Thực tế cho thấy, công tác vệ sinh an toàn nông sản trên rau, quả còn một số vấn đề chưa giải quyết triệt để như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nitrate và nhiễm vi sinh vật; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất rau, quả như đường giao thông, thủy lợi, điện, hệ thống chợ bán buôn, kho bảo quản, … chưa đáp ứng đủ yêu cầu; trang thiết bị phục vụ cho sơ chế sản phẩm vẫn còn đơn giản và thô sơ, chưa đủ dụng cụ, nhà xưởng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; các sản phẩm rau, quả chủ yếu là tiêu thụ nội địa, tập trung ở trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, tỉnh Đồng Nai chưa ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất và chứng nhận VietGAP đối với rau, quả nhằm hình thành những vùng chuyên canh sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của hội nhập. Bên cạnh đó, trình độ quản lý, sản xuất rau quả của nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn thấp; chưa hình thành được hệ thống sản xuất - phân phối, tiêu thụ rau, quả phù hợp với sản xuất hàng hoá quy mô lớn và yêu cầu hội nhập.
Ông
Phạm Minh Đạo – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua Đề án
tại kỳ họp thứ 21
Để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn đến 2015 theo nội dung Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg ngày 30/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 59/2009/TT-BNNPTNT ngày 09/09/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg, góp phần đẩy nhanh việc triển khai Kế hoạch 97/KH-TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 26 của BCH Trung ương Đảng khóa X. Ngày 09/12/2010 HĐND tỉnh khóa VII – kỳ họp thứ 21 đã thông qua Nghị quyết số 200/2010/NQ-HĐND về hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau quả an toàn trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 đến năm 2015.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ thuộc Đề án là các chủ thể ( tổ chức, cá nhân) có tham gia đầu tư sản xuất trong vùng quy hoạch sản xuất rau, sơ chế quả an toàn theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh theo quy định; đồng thời có đăng ký áp dụng sản xuất theo VietGAP (riêng các doanh nghiệp thực hiện đầu tư, vay vốn và ngân sách chỉ hỗ trợ lãi suất). Tổng kinh phí hỗ trợ cho Đề án là 30.467 triệu đồng, trong đó hỗ trợ 100 % kinh phí (17.580 triệu đồng) để thực hiện các công việc như: xúc tiến thương mại; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP; chứng nhận sản xuất, sơ chế rau, quả an toàn theo VietGAP và hỗ trợ 50 % kinh phí (12.887 triệu đồng) để đầu tư xây dựng dựng kho bảo quản; nhà sơ chế rau, quả an toàn; trạm cấp nước phục vụ sơ chế; bể chứa chất thải vật tư nông nghiệp.
Việc triển khai Đề án trên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội lớn, nhằm bảo đảm ATVSTP, bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân, tăng cường năng lực cạnh tranh của nông sản hàng hóa.; tăng cường mối quan hệ và trách nhiệm của các chủ thể (4 nhà) đối với sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau quả an toàn; đồng thời thay đổi một bước quan trọng về tập quán, thói quen cho cả người sản xuất và người tiêu dùng đối với sản phẩm an toàn, góp phần thực hiện tốt việc bảo vệ tốt môi trường nông thôn.
Thùy Trang