Về hoạt động tiếp xúc cử tri, đại biểu đề nghị các đại biểu HĐNĐ là lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh cần tăng thời lượng bố trí thời gian tiếp xúc cử tri nhiều hơn để giải tỏa kịp thời những bức xúc, kiến nghị của cử tri góp phần giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội, an sinh xã hội mà cử tri mong muốn, đồng thời tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Về nội dung này, được Thường trực HĐND tỉnh trao đổi: Thực hiện Luật Tổ chức HĐND&UBND, Quy chế hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri nơi ứng cử trước và sau các kỳ họp HĐND. Từ năm 2012, Thường trực HĐND tỉnh có chủ trương và triển khai quy định bổ sung mỗi đại biểu có trách nhiệm tiếp xúc cử tri tại địa bàn cư trú ít nhất 1 lần/1 năm. Việc tiếp xúc cử tri của đại biểu được theo dõi, là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu. Với đặc điểm địa lý và tình hình kinh tế xã hội của tỉnh, yêu cầu được gặp gỡ, tiếp xúc với đại biểu là lãnh đạo tỉnh rất lớn nên việc đáp ứng hết các yêu cầu của cử tri là việc làm khó. Tuy nhiên, Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận, trong thời gian tới sẽ tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh là lãnh đạo HĐND, UBND có trách nhiệm tiếp xúc cử cả trong và ngoài địa bàn ứng cử nhằm đáp ứng một phần những yêu cầu và mong muốn từ cử tri trong tỉnh.
Về tiếp xúc cử tri theo chuyên đề: Đây là nội dung Thường trực HĐND tỉnh đưa vào chương trình hàng năm và xác định là nhiệm vụ cần thiết. Tùy thuộc vào tình hình, yêu cầu của thực tế, Thường trực HĐND tỉnh sẽ lựa chọn nội dung chuyên đề để tổ chức tiếp xúc với xử tri thuộc ngành, lĩnh vực nhằm ghi nhận những ý kiến phản ánh, kiến nghị mang tính chuyên sâu của cử tri, từ đó có những kiến nghị, quyết định sát, đúng với tình hình thực tế. Do nhiệm vụ chung tại địa phương vào từng thời điểm nên việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề chưa đều đặn. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Thường trực HĐND tỉnh sẽ lưu ý, lựa chọn thời gian và nội dung thích hợp để triển khai thực hiện, đảm bảo sự phù hợp với tình hình chung của tỉnh.
Về hoạt động giám sát, đại biểu đề nghị HĐND cần tăng cường hoạt động giám sát để các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thực thi, đáp ứng niềm tin của nhân dân, trong đó quan tâm giám sát các công trình dự án, giám sát về môi trường nhằm đảm bảo phát triển kinh tế gắn liền với an sinh xã hội; giám sát việc triển khai thực hiện hiện đối với các dự án nhất là việc áp dụng bảng giá đất theo từng dự án thu hồi đất… Trao đổi về nội dung này, Thường trực HĐND tỉnh xác định, 6 tháng đầu năm, Thường trực, các Ban và Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức 52 cuộc giám sát về 26 nội dung thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xét về số lượng các cuộc giám sát là lớn; về chất lượng ngày càng được nâng cao thông qua việc đánh giá, kiến nghị các nội dung cụ thể đối với UBND, các ngành, địa phương trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình; về phạm vi chủ thể tổ chức giám sát đã đươc mở rộng đến quyền giám sát của Tổ đại biểu. Tuy nhiên, xét về yêu cầu của tình hình thực tế, Thường trực HĐND tỉnh nhìn nhận vẫn chưa đủ đáp ứng với yêu cầu vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chính vì vậy, tập thể Thường trực HĐND tỉnh đã thống nhất: Trong quý III năm 2013, sẽ phối hợp với UBND, UBMTTQVN tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề về giám sát và thực hiện kết luận giám sát để đánh giá một cách tổng thể về những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua của hoạt động này từ đó có định hướng trong việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát trong thời gian tới đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Về những nội dung giám sát mà đại biểu đã quan tâm đặt ra, Thường trực HĐND tỉnh sẽ nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung vào chương trình.
Đại biểu Quách Hữu Đức chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 3
Có ý kiến đề nghị HĐND cần tăng cường thời gian thảo luận để các đại biểu có ý kiến phát biểu về nhiều vấn đề, nhất là về những tâm tư nguyện vọng của cử tri. Trong thời gian qua, các kỳ họp HĐND tỉnh đều bố trí thời gian để đại biểu HĐND và các đại biểu tham dự kỳ họp thảo luận về toàn bộ nội dung, chương trình kỳ họp. Tùy thuộc vào khối lượng công việc của mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh còn tổ chức cho đại biểu thảo luận trước kỳ họp và đã được các đại biểu HĐND thực hiện nghiêm túc. Qua theo dõi, Thường trực HĐND tỉnh đánh giá việc thảo luận cơ bản đáp ứng yêu cầu, giúp cho đại biểu nghiên cứu, đánh giá sâu về tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương từ đó thực hiện quyền quyết định tại kỳ họp. Tuy nhiên, về nội dung này, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiếp tục xem xét, tùy thuộc vào khối lượng công việc của mỗi kỳ họp để trình HĐND quyết định về thời lượng phiên thảo luận tại kỳ họp đảm bảo hợp lý, đáp ứng yêu cầu.
Về báo cáo trả lời ý kiến cử tri và việc thông tin đến cử tri, có ý kiến đề nghị báo cáo trả lời ý kiến cử tri nên đi vào trọng tâm, ngắn gọn, dễ hiểu. Đề nghị chỉ đạo UBND các phường, xã niêm yết báo cáo trả lời ý kiến cử tri của UBND tỉnh, thành phố để cử tri được biết, nhằm hạn chế tình trạng các ý kiến đã phản ánh đã được trả lời rồi mà cử tri tiếp tục phản ánh. Nội dung này, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục phối hợp với UBND thực hiện để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng việc trả lời ý kiến cử tri. Đối với việc thông tin về trả lời ý kiến cử tri, ngoài việc thông tin đến các đại biểu HĐND, đến cấp huyện, cấp xã và các cơ quan báo, đài trong tỉnh, từ năm 2007, HĐND tỉnh đã xây dựng Website và mở chuyên mục “Trao đổi thông tin với cử tri”; chuyên mục đã có trên 1.400 ý kiến cử tri và trả lời ý kiến cử tri thuộc tất cả các lĩnh vực đã được cập nhật trên Website HĐND tỉnh và thu hút một số lượng lớn lượt người truy cập tham khảo và trao đổi (bình quân mỗi ngày có khoảng 4.000 lượt người truy cập Website). Xác định thông tin về trả lời ý kiến cử tri phải đến được với cử tri, thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh sẽ nghiên cứu đề xuất của đại biểu để có cách làm phù hợp, thiết thực để thông tin về trả lời ý kiến cử tri sẽ đến được với cử tri một cách đầy đủ nhất, sớm nhất.
Nguyễn Thị Oanh