Buổi chiều ngày 13/11/2013, dưới sự điều hành của của Phó chủ tịch Quốc hội -Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể về thủy điện và việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
ĐBQH Trương Văn Vở tham gia phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận tại Hội trường về Quy hoạch tổng thể về thủy điện - Kỳ họp thứ 6, QH 13.
Tham gia phát biểu về nội dung "Quy hoạch tổng thể về thủy điện", ĐBQH Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai bày tỏ sự đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về rà soát quy hoạch các công trình thủy điện. Đồng thời đại biểu Trương Văn Vở đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan khi đã báo cáo trước Quốc hội về quy hoạch thủy điện ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, môi trường sinh thái rừng.
ĐB Trương Văn Vở cho rằng cử tri Đồng Nai nói riêng, cử tri vùng hạ du lưu vực sông Đồng Nai rất vui mừng và trân trọng về kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Ông cho rằng Chính phủ đã có những quyết định đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân khi loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện bậc thang, trong đó có hai dự án Thủy điện Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A và 418 dự án thủy điện nhỏ do tác động tiêu cực lớn đến môi trường, xã hội.
Để đánh giá đúng thực trạng, có giải pháp phù hợp cho giai đoạn tiếp theo, đại biểu Vở thống nhất với Quốc hội là cần thiết phải ban hành Nghị quyết về kết quả rà soát quy hoạch đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện. Theo đó, đại biểu Trương Văn Vở kiến nghị Chính phủ cần quan tâm, bổ sung làm rõ vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội những vấn đề chủ yếu như sau:
Vấn đề thứ nhất, về đánh giá thực trạng ở Điều 1 của dự thảo nghị quyết của Quốc hội, đại biểu đề nghị bổ sung, xác định rõ diện tích đất rừng được chuyển đổi cho các công trình thủy điện vừa qua là thiếu chặt chẽ, vi phạm quy hoạch bảo vệ phát triển rừng cần rút kinh nghiệm trong công tác lập thẩm định và quản lý quy hoạch. Đồng thời phải quyết tâm khắc phục từ nay về sau. Nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường đối với quy hoạch dự án công trình thủy điện chưa đúng trình tự quy định pháp luật như chậm kiểm tra giải quyết phù hợp kịp thời.
Theo đại biểu, thời gian vừa qua, chúng ta chưa thực hiện nghiêm quy định về quy trình vận hành hồ chứa thủy điện nhưng chậm xử lý kiên quyết kịp thời. Về nguyên nhân chủ quan (ngoài nội dung dự thảo nghị quyết của Quốc hội đã nêu), đề nghị xác định rõ trách nhiệm của một số bộ, ngành, địa phương liên quan chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm được giao trong tham mưu, tổ chức thực hiện lập thẩm định quy hoạch.
Vấn đề thứ hai, những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới ở Điều 2 của dự thảo nghị quyết Quốc hội, đại biểu đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo việc cần phải thể hiện rõ trong Nghị quyết Quốc hội là loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện bậc thang. Trong đó có dự án Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A và 418 dự án thủy điện nhỏ; tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện, coi trọng cả 136 dự án tạm dừng, nếu không bảo đảm môi trường xã hội, ảnh hưởng tài nguyên rừng thì sẽ loại bỏ. Không nên xác định trong dự thảo nghị quyết là chỉ đầu tư sau 2015; khẩn trương ban hành đầy đủ quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, an toàn đập thủy điện và chế tài xử lý trách nhiệm cá nhân có lộ trình cụ thể, cần xác định trong dự thảo nghị quyết; xác định thời gian hoàn thành công tác trồng rừng thay thế, đặc biệt là rừng đầu nguồn, lưu vực sông, rừng đặc dụng. Đại biểu cho rằng cần kiên quyết ngăn chặn tình trạng "chặt cây sống trồng cây chết" vì không thể thay thế gỗ tự nhiên, thảm thực vật tự nhiên của rừng bằng rừng trồng, bằng gỗ cây tràm, cây keo.
Đại biểu đặc biệt nhấn mạnh rằng việc loại bỏ dự án thủy điện lần này nhưng sẽ không tái diễn cảnh xé lẻ để làm dự án nhỏ vì lợi ích kinh tế đơn thuần mà xem nhẹ môi trường sinh thái tự nhiên và đời sống nhân dân vùng hạ du trong đó có lưu vực sông Đồng Nai.
(Bài, ảnh: Đức Nhuận)