Qua góp ý, các ý kiến nhất trí với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Khí tượng thủy văn nhằm tạo ra bước thay đổi mang tính toàn diện trong công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn, bảo đảm các biện pháp quan trọng trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng con người và tài sản xã hội, góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của quốc gia.
Về tên của Dự án luật, đề nghị bổ sung tên Dự án luật thành Dự án "Luật Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu". Vì trong Dự thảo Luật có Chương V quy định các nội dung có liên quan đến biến đổi khí hậu (từ Điều 33 đến Điều 36). Mặt khác, hiện nay, Thông tư số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV ngày 28/8/2014 của Liên bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong đó, có Phòng Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu.
Góp ý về nội dung quản lý khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn (Chương II), tại Điều 12 (Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của Bộ, ngành, địa phương), có ý kiến đề nghị qui định rõ Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng khi có nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo mục đích riêng nhằm tạo sự thống nhất và thể hiện vai trò đầu mối của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong lập kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn.
Cho ý miến về quan trắc khí tượng thủy văn, nhiều đơn vị đề nghị quy định về cơ quan nào có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá chất lượng thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn và quy định rõ thời điểm kiểm tra, đánh giá chất lượng thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn trước khi được cung cấp về hệ thống quốc gia. Về Thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn (Điều 14), có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 14 một khoản quy định quy mô, diện tích đất phục vụ xây dựng trạm khí tượng thủy văn, trình tự, thủ tục, nguồn kinh phí xây dựng và cơ quan phê duyệt.
Tại Điểm b, Khoản 2 - Tổ chức, cá nhân tự quyết định việc thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo nhu cầu riêng, đề nghị bổ sung quy định việc thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước và quy hoạch trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của địa phương và tại Khoản 4 - Việc di chuyển trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập trạm quyết định và thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường; Điểm d, Khoản 5 - Cơ quan, tổ chức, cá nhân quyết định thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng quyết định việc giải thể trạm khí tượng thủy văn thuộc quyền quản lý và thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ "Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan đến việc di chuyển trạm" để xác định trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi đặt trạm khí tượng thủy văn.
Về nội dung yêu cầu về kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn quy định tại Điều 19, Tại khoản 2, đa số ý miến đề nghị quy định rõ các thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chưa có điều kiện kiểm định, hiệu chuẩn hoặc không thuộc danh mục thiết bị quan trắc phải kiểm định quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Luật này nếu có hồ sơ về nguồn gốc xuất xứ, đặc tính kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì tạm thời được đưa vào sử dụng, khi có điều kiện hoặc yêu cầu của cơ quan chức năng có liên quan thì tiến hành kiểm định, hiệu chuẩn. Quy định như vậy để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, dể thực hiện và thống nhất trong kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc.
Đối với nội dung dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn (Chương III), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung các hình thức xử lý vi phạm trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn vì mặc dù dự thảo đã quy định tại Khoản 2, Điều 21 “Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải chịu trách nhiệm về bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do mình ban hành” nhưng quy định trách nhiệm chưa rõ ràng, đề nghị quy định làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong tương ứng với từng giai đoạn như: quan trắc, đo đạc, cung cấp thông tin…Tại Khoản 3, Điều 25 - Điều kiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân: Quy định điều kiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn là "Cá nhân phải có chuyên môn chuyên ngành phù hợp..."; " Có cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp" như trong dự thảo luật là còn chung chung, khó hiểu, bởi vì không thể biết "phù hợp" theo chuẩn mực nào. Đề nghị quy định rõ và cụ thể, chi tiết Điều kiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn ngay trong Luật thay vì để Chính phủ quy định.
Về Quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn, ở Điều 50 (Trách nhiệm quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn), có ý kiến đề nghị quy định làm rõ trường hợp nào gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và tại Điều 52 (Trách nhiệm quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn của Uỷ ban nhân dân và cơ quan tài nguyên và môi trường các cấp) ghi nhận ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn của cơ quan tài nguyên môi trường các cấp, đồng thời làm rõ mối quan hệ giữa cơ quan tài nguyên và môi trường các cấp với các cơ quan, đơn vị khí tượng thủy văn của Trung ương đóng chân trên địa bàn tỉnh.
Đức Nhuận.