ĐBQH Phạm Thị Hải chất vấn tãi hội trường
Đại biểu Phạm Thị Hải chất vấn bộ trưởng Bộ VHTTDL vì sao ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa tìm được những giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng ngành du lịch và liệu rằng đến năm 2020 ngành du lịch Việt Nam có thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có vị trí xứng đáng trong khu vực như Nghị quyết 52 của Quốc hội đã đề ra. Đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của ngành và của cá nhân trong vấn đề này.
Trả lời phần chất vấn trên, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh cho rằng du lịch Việt Nam đang phát triển trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế nước ta vẫn còn khó khăn. Ngành du Du lịch Việt Nam trong thời gian vừa qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ của nhân dân các cấp, các ngành đã có những tiến bộ nhất định và phục hồi trong 4 tháng trở lại đây sau 13 tháng suy giảm liên tiếp. Năm 2015, du lịch Việt Nam đạt gần 8 triệu lượt khách, thu về gần 15 tỷ USD.
Để phát triển du lịch trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng cần giữ vững và phát huy các thế mạnh của du lịch Việt Nam như thể chế chính trị, xã hội ổn định; danh lam thắng cảnh phong phú, đa dạng; cộng đồng 54 dân tộc anh em đoàn kết với bản sắc văn hóa vô cùng phong phú; ẩm thực ngon và nguồn thực phẩm nhiệt đới dồi dào; người dân thân thiện, mến khách…Bên cạnh đó, để phát triển du lịch, Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng cường đóng góp khu vực dịch vụ trong đó có du lịch; thúc đẩy các ngành bổ trợ cho du lịch phát triển; giải quyết tốt vấn đề lao động; tích cực bảo toàn và phát triển các di tích lịch sử, di tích quốc gia và tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước.
Về cơ chế, chính sách, Bộ VHTTDL sẽ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật du lịch để phù hợp với điều kiện thực tế và khắc phục những bất cập hiện nay.
Đức Nhuận.