(Ảnh - Hội nghị lấy ý kiến Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)
Các đại biểu tham dự hội nghị tập trung cho ý kiến các nội dung về nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; về văn bản quy định chi tiết; Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương (cấp huyện, xã); Về hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh và thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ trình; Hoạt động thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết…
Đại biểu cho rằng cần thiết phải xác định lại khái niệm VBQPPL theo hướng đơn giản, dễ hiểu. Đề nghị quy định rõ tiêu chí để xác định thế nào là “quy tắc xử sự chung” nhằm khắc phục tình trạng định nghĩa mang nặng tính học thuật, thiếu tính cụ thể, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau như các quy định trước đây, vì trên thực tế để xác định đâu là quy tắc xử sự chung là rất khó.
Về văn bản quy định chi tiết, ý kiến đại biểu đề nghị không quy định việc trình đồng thời văn bản quy định chi tiết với dự án luật như trong dự thảo luật vì sau khi ĐBQH cho ý kiến thì dự án án sẽ có những điều chỉnh nên các quy định chi tiết theo đó sẽ không còn phù hợp với dự án luật, thay vào đó, đại biểu kiến nghị nên quy định chế tài về thời hạn để cơ quan thẩm quyền quy định hướng dẫn chi tiết sau khi luật có hiệu lực thi hành để khắc phục tình trạng nợ đọng VBQPPL như hiện nay.
Đa số ý kiến đại biểu đề nghị không nên bãi bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp chính quyền huyện, xã vì quan điểm ở đâu có tổ chức chính quyền thì phải trao thẩm quyền ban hành VBQPPL để quản lý, điều hành và tổ chức kiểm tra, giám sát và cần quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL của từng cấp chính quyền cụ thể.
Vấn đề thẩm tra VBQPPL cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đại biểu đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan thẩm tra cũng như cơ quan trình VBQPPL, đảm bảo thẩm tra đúng quy trình, trong đó đặc biệt chú trọng đến đánh giá tác động của chính sách để việc thẩm tra bám thực tiễn và đạt hiệu quả cao. Đại biểu cũng đề nghị nâng thời hạn thẩm tra để cơ quan thẩm quyền có thời gian nghiên cứu, nâng chất lượng công tác thẩm tra…
Các ý kiến tham gia góp ý Luật ban hành VBQPPL sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, tổng hợp và gửi cơ quan thẩm quyền xem xét, phục vụ chương trình làm luật tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII
Đức Nhuận