Năm 2009 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2098/QĐ-UBND ngày 24/7/2009 về chương trình thực hiện công tác dân vận chính quyền, với đặc điểm là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, trước tình hình suy giảm kinh tế thế giới tác động mạnh đến nền kinh tế xã hội trong nước nói chung và Đồng Nai nói riêng, đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Song với sự phấn đấu tích cực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng đảm bảo mục tiêu đề ra. Kết quả đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có nội dung việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động ở cơ quan hành chính, đơn vị sư nghiệp được phát huy và mở rộng đã giúp cho cán bộ, công chức ngày càng nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; tác phong, lề lối làm việc có chuyển biến tích cực về thái độ phục vụ nhân dân; năng lực và trình độ ngày càng được nâng cao. Việc thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Nhà nước đã được thực hiện, bước đầu có hiệu quả, thành nền nếp trong phục vụ nhân dân.
Thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) và Nghị định 71/1998/NĐ-CP của Chính phủ, các cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ, kết hợp với đẩy mạnh thực hiện bước hai cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức. Hầu hết các đơn vị đều tổ chức tốt hội nghị cán bộ, công chức, xây dựng quy chế phối hợp giữa thủ trưởng đơn vị với công đoàn cơ sở, các tổ chức quần chúng, phát động phong trào thi đua, yêu nước...Đã xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế chi tiêu nội bộ, tiến hành công khai tài chính và động viên cán bộ, công chức thực hành tiết kiệm, nâng cao trách nhiệm cá nhân, hạn chế những hiện tượng tiêu cực, quan liêu, cửa quyền của thủ trưởng đơn vị, phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ trong thực thi công vụ.
Trong công tác cán bộ, các cơ quan thực hiện khá nghiêm túc như thông báo về chỉ tiêu, tiêu chuẩn xét và thi tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại văn phòng cơ quan; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, phân loại cán bộ hàng năm được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ. Ban thanh tra nhân dân thường xuyên kiện toàn, góp phần tham gia giám sát và phát hiện các sai phạm của cán bộ trong thực thi nhiệm vụ. Hằng năm, các cơ quan đều gắn đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với đánh giá kiểm điểm việc thực hiện QCDC, đưa việc thực hiện QCDC là một trong những tiêu chuẩn để bình xét chi, đảng bộ, chính quyền, đoàn thể vững mạnh.
Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước được tiến hành đồng bộ với công tác cải cách thủ tục hành chính. Trong năm, nhiều cơ quan tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người dân và doanh nghiệp có liên quan như: Sở Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Thuế, Hải quan...để triển khai các chủ trương, chính sách của Chính phủ và của tỉnh, giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về đầu tư, sản xuất kinh doanh, thủ tục hành chính. Nhiều đơn vị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.
Công tác rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ được tiến hành tập trung, đến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố công khai tất cả các danh mục thủ tục hành chính, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính được áp dụng thống nhất tại chính quyền các cấp gồm tổng cộng 1.409 thủ tục; trong đó cấp tỉnh 983 thủ tục (của 20 sở ngành), 276 thủ tục hành chính cấp huyện và 150 thủ tục hành chính cấp xã. Hiện các đơn vị, địa phương đang tổ chức rà soát các thủ tục hành chính để đơn giản tối thiểu 30%.
Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được triển khai với nhiều giải pháp thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đến nay, tại 20/20 (100%) Sở; 11/11 (100%) đơn vị cấp huyện và 171/171 (100%) xã, phường, thị trấn đã thực hiện cơ chế một cửa. Nhiều đơn vị, địa phương đã tích cực điều chỉnh quy trình giải quyết hồ sơ cho phù hợp; bố trí cán bộ và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, qua đó góp phần giải quyết hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp được nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Viên Hồng Tiến