Quang cảnh hội nghị
Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) có 9 chương, 75 điều bao gồm các quy định về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan trong hoạt động kiểm toán...
Cơ bản các đại biểu tham dự Hội nghị thống nhất với Dự thảo luật và Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị quy định rõ về thời hạn tối đa và tối thiểu cho hoạt động kiểm toán nhà nước, cần rà soát quy định về đối tượng kiểm toán nhà nước vì quy định như dự thảo hiện nay lá quá rộng và còn chung chung, điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhà nước có quy mô vốn nhỏ và tổ chức bộ máy kiểm toán nhà nước thêm cồng kềnh, phát sinh thêm nhiều chi phí để tổ chức thực hiện hoạt động kiểm toán.
Có ý kiến đại biểu cho rằng hoạt động của kiểm toán nhà nước hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc "sao chụp" tính đúng sai mà công tác hậu kiểm chưa thực sự phát huy hiệu quả vì chưa chú trọng đưa ra những kiến nghị, đề xuất sửa đổi các chính sách và pháp luật có liên quan sau kết quả kiểm toán.
Đại biểu đề nghị Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước khi được thông qua lần này phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan kiểm toán nhà nước trong việc giúp Quốc hội và ĐBQH nắm rõ các thông tin, số liệu báo cáo mang tính chuyên ngành trước khi ĐBQH "nhấn nút" thông qua các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến thu chi ngân sách nhà nước...
Nhiều ý kiến đề nghị Ban soan thảo Dự án luật tiến hành rà soát để có những quy định phù hợp với Hiến pháp năm 2013 nhất là các quy định về tổ chức bộ máy hoạt động của Kiểm toán nhà nước.
Ý kiến góp ý của đại biểu tham dự Hội nghị sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp và báo cáo Quốc hội làm cơ sở xem xét, thông qua vào kỳ họp sắp tới./.
Đức Nhuận