Quang cảnh tại điểm cầu Đồng Nai
Dự thảo Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm 9 chương với 183 điều, quy định về tổ chức đơn vị hành chính; tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt…
Các ý kiến đại biểu tham gia hội nghị cho rằng dự án Luật khi thi hành phải khắc sự được sự chồng chéo, cồng kềnh của các cấp chính quyền địa phương; phải khắc phục được tính hình thức trong hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND), nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp HĐND trong đó phải nâng cao chất lượng từ cơ cấu tổ chức, tiêu chuẩn và số lượng đại biểu HĐND; làm rõ cơ cấu, tổ chức, vai trò nhiệm vụ của thường trực HĐND. Có ý kiến đề nghị các chức danh trưởng phó ban HĐND và kể cả Chánh văn phòng HĐND đều cơ cấu thường trực HĐND. Đại biểu nghị nghiên cứu việc thành lập ban HĐND ở xã; nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến về vấn đề phân cấp, phần quyền, ủy quyền giữa cơ quan, bộ ngành trung ương với cấp chính quyền địa phương sao cho phù hợp với điều kiện của các cấp chính quyền địa phương . Về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, có ý kiến đại biểu đề nghị phải xác định tính chất của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, làm rõ trình tự, thủ tục thành lập, giải thể đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Trương Văn Vở - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai thống nhất với quy định theo hướng nơi nào có quyền lực thì có cơ quan giám sát quyền lực. Liên quan đến vấn đề phân định thẩm quyền chính quyền địa phương, đại biểu Vở cho rằng dự án luật phải quy định nhằm thể chế hóa điều 52 của Hiến pháp về nguyên tắc phân cấp phân quyền giữa trung ương với địa phương. Đại biểu đề nghị đối với bộ ngành trung ương thì thực hiện nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực được phân công thông qua việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện chính sách pháp luật, thực hiện chiến lược, quy hoạch thuộc trách nhiệm, thẩm quyền được giao, đối với địa phương thì thực hiện theo quy định Điều 11 của dự án luật với tinh thần địa phương làm tốt thì phân cấp cho địa phương, có biện pháp nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương, căn cứ vào tính đặc thù của các tỉnh, thành phố thuộc trung ương về tiêu chí quy mô, trình độ phát triển để xác định trách nhiệm và giao quyền cho địa phương gắn với từng nhiệm vụ cụ thể.
Đại biểu Trương Văn Vở đề nghị cần quan tâm xác định rõ trách nhiệm chính quyền các cấp, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng dầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng theo tinh thần thể chế hóa điều 56 của Hiến pháp nhằm nâng cao kỷ luật, kỹ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Những ý kiến, đóng góp tại hội nghị sẽ được Chính phủ tổng hợp, nghiên cứu, điều chỉnh nhằm hoàn thiện dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII.
Đức Nhuận