Đây là dịp để Thường trực HĐND, UBND, thủ trưởng và cán bộ Pháp chế các Sở, Ban, ngành; Doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh; Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND, Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng phòng Tư pháp và công chức làm công tác văn bản các huyện, thị xã Long khánh và thành phố Biên Hòa cùng ngồi lại đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc công tác thi hành Luật trong thời gian qua, đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện Luật và xác định nhiệm vụ trong thời gian tới.
Đánh giá kết quả 7 năm thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND cho thấy: Thực hiện Quyết định số 4018/QĐ-BTP ngày 12/10/2011 của Bộ Tư pháp về ban hành kế hoạch tổng kết việc thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004, Thường trực HĐND và UBND tỉnh đã thống nhất nội dung, ban hành Kế hoạch số 180/KH-UBND của UBND tỉnh để triển khai thực hiện việc tổng kết thực hiện trên địa bàn tỉnh. Kết quả qua 7 năm qua, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành 706 văn bản QPPL (136 Nghị quyết, 509 Quyết định và 61 Chỉ thị); cấp huyện đã ban hành 1.651 văn bản QPPL (876 Nghị quyết, 656 quyết định và 119 Chỉ thị); cấp xã ban hành 9.981 văn bản QPPL (7.092 Nghị quyết, 2.626 quyết định và 263 Chỉ thị). Các văn bản QPPL được được ban hành trên cơ sở các quy định của pháp luật, kịp thời, có tính thống nhất và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương. Trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL được các ngành, các địa phương quan tâm và bám sát các quy định hiện hành để tổ chức thực hiện, hoạt động kiểm tra, giám sát VBQPPL được thực hiện thường xuyên giúp cho các cơ quan ban hành VBQPPL có trách nhiệm hơn trong xây dựng và ban hành. Qua đó tạo sự chuyển biến rõ nét so với trước khi có Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết 7 năm thi hành Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật của HĐND, UBND
Qua các báo cáo, tham luận và phát biểu của đại diện các sở, ngành, địa phương đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác ban hành văn bản QPPL, đó là: Tình trạng chưa tuân thủ triệt để quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục trong công tác xây dựng và ban hành VBQPPL; trong quá trình xây dựng và ban hành một số văn bản QPPL chưa được khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng dẫn đến chất lượng văn bản được ban hành phải bổ sung hoặc thay thế trong thời gian ngắn; một số cơ quan, đơn vị được phân công chưa đảm bảo tính chủ động trong thực hiện chương trình xây dựng văn bản QPPL hàng năm của HĐND và UBND; đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát VBQPPL còn thiếu, hoạt động kiêm nhiệm nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng văn bản. Nguyên nhân của những hạn chế xuất phát từ tình hình thực tiễn các quy định của Luật, các văn bản hướng dẫn chưa hoàn thiện. Mặc khác cũng có nguyên nhân từ việc sự quan tâm đầu tư vào công tác tham mưu xây dựng và ban hành văn bản QPPL chưa triệt để, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa thực sự chặt chẽ.
Nhằm rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế qua 7 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND, nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản QPPL trên địa bàn trong thời gian tới, thay mặt Chủ trì Hội nghị, ông Phạm Ngọc Tuấn , Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Văn phòng ĐĐBQH&HĐND tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các Sở, Ban, ngành tham mưu HĐND, UBND tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình ban hành văn bản QPPL năm 2012 theo Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2011 của HĐND tỉnh và Quyết định số 514/QĐ-UBND ngày 21/02/2012 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình xây dựng VBQPPL của UBND tỉnh Đồng Nai năm 2012; phối hợp với Sở Tư pháp thường xuyên rà soát và nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 68/2011/QĐ-UBND ngày 01/12/2011 của UBND tỉnh quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL của UBND các cấp tại tỉnh Đồng Nai.
Sở Tư pháp có trách nhiệm tiếp thu các góp ý, kiến nghị, đề xuất của đại diện các Sở, ngành, địa phương trình bày tại Hội nghị để chọn lọc các nội dung phù hợp bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo tổng kết chung của tỉnh gửi Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan để phục vụ công tác tổng kết thực hiện Luật trên toàn quốc. Tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra công tác xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND trong phạm vi toàn tỉnh; kịp thời kiến nghị, đề xuất Bộ Tư pháp bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND nhằm giải quyết các vướng mắc trong công tác xây dựng văn bản QPPL đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn đối với cán bộ làm công tác văn bản nhất là công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.
Lãnh đạo các Sở, ban, ngành cần đặc biệt quan tâm đối với công tác văn bản theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06 tháng 5 năm 2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ; Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản và Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND. Đảm bảo các điều kiện thiết yếu về các nguồn lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ xây dựng và ban hành VBQPPL. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trình độ theo quy định đối với cán bộ Pháp chế, đội ngũ làm công tác xây dựng văn bản QPPL.
Đối với các cán bộ làm công tác Pháp chế của cơ quan, đơn vị cần nâng cao trách nhiệm, chủ động và thường xuyên phối hợp với Sở Tư pháp trong việc xây dựng, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL. Khi phát hiện văn bản trái pháp luật phải kịp thời phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý. Lãnh đạo các Sở, ban, ngành chỉ đạo các phòng chuyên môn phải lấy ý kiến của bộ phận pháp chế trước khi gửi hồ sơ đến Sở Tư pháp, khi đề xuất đưa vào chương trình ban hành văn bản hàng năm phải bảo đảm tiến độ, nguồn lực xây dựng, hạn chế thấp nhất tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng văn bản QPPL. Thực hiện nghiêm túc trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL, nâng cao tính chủ động, đảm bảo đúng chương trình và quy trình xây dựng văn bản.
Đối với HĐND, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa đảm bảo thực hiện trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL của HĐND, UBND theo đúng quy định; chú trọng giai đoạn lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức liên quan, đối tượng tác động của văn bản, đồng thời thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra văn bản QPPL theo chức năng, thẩm quyền.
Khen thưởng các cá nhân có nhiều thành tích trong
phục vụ công tác tổng kết
Về trách nhiệm của HĐND tỉnh, Văn phòng ĐĐBQH&HĐND tỉnh tích cực tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện chức năng giám sát thực hiện văn bản QPPL theo thẩm quyền. Đồng thời tham mưu Thường trực, các Ban và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức giám sát tình hình, kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh trên địa bàn nhằm đảm bảo việc phát huy hiệu lực, hiệu quả của các Nghị quyết HĐND tỉnh đối với việc phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Sau Hội nghị tổng kết thi hành Luật tổ chức ở cấp tỉnh, báo cáo tổng kết của tỉnh Đồng Nai sẽ được gửi đến Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để phục vụ cho công tác tổng kết trong phạm vi toàn quốc.
Nguyễn Thị Oanh