Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 85-T6-2012

Một số hạn chế trong công tác quy hoạch cần được khắc phục

Đăng ngày: 05/06/2013
​Quy hoạch là một công cụ quản lý của cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm cho ngành, lĩnh vực, sản phẩm và lớn hơn là nền kinh tế phát triển theo mong muốn, bảo đảm hiệu quả cao nhất, bền vững và bảo vệ môi trường. Trong những năm qua, công tác lập quy hoạch đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện, các quy hoạch được phê duyệt là cơ sở quan trọng trong việc triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 5 năm và hàng năm.

​     Giai đoạn 2001-2010, có 75 quy hoạch được phê duyệt, trong đó 03 quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh; 11 quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện và 61 quy hoạch phát triển các lĩnh vực, ngành và sản phẩm chủ yếu. Giai đoạn 2011-2020, có 12 quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đang tiến hành lập, trong đó quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được thông qua Hội đồng thẩm định và hoàn chỉnh dự thảo lần 3 để trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, dự kiến trình Thủ tướng Chính Phủ trong quý III/2012; 39 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, trong đó 04 quy hoạch đã được phê duyệt, các quy hoạch còn lại đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành lập.

     Việc lập các quy hoạch đã được các cơ quan, đơn vị và địa phương căn cứ pháp luật hiện hành, các văn bản chỉ đạo của Chính Phủ và các Bộ, ngành Trung ương, và căn cứ tình hình, yêu cầu thực tế về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn. Sau khi các quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện theo quy định. Các quy hoạch đã được cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng vào kế hoạch 5 năm và hàng năm để triển khai thực hiện; định kỳ đều có sự đánh giá kết quả đạt được và những hạn chế, khó khăn để có kiến nghị UBND tỉnh hoặc kiến nghị Trung ương giải quyết, tháo gỡ. Các quy hoạch được lập theo trình tự, thủ tục quy định; nội dung các quy hoạch được thực hiện theo đề cương hướng dẫn và ý kiến đóng góp của các sở ngành, đơn vị liên quan. Các quy hoạch được xây dựng có đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của ngành và lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu để làm căn cứ đưa ra định hướng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

     Có thể nói, các quy hoạch được phê duyệt, thực hiện trên địa bàn đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn trong thời gian qua; thông qua thực hiện các quy hoạch nhiều công trình mới được xây dựng, nhiều tuyến đường giao thông được sửa chữa, nâng cấp và làm mới, tạo điều kiện tốt cho nhân dân địa lại và phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bộ mặt nông thôn được thay đổi theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu của địa phương có mục tiêu để phát triển, bền vững và bảo vệ môi trường. 

     Tuy nhiên qua triển khai, thực hiện các quy hoạch trong thời gian qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế sau: 

     Một, một số quy hoạch chưa có sự đồng bộ, thống nhất với nhau, dẫn đến trong thực hiện dự án đầu tư gặp khó khăn. Có dự án được căn cứ vào quy hoạch xây dựng để giới thiệu địa điểm, nhưng đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất thì không phù hợp; có dự án phù hợp với quy hoạch điểm dân cư nông thôn nhưng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất…v.v…dẫn đến trong thực hiện dự án, chủ đầu tư phải liên hệ với các địa phương để được điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, mất nhiều thời gian, thường phải xin gia hạn hoặc bị chậm thời gian so với quy định.

     Hai, chất lượng quy hoạch thấp. Thực tế nhiều dự án được căn cứ các quy hoạch để thực hiện, nhưng khi triển khai trên thực tế thì không thực hiện được do quy hoạch thiếu, quy hoạch có sai lệnh về diện tích, ranh giới…dẫn đến phải điều chỉnh cục bộ để phù hợp, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến các nhà đầu tư.

     Ba, một số quy hoạch ngành y tế định ra quy mô giường bệnh, số bệnh viện, phòng khám đa khoa phải đầu tư nhưng trong quy hoạch sử dụng đất các địa phương không cập nhật xác định vị trí đầu tư. Các quy hoạch ngành giáo dục, văn hóa, TDTT cũng có tình trạng tương tự.

     ​ Bốn, quy hoạch thường định hướng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với vốn đầu tư quá lớn, khó thực hiện đạt mức dự kiến do nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước được giao không tương xứng, thiếu vốn đầu tư để thực hiệt đạt các chỉ tiêu, mục tiêu quy hoạch.

     Năm, việc thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch còn bất cập, mỗi hồ sơ quy hoạch có một hội đồng thẩm định, dẫn đến tình trạng có quá nhiều hội đồng thẩm định quy hoạch. Quy định chưa nêu rõ trong giai đoạn thẩm định đề cương quy hoạch có cần thiết thành lập hội đồng thẩm định hay không. Bất cập trên dẫn đến các cơ quan, đơn vị, địa phương gặp khó khăn trong quá trình xây dựng, lập quy hoạch.

     Những nội dung bất cập, khó khăn trên cần được các cơ quan, đơn vị và địa phương nghiên cứu, có biện pháp khắc phục để kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đạt được cao hơn.

                                                                                 Quang Huy