Đại biểu lo âu về tổ chức mạng lưới trường nghề
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13, khi thảo luận về Dự án Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề, nhiều ĐBQH cho rằng hiệu quả đào tạo nghề chưa như kỳ vọng, đào tạo nghề không bám sát nhu cầu thực tế của xã hội diễn ra trong thời gian vừa qua là do yếu kém trong việc quy hoạch, tổ chức mạng lưới trường nghề. Theo đại biểu Phạm Thị Hải (đoàn Đồng Nai) hiện nay có sự chồng chéo, trùng lắp trong quản lý các trường nghề giữa các bộ ngành với nhau (giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), đo đó để tăng cường hiệu quả công tác đào tạo nghề của các trường nghề thì cần thiết phải rà soát, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan có liên quan đến công tác đào tạo nghề.
ĐBQH Trương Văn Vở đã chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTBXH về điều chính quy hoạch mạng lưới trường nghề tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13.
Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị cần có cơ chế quản lý, điều chỉnh cơ sở dạy nghề theo quy hoạch theo hướng bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, của vùng kinh tế để tránh tình trạng cung trường nghề vượt cầu lao động như hiện nay.
Quan tâm đến Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề (Quy hoạch trường nghề), trong nội dung chất vấn của mình, đại biểu Trương Văn Vở cho rằng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) còn "nợ" việc điều chỉnh Quy hoạch trường nghề vì theo như nội dung trả lời chất vấn vào tháng 11 năm 2013.
Hoàn thiện quy hoạch trường nghề
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất về hệ thống đào tạo nghề trong cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và số trình độ thuộc khung trình độ quốc gia, làm cơ sở cho việc quy hoạch nhân lực nói chung và quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề nói riêng; trên cơ sở đó hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề đến năm 2020.
Theo Bộ LĐTBXH thì việc phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề đến năm 2020 phải quán triệt các nguyên tắc hạn chế việc thành lập mới các cơ sở dạy nghề công lập, tập trung chủ yếu việc nâng cấp các cơ sở dạy nghề hiện có; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở dạy nghề; thực hiện việc sáp nhập các trung tâm ở cấp huyện (trung tâm dạy nghề, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên) thành một trung tâm thực hiện các chức năng: dạy nghề, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm và hình thành các trường nghề chất lượng cao tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm.
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề là đáp ứng được nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất; chất lượng đào tạo đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55% vào năm 2020.
Cũng theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, mục tiêu đến năm 2015, trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có ít nhất 01 trường cao đẳng nghề và mỗi quận/huyện/thị xã có 01 trung tâm dạy nghề. Với 03 cấp trình độ đào tạo, thì mục tiêu số lượng trường nghề cả nước đến năm 2015 đạt 190 trường cao đẳng nghề, 300 trường trung cấp nghề và 920 trung tâm dạy nghề với 100 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, 30 nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và 26 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế. Mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 230 trường cao đẳng nghề, 310 trường trung cấp nghề; 1.050 trung tâm dạy với 150 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, 70 nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và 35 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế.
Riêng vùng Đông Nam Bộ (trong đó có tỉnh Đồng Nai), theo quy hoạch đến 2015 có 33 trường cao đẳng nghề, 44 trường trung cấp nghề và 125 trung tâm dạy nghề. Đến năm 2020 có 262 cơ sở dạy nghề, gồm: 43 trường cao đẳng nghề (trong đó có 09 trường chất lượng cao), 55 trường trung cấp nghề (trong đó 01 trường chuyên biệt dạy nghề cho người khuyết tật) và 164 trung tâm dạy nghề. Tập trung đào tạo 63 nghề trọng điểm (18 nghề cấp độ quốc tế, 22 nghề cấp độ khu vực và 43 nghề cấp độ quốc gia).
Về số lượng đào tạo, theo quy hoạch mạng lưới trường nghề của Bộ LĐTBXH thì đến năm 2015 số lượng đào tạo mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề khoảng 2,1 triệu người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng khoảng 7,5 triệu người. Giai đoạn 2016 - 2020 đào tạo mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề khoảng 2,9 triệu người ; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng khoảng 10 triệu người.
Để thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường nghề, bên cạnh các nhóm giải pháp về nguồn lực, nhân lực, hợp tác quốc tế...thì Bộ LĐTBXH đặc biệt quan tâm đến nhóm nhóm giải pháp về xã hội hóa dạy nghề. Theo đó, sẽ tập trung hoàn thiện các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, ưu đãi thuế cơ sở dạy nghề ngoài công lập; thực hiện đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các công ty liên doanh, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề, nhất là quá trình chuyển giao công nghệ, cải thiện các yếu tố về mặt pháp lý; đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Đức Nhuận