Tình trạng thiếu điện, cắt
điện luân phiên xảy ra đã gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân
và doanh nghiệp, đặc biệt tình trạng cắt điện không báo trước đã gây bức xúc
không những vì những thiệt thòi mà người dân phải gánh chịu, mà xa hơn nữa, đó
là một biểu hiện của sự thiếu công bằng giữa quan hệ người cung cấp và người sử
dụng điện. Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Khuyên- đại biểu HĐND tỉnh đơn
vị Cẩm Mỹ, ông Nguyễn Ngọc Thành-Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai
cho biết, bắt đầu từ tháng 4/2010, tập đoàn Điện lực
Việt Nam phân bổ sản lượng cho Điện lực Đồng Nai sản lượng trung bình tháng 6/2010 là 17,79 triệu KW giờ/ngày,
trong khi đó điện năng tiêu thụ của tỉnh Đồng Nai khoảng 19,5 triệu KW giờ/ngày,
có ngày nắng nóng lên đến 20 triệu KW giờ/ngày. Sự chênh lệch về năng lực cung
cấp với nhu cầu sử dụng đã dẫn đến tình huống cắt điện luân phiên. Cũng theo
ông Thành, việc thông báo lịch cắt điện đã được chú trọng thực hiện thông qua
các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và doanh nghiệp biết, chuẩn
bị. Việc cắt điện không báo trước chỉ xảy ra ở một số trường hợp: do sự cố lưới
điện, cây đổ làm đứt đường dây, khi có nhà máy điện gặp sự cố không đưa được
nguồn lên lưới điện, công suất hệ thống giảm đột ngột từ đó công ty bắt buộc
tắt khẩn cấp theo yêu cầu của điều độ cấp quốc gia, đây là những trường hợp bất
khả kháng do đó không thể báo trước. Tuy nhiên, qua chất vấn, với bất kỳ
lý do nào, việc xảy ra thiếu điện và cắt điện luân phiên do lỗi của ngành điện
và tiếp thu, có cố gắng hơn trong việc có những trường hợp không báo trước, sẽ
có kiểm tra chấn chỉnh, khắc phục tránh xảy ra lần nữa.
Một vấn đề khác liên quan chặt
chẽ đến đời sống sinh hoạt của nhân dân đã được đại biểu chuyển tải đến kỳ họp
lần này, đó là việc giá cả các mặt hàng trong đó có thức ăn chăn nuôi tăng cao
từ đầu năm 2010 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống nhân dân. Đại biểu Nguyễn
Thái Học-đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Xuân Lộc đã chất vấn về trách nhiệm của cơ
quan chức năng trong công tác bình ổn giá cả thị trường. Qua nội dung trả lời
của ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công Thương cho thấy, trung
bình từ đầu năm 2010 đến nay mặt hàng thức ăn chăn nuôi tăng giá 7 lần, tổng
cộng tăng 15%.Việc tăng giá do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giá nguyên
liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi (bắp, đậu tương, khoai mì) trong nước
tăng do giáp vụ, giá bắp (là loại nguyên liệu chiếm tỉ trọng khoảng 50% trong
thức ăn chăn nuôi) đã tăng khoảng 22,7%. Nguyên nhân khác là do ảnh hưởng giá
nguyên liệu nhập khẩu tăng, ngoài ra, Bộ Tài chính đã áp dụng biểu thuế nhập
khẩu mới từ ngày 01/01/2010 đã khiến trong nhóm thức ăn chăn nuôi, mặt hàng bắp
được điều chỉnh thuế từ 0% đã tăng lên 5% thuế. Ngoài ra, do nhà nước điều
chỉnh tỉ lệ ngoại tệ tăng 3,4% cũng khiến giá nhập khẩu tăng lên. Không chỉ do
nguyên liệu, các yếu tố khác như điện nước, xăng dầu…đều tăng từ đầu năm 2010.
Để giúp bà con yên tâm sản xuất chăn nuôi, ngành công thương đã chỉ đạo lực
lượng quản lý thị trường tập trung kiểm tra 14 mặt hàng thuộc diện bình ổn giá,
trong đó quan tâm xử lý nghiêm đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi. Giải pháp
bình ổn giá về lâu dài, ngành công thương đề nghị ngành nông nghiệp và phát
triển nông thôn phối hợp sở ngành, địa phương trong tỉnh xây dựng quy hoạch
vùng sản xuất tập trung cho nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thực hiện chuyển đổi
cơ cấu cây trồng vật nuôi để chuyển diện trồng cây ngắn ngày sang trồng ngô và
đậu tương để tăng tính chủ động về vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, bản thân hộ
chăn nuôi cũng nên hỗ trợ nhau liên kết dự trữ nguyên liệu, đồng thời hợp đồng
bao tiêu sản phẩm để tránh bất lợi khi có biến động giá.
Vấn
đề về môi trường là một chủ đề nóng hổi tại phiên chất vấn lần này, chiếm 5 trên
tổng số 11 câu hỏi chất vấn xoay quanh vấn đề môi trường. Cụ thể gồm tình trạng
cá bè chết hàng loạt tại phường Thống Nhất và Tân Mai thành phố Biên Hòa, ô
nhiễm môi trường tại Công ty Đồng Xanh thành phố Biên Hòa, công ty Kim Phong
huyện Nhơn Trạch, tại Suối Nước Trong
huyện Long Thành và việc đấu nối tuyến thoát nước ngoài KCN tại một số KCN trên
địa bàn tỉnh. Qua nội dung trả lời của cơ quan chức năng gồm Sở Tài nguyên
&Môi trường, Ban Quản lý các KCN, UBND thành phố Biên Hòa, Nhơn Trạch cho
thấy thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh
đã có nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, sau
thời gian đầu kêu gọi đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi đã khiến cho nhiều dự
án tiến hành và triển khai thực hiện mà không đáp ứng đủ các tiêu chí về bảo vệ
môi trường, trong đó có trường hợp công ty VEDAN. Đồng Nai là một tỉnh phát
triển công nghiệp hàng đầu, mà công nghiệp là đi cùng với chất thải, chính vì
thế mà công tác quản lý về môi trường thực sự là gặp rất nhiều thách thức. Điển
hình, nhiều nhà máy có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, tuy
nhiên chỉ vận hành khi có cơ quan chức năng đến kiểm tra, giám sát. Khi không
bị kiểm tra, nhiều doanh nghiệp đã lén xả chất thải chưa qua xử lý ra môi
trường. Việc kiểm tra, phát hiện và xử lý cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều
cấp, nhiều ngành. Bên cạnh công tác thanh kiểm tra và quan trắc theo dõi diễn
biến về môi trường, còn có trách nhiệm của ngành xây dựng trong việc triển khai
xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải, trách nhiệm của chính quyền các cấp
trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, trách nhiệm của ngành nông
nghiệp và phát triển nông thôn trong công tác quy hoạch chăn nuôi...và nhiều cơ
quan chức năng khác. Bên cạnh việc xem xét, đánh giá về chức trách của cơ quan
hữu quan, cần nghiêm túc đánh giá lại về trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp
luật về môi trường của người dân. Đối với vụ cá bè chết hàng loạt, không thể
không kể đến việc người dân do không tuân thủ quy trình, chất lượng thức ăn,
mật độ nuôi thủy sản nên đã góp phần tạo nên sự cố nói trên.
Như vậy, các vấn đề được đưa ra chất vấn tại
kỳ họp thứ 19 đều là những vấn đề bức xúc, nóng hổi và có tính thời sự. Tuy
nhiên, qua phiên chất vấn không thể không tự hỏi cách nào để giải quyết vấn đề
này từ bản chất, để đến phiên chất vấn sau không còn là nội dung gây bức xúc,
nóng hổi nữa. Trước hết, cần xác định việc mất cân đối trong cung-cầu điện là
việc chắc chắn sẽ tiếp diễn trong các mùa khô kế tiếp, nhưng nếu ngành điện lực
tích cực, chủ động, linh hoạt hơn trong việc điều hành kế hoạch phân phối điện
cho nhân dân, đồng thời có cách thức thông báo rộng rãi lịch cắt điện đảm bảo
hiệu quả thông tin cao hơn, sẽ góp phần bước đầu xây dựng nên cơ chế giao dịch
bình đẳng giữa bên cung cấp và bên tiêu thụ điện. Đối với việc bình ổn giá thị
trường càng là việc khó có thể dự đoán trước, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu
như hiện nay, đồng thời tình hình an ninh lương thực luôn tiềm ẩn những nguy cơ
biến động giá. Tuy nhiên, người dân vẫn trông đợi hơn đối với cơ quan nhà nước
trong việc thanh tra, kiểm tra, chống hàng gian hàng giả, hàng kém chất lượng,
đồng thời ban hành những chính sách quy hoạch vùng nguyên liệu và bao tiêu sản
phẩm hợp lý, đảm bảo tính ổn định của nền kinh tế quốc dân. Về vấn đề môi
trường, người dân thực sự tin rằng, nếu cơ quan chức năng tích cực hơn nữa
trong việc thanh tra, kiểm tra về môi trường, đẩy nhanh tiến độ bồi thường,
giải phóng mặt bằng các dự án liên quan đến xử lý môi trường, tăng tiến độ
triển khai thực hiện các quy hoạch, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền
giáo dục phổ biến kiến thức, pháp luật về môi trường cho nhân dân, có kế hoạch
chuyển đổi nghề nghiệp cho nhân dân các khu vực gây ô nhiễm môi trường, thì
chắc chắn môi trường sống sẽ từng bước được cải thiện.
Kim
Chung