Tính đến năm học 2009 - 2010, toàn tỉnh có 01 nhà trẻ và 882 nhóm trẻ với 15.805 cháu theo học, trong đó tỉ lệ các cháu ở nhóm trẻ ngoài công lập là 35%; 254 trường mẫu giáo với 88.612 cháu theo học, trong đó tỉ lệ các cháu ngoài công lập chiếm 37%. Tỉ lệ trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi ra lớp vượt chỉ tiêu Nghị quyết 40/2002/NQ-HĐND tỉnh, tỉ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt mục tiêu Nghị quyết. Hiện nay tất cả 171 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều có trường mầm non với 2.487 phòng học. Trong đó, phòng học kiên cố chiếm 34,5%, phòng bán kiên cố 58,2%, còn lại chỉ có 7,1% là phòng học tạm và mượn nhờ.
Việc thực hiện xã hội hóa đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non, số nhóm trẻ, trường mẫu giáo ngoài công lập phát triển mạnh đã góp phần đáp ứng nhu cầu ra lớp của các cháu trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh. Các trường mầm non của tỉnh thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới giai đoạn 2009-2012 của Bộ Giáo dục đạt tỉ lệ cao: 100% cháu nhà trẻ và 80% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được học bán trú tại trường; 100% trẻ đến trường được theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ và được khám sức khỏe định kỳ. Toàn tỉnh có 184 trường (72,4%) có đủ điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới; 98% các trường mầm non kết nối internet và 90% giáo viên biết ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, trong giáo dục mầm non vẫn còn 112 phòng học mượn và 67 phòng học tạm, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng sâu, khó khăn như: Định Quán, Tân Phú, Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu. Đây là tình trạng cần nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới vì nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 40 là ưu tiên đầu tư trường lớp, trang thiết bị cho các xã khó khăn, xã miền núi, xã nghèo để đến năm 2013 không còn xã không có trường mầm non và không còn trường mầm non xuống cấp, tạm bợ, nhờ mượn trên địa bàn tỉnh. Hệ thống trường, nhóm trẻ ngoài công lập chưa được quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng giáo dục. Vẫn còn nhiều nhóm, lớp hoạt động không được cấp phép và chất lượng chưa bảo đảm theo quy định (191 nhóm, lớp). Tuy ngành Giáo dục đã có sự quan tâm, đầu tư cho đội ngũ giáo viên mầm non về chất lượng, số lượng; tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh (đạt chuẩn 93%, trên chuẩn 30,6%) nhưng so với mục tiêu của Nghị quyết 40 thì tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn vẫn chưa đạt yêu cầu (mục tiêu giáo viên đạt chuẩn vào năm 2010 là 99%).
Đoàn
giám sát của Ban VHXH HĐND tỉnh tại buổi giám sát đối với Sở GD&ĐT trong
việc thực hiện Nghị quyết số 40/2002/NQ-HĐND
Để việc đầu tư, phát triển bậc học mầm non của tỉnh đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian tới, Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh đã có những kiến nghị đối với UBND tỉnh tiếp tục cho chủ trương hỗ trợ kinh phí tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, bảo mẫu, người nuôi dạy trẻ mầm non ngoài công lập; tăng chỉ tiêu đào tạo cho giáo viên mầm non hàng năm để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ ra lớp và chỉ tiêu giáo viên đạt chuẩn nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non cũng như giáo viên chưa đạt chuẩn hiện nay. Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa ưu tiên bố trí kinh phí hàng năm cho các dự án xây dựng, kiên cố hóa trường mần non đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm giải quyết tình hình thiếu trường lớp cũng như tình trạng xuống cấp của nhiều trường mầm non công lập trên địa bàn, góp phần xóa các phòng học mượn, phòng học tạm hiện nay ở một số huyện của tỉnh. Chỉ đạo việc dành quỹ đất, thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non đối với các huyện, thị xã, thành phố để bảo đảm việc thu hút trẻ em đi học trên địa bàn và tăng tỉ lệ trường mầm non đạt chuẩn trong giai đoạn tiếp theo 2010-2015.
Đối với Sở Giáo dục-Đào tạo, đoàn đề nghị rà soát lại số lượng, chất lượng của đội ngũ giáo viên mầm non để từ đó tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non hàng năm cho phù hợp thực tế, nhu cầu. Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ giáo dục mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn để từ đó tìm được những nguyên nhân, đưa ra những giải pháp kịp thời nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong tác đầu tư, phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn. Tăng cường hơn trong công tác quản lý, kiểm các trường, nhóm lớp ngoài công lập cũng như hỗ trợ về chuyên môn cho các cơ sở này nhằm bảo đảm quyền lợi, công bằng trong giáo dục cho mọi trẻ em. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non, nếu cần thiết xây dựng đề án kiến nghị HĐND, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non nhằm thu hút, ổn định đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non trong thời gian tới.
Kim Ngọc