiêu Đề án (Chương trình 2).

      Chương trình 1 được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch; nhiều chỉ tiêu đã thực hiện đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết, như: tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 42,66% (đạt 106% mục tiêu NQ); phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề tăng 546 giáo viên (đạt 160% mục tiêu NQ); số lượt giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng là 2004 lượt (đạt mục tiêu NQ); Các chỉ tiêu còn lại đều đạt tỉ lệ cao so với mục tiêu Nghị quyết (từ 95% trở lên). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có một số giải pháp của chương trình chưa triển khai hoặc triển khai còn hạn chế, cụ thể: Việc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động và nhân dân về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề; Công tác quy hoạch hệ thống nghề cần thiết trên địa bàn trong đó làm rõ nghề cần tập trung đào tạo bằng ngân sách và nghề cần xã hội hóa bằng nhiều hình thức đào tạo; Việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo theo các mô hình liên kết, đặt hàng, tín chỉ; vừa làm vừa học, đào tạo từ xa; tái đào tạo, đào tạo tại chỗ (qua các dự án chuyển dịch cơ cấu lao động).

      Ban chủ nhiệm chương trình 2 và các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện chương trình, cụ thể: hằng năm tiến hành thông báo xét tuyển hồ sơ rộng rãi, tiếp nhận hồ sơ, lập hội đồng xét duyệt, trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách học viên được tham gia chương trình. Số thí sinh được đưa đi đào tạo Thạc sỹ và CKI trong thời gian qua khá cao. Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban chủ nhiệm, trong giai đoạn 2006-2010 số lượng thí sinh được đào tạo theo chương trình 2, gồm 545 Thạc sĩ và CKI (Trong đó: Trong nước: 477; Liên kết: 60; Nước ngoài: 08); 66 Tiến sĩ và CKII (Trong đó: Trong nước: 62; Liên kết: 01; Nước ngoài: 03).

      Với kết quả đạt được trên, mục tiêu đến năm 2010 đưa đi đào tạo 400 Thạc sĩ và 100 Tiến sĩ là chưa đạt. Ngoài ra, trong số thí sinh được đào tạo theo chương trình thì lĩnh vực y tế và giáo dục chiếm tỉ lệ lớn (y tế 45,9%: chủ yếu là CKI, CKII; giáo dục 15,6%). Như vậy, mục tiêu đào tạo theo ngành nghề mũi nhọn, then chốt mà tỉnh định hướng, có nhu cầu chưa thực hiện được (mục tiêu: Y Dược: 6,6%; KH Tự nhiên: 21%; KH Kỹ thật: 25%; Nông nghiệp: 13,2%; KH XH&NV 20,6%; Kinh tế-quản lý: 11,2%; Nghệ thuật 1,8%).  Số lượng thí sinh đào tạo ở nước ngoài còn thấp ( đạt 14% so với mục tiêu Nghị quyết). Ban chủ nhiệm chương trình chưa tổ chức các lớp bồi dưỡng về ngoại ngữ và những môn học cần chuyển đổi nhằm bổ sung kiến thức cần thiết cho những người sẽ được đưa đi đào tạo. Vì vậy, trong thời gian qua có nhiều thí sinh không tham gia được là do chưa đạt trình độ về ngoại ngữ theo tiêu chuẩn của chương trình.

      Ban Chủ nhiệm chương trình 3 (do Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh làm Trưởng ban chủ nhiệm) đã tiến hành khảo sát nắm trình độ và nhu cầu đào tạo của cán bộ, công chức, viên chức nữ và chuyển mục tiêu, chỉ tiêu đến các chương trình liên quan. Tỉ lệ nữ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng hầu hết là đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết (Mục tiêu vào năm 2010, nữ cán bộ đưa đi đào tạo sau đại học đạt 35 %  tổng số người được đào tạo).

      Ban Chủ nhiệm chương trình 3 chưa tổng kết, đánh giá tỉ lệ nữ tham gia lãnh đạo và tỉ lệ nữ được đào tạo (đến thời điểm 2010) trong các tổ chức giáo dục, Y tế, văn hoá, xã hội và doanh nghiệp; cơ quan nhà nước, tổ chức Chính trị, tổ chức Chính trị xã hội. Vì vậy, nhiều nội dung, chỉ tiêu theo Đề án không đánh giá được, như: Phấn đấu để tất cả các tổ chức giáo dục, Y tế, văn hoá, xã hội và doanh nghiệp có 30 % lực lượng lao động nữ trở lên, phải có nữ tham gia Ban lãnh đạo; Phấn đấu đến năm 2010, có 50 % cơ quan nhà nước, tổ chức Chính trị, tổ chức Chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở có nữ tham gia Ban lãnh đạo; Giáo dục: cán bộ nữ tham gia Ban giám hiệu, công đoàn, tổ bộ môn; đảng viên nữ chiếm 30%; Nữ cán bộ, công chức lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh đạt chuẩn: Trung cấp lý luận chính trị trở lên; Biết sử dụng ngoại ngữ, tin học phục vụ công tác chuyên môn; Có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng.

     Theo báo cáo của Sở Nội vụ, Chủ nhiệm chương trình 4-đào tạo bổ sung nguồn nhân lực cho hệ thông chính trị qua 04 năm thực hiện cho thấy, các ngành chức năng đã có những nỗ lực trong việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức ở 03 cấp tỉnh, huyện, xã và đã đạt được những kết quả nhất định. Đã đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, chính trị, tin học, ngoại ngữ cho 23.569 cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, xã. Đây là lực lượng cán bộ, công chức chủ yếu bổ sung cho hệ thống chính trị của tỉnh, nhất là cấp cơ sở. Chỉ tiêu về trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức chuyên viên cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100% kế hoạch. Tuy nhiên nhìn tổng thể chương trình thì hầu hết các chỉ tiêu của chương trình 4 đều không đạt so với kế hoạch đề ra, cụ thể: chỉ tiêu đào tạo CBCC về chuyên môn nghiệp vụ ở cấp xã, chỉ tiêu bồi dưỡng kiến thức QLNN, tin học, ngoại ngữ, lý luận chính trị ở cả 3 cấp chỉ đạt từ 35-70% kế hoạch.

     Các nội dung đào tạo của chương trình 5- Đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu do Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo làm Trưởng ban đều đã được các cơ quan phụ trách phối hợp với các sở ngành liên quan triển khai thực hiện theo đúng mục tiêu, giải pháp. Các lớp đào tạo theo chương trình đã đạt kết quả đáng khích lệ; học sinh tham gia chương trình được tuyển chọn, đào tạo theo đúng kế hoạch và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi cấp tỉnh, cấp toàn quốc. Ban chủ nhiệm chương trình 5 đã thực hiện tương đối tốt công tác phối hợp giữa các ngành liên quan trong việc tuyển chọn, đào tạo học sinh năng khiếu cho các chương trình. Hiện nay, các lớp đào tạo năng khiếu: Tin học trẻ, thiết kế mô hình Robot, năng khiếu ngoại ngữ mới chỉ triển khai được ở 03/11 huyện, TP, TX (đạt tỉ lệ 27% so với kế hoạch); Chương trình Đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ có triển khai thực hiện, đến nay các em học sinh được đào tạo đã ra trường nhưng mục tiêu định hướng cho các em vào các trường đại học chuyên ngành tỉnh cần chưa thực hiện được.

      Cán bộ, công chức được cử đi đào tạo kiến thức đối ngoại, tin học theo Chương trình 6 do Giám đốc Sở Nội vụ làm Trưởng ban chủ nhiệm đạt tỉ lệ cao. Hầu hết CBCC đều biết sử dụng các chương trình tin học văn phòng và có khả năng sử dụng các phần mềm phù hợp chuyên môn theo hướng dẫn. Tuy nhiên, Cán bộ công chức được cử đi đào tạo về ngoại ngữ còn thấp, khả năng giao tiếp thông thường và khai thác tài liệu nước ngoài phục vụ công tác chuyên môn còn hạn chế; Công tác đào tạo phiên dịch chuyên trách và bán chuyên trách đạt tỉ lệ thấp so với kế hoạch.

      Qua những kết quả đạt được và những hạn chế tồn tại nêu trên của các chương trình, tại buổi làm việc với các Trưởng ban Chủ nhiệm các chương trình, Ban VHXH HĐND tỉnh đã đề nghị Ban chỉ đạo Đề án và Ban chủ nhiệm các chương trình có sự tổng kết, đánh giá cụ thể, đầy đủ các chương trình Phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn 2006-2010 đã triển khai thực hiện theo Nghị quyết 51/2005/NQ-HĐND ngày 21/7/2005 của HĐND tỉnh; xác định nguyên nhân của kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn. Từ đó, rút ra những kinh nghiệm để xây dựng chương trình “Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2020” một cách hiệu quả, thiết thực.

                                                                           Nguyễn Thu Hiền