Nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND tỉnh Đồng Nai được bố trí 11 đại biểu hoạt động chuyên trách trong số 80 đại biểu được bầu (tăng 03 đại biểu chuyên trách so với nhiệm kỳ trước), chiếm tỷ lệ 13,7%. Đây là kết quả từ việc Thường trực HĐND khóa VII nhiệm kỳ 2004-2011 có định hướng trong việc kiện toàn và xây dựng bộ máy HĐND phù hợp với xu thế hiện nay, đó là tăng cường số đại biểu dân cử hoạt động chuyên trách, giảm số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm để tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động của HĐND.
Có được tổ chức bộ máy HĐND hợp lý chưa đủ để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND mà cần phải tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của từng đại biểu. HĐND hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số tại kỳ họp. Vì vậy, đại biểu là nhân tố quan trọng bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung và năng lực thực hiện chức năng quyết định của HĐND nói riêng. Thực tế cũng cho thấy, năng lực của đại biểu chỉ có thể được phát huy khi đại biểu ý thức rõ được trách nhiệm, nắm vững các quy định của pháp luật, thể hiện bản lĩnh và vượt qua được những ràng buộc cá nhân trong quá trình hoạt động.
Quang cảnh Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Miền Đông Nam bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2011-2016 tại thành phố Hồ Chí Minh
Để đại biểu hoạt động có hiệu quả thì việc bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm hoạt động cho đại biểu là việc làm cần thiết. Chính vì vậy, ngay từ giai đoạn chuẩn bị bầu cử, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử của Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập huấn kỹ năng tiếp xúc cử tri vận động ứng cử cho những người ra ứng cử đại biểu HĐND sau đó tổ chức 02 Hội nghị để trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn. Với cách làm này không chỉ trang bị kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp mà còn bỗi dưỡng kỹ năng cho cử tri và nhân dân để cùng phối hợp hoạt động với đại biểu HĐND. Ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai luôn tạo điều kiện để các đại biểu tăng cường khảo sát thực tế; bám sát các cơ quan chức năng trong việc trả lời, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của cử tri; nghiên cứu sớm các tài liệu trình kỳ họp và tham gia hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.
Để giúp HĐND quyết định đúng và trúng, Thường trực HĐND tỉnh đã thể hiện tốt vai trì của mình thông qua việc trình HĐND xem xét thông qua chương trình ban hành Nghị quyết hàng năm của HĐND. Chương trình luôn đảm bảo bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương; căn cứ vào yêu cầu từ thực tế thông qua hoạt động giám sát và tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua thực tế điều hành công việc và các kênh thông tin khác; căn cứ vào điều kiện thực tế, khả năng thực hiện của địa phương. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN, UBND tỉnh quyết định việc đưa ra những nội dung có tính chất thường kỳ và chuyên đề để bàn thảo và quyết định tại các kỳ họp. Một vấn đề cần lưu ý nữa là trước khi quyết định một vấn đề, Thường trực HĐND giao các Ban HĐND thẩm tra và gợi ý, tổ chức cho các đại biểu HĐND thảo luận để xác định cho được vấn đề đó có thuộc thẩm quyền của HĐND cấp mình hay không? Quyết định như thế nào thì hợp lý để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND.
Thông tin có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chức năng quyết định của HĐND. Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai xác định những thông tin cần cung cấp cho đại biểu HĐND và gửi đến hộp thư công vụ cho từng đại biểu; chất lượng của thông tin được đảm bảo cả về độ chính xác và tính kịp thời để phục vụ cho hoạt động của đại biểu HĐND.
Đồng chí Phạm Ngọc Tuấn trả lời phỏng vấn Đài PTTH
thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị
Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai nhận thức sâu sắc rằng: Kết quả công tác giám sát là căn cứ quan trọng để HĐND ra quyết định đúng, khả thi. Thông qua hoạt động giám sát, bên cạnh khẳng định kết quả, những ưu điểm còn chỉ ra những khuyết điểm trong việc thực thi và áp dụng pháp luật; những hạn chế, tồn tại trong điều hành chỉ đạo của chính quyền địa phương; những thiếu sót trong việc thực thi nghị quyết của HĐND còn giúp HĐND hoạch định các chính sách phù hợp.. Vì vậy, sau khi nghị quyết được ban hành, Thường trực, các ban, các tổ đại biểu HĐND phải giám sát thường xuyên, chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết để sớm phát hiện và chấn chỉnh những trường hợp triển khai chậm, không đầy đủ hoặc không đúng với tinh thần nghị quyết. Đây là khâu có ý nghĩa quan trọng đánh giá chất lượng và hiệu quả tác động của nghị quyết, bảo đảm nghị quyết được thực thi đồng bộ, hiệu quả. Vấn đề này được thể hiện cụ thể ở chương trình giám sát, khảo sát hàng năm của HĐND tỉnh Đồng Nai với nhiều hình thức: giám sát chuyên đề và giám sát trực tiếp tại kỳ họp thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, xem xét báo cáo của UBND và các ngành tại kỳ họp...
Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai cũng chú trọng đặc biệt tăng cường giám sát ở một số lĩnh vực “nóng” điển hình trong lĩnh vực môi trường, xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân. Quá trình giám sát, Thường trực HĐND lưu ý các đoàn mời đại diện UBMTTQVN cùng tham dự để giám sát hoạt động HĐND đồng thời thông tin đầy đủ, kịp thời kết quả hoạt động giám sát trên các phương tiện thông tin để cử tri biết, giám sát hoạt động đại biểu.
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo theo quy định; tính công khai, thông tin rộng rãi trong các hoạt động này được bảo đảm thông qua các hình thức: Công bố trên các phương tiện thông tin về lịch và địa điểm tiếp xúc cử tri, tiếp công dân của từng đại biểu; thông tin và trao đổi thông tin về giải quyết, trả lời ý kiến cử tri. Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho việc tổ chức các Hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Về nội dung lựa chọn căn cứ vào thời điểm cụ thể và tình hình cụ thể để Thường trực HĐND tỉnh quyết định.
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai triển khai mô hình HĐND điện tử thông qua việc các đại biểu tự trang bị máy tính xách tay và được cung cấp một địa chỉ hộp thư công vụ. Đây là việc làm thể hiện quyết tâm, sự nỗ lực, cố gắng của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VII và tiếp tục được kế thừa, phát triển trong khóa VIII hiện nay. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động HĐND đã giúp cho đại biểu có thêm thông tin về hoạt động HĐND và tình hình kinh tế xã hội của tỉnh để phục vụ cho hoạt động giám sát, thảo luận, quyết định các vấn đề tại kỳ họp cũng như việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải thích và tuyên truyền pháp luật đến cử tri.
Một nội dung sau cùng thể hiện vai trò của Thường trực HĐND trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND thông qua việc Thường trực HĐND xử lý các vấn đề phát sinh trong thời gian giữa hai kỳ họp. Khi UBND xin ý kiến về một vấn đề cụ thể, Thường trực HĐND sẽ quyết định theo tập thể để UBND có cơ sở xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh sau đó báo cáo với HĐND tại kỳ họp gần nhất. Với vai trò là “ Thường trực” của HĐND, Thường trực HĐND luôn sáng suốt trong quyết định vấn đề, thể hiện vai trò đại diện của cơ quan đại diện và cần sự hỗ trợ từ các Ban HĐND cũng như sự tham mưu, giúp việc rất lớn của bộ phận Văn phòng.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, ngoài vai trò của Thường trực HĐND tỉnh như nêu trên thì cấp Ủy địa phương mà cụ thể là Tỉnh ủy Đồng Nai đóng vai trò quyết định. HĐND tỉnh Đồng Nai luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và kịp thời của Tỉnh ủy ngay từ đầu các nhiệm kỳ, thể hiện cụ thể qua việc Tỉnh ủy ban hành các Nghị quyết lãnh đạo thường kỳ định hướng cho hoạt động của Đảng đoàn và của HĐND; lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát sinh nhưng không có tình trạng cấp ủy Đảng làm thay các công việc của HĐND và hoạt động của HĐND không thoát ly sự lãnh đạo của Đảng. Dưới sự lãnh đạo Tỉnh ủy, việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa HĐND với các cơ quan, tổ chức đã đạt được sự thống nhất cao để cùng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương phù hợp với tình hình cụ thể hiện nay.
Nguyễn Thị Oanh