Những vấn đề cử tri đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm giải quyết như:
Vấn đề cung cấp nước sinh hoạt
Trong những năm gần đây, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng đã quan tâm thực hiện tốt việc đầu tư hệ thống nước sạch sinh hoạt cho nhân dân, không chỉ ở khu vực đô thị mà đã thực hiện đến các khu vực nông thôn, đặc biệt đến các điểm dân cư hoặc các khu dân cư thưa thớt, sống rải rác. Tuy nhiên, nhu cầu về nước sạch vẫn tiếp tục phát sinh tại một số địa bàn, cụ thể: Nhân dân ở gần các khu vực quy hoạch chăn nuôi phải dùng nước giếng khoan có nguy cơ bị ô nhiễm do các chất thải trong chăn nuôi chưa được xử lý tốt hoặc các khu lân cận Khu công nghiệp bị nhiễm nước thải công nghiệp (vùng Kiệm Tân xã Gia Tân 3 huyện Thống Nhất; khu vực xã Thiện Tân, Thạnh Phú huyện Vĩnh Cửu). Cử tri đề nghị nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.
Về giao thông vận tải
Cử tri kiến nghị đầu tư mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhiều tuyến đường trong tỉnh, một số tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý của Trung ương như Quốc lộ 20, Quốc lộ 51, đường tránh Quốc lộ 1A; một số tuyến đường giao thông do tỉnh quản lý như tuyến đường liên huyện Xuân Lộc-Cẩm Mỹ (Xuân Tâm-Lang Minh đi Xuân Đông), Đường cầu Bốn Thước đi Long Khánh-Xuân Lộc, Hương Lộ 21 huyện Long Thành hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần kiểm tra, rà soát lại hệ thống biển báo giao thông, kẻ vạch cho người đi bộ qua đường nhất là những nơi có trường học, trạm xá, chợ; sửa chữa hệ thống thoát nước trên các tuyến đường tỉnh lộ, cải thiện hệ thống giao thông ở các giao lộ (đầu tư xây dựng cầu vượt) để giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là các KCN tại thành phố Biên Hòa. Việc chậm triển khai các dự án đầu tư nâng cấp cầu, đường gây ngập lụt, lầy lội khu vực công trình thi công ảnh hưởng đến giao thông và đời sống nhân dân khu vực lân cận cũng là vấn đề được cử tri phản ánh đợt này.
Trước tình hình vi phạm an toàn giao thông diễn biến phức tạp như hiện nay, các cơ quan chức năng của tỉnh (công an tỉnh, thanh tra giao thông) cần hỗ trợ huyện tăng cường kiểm tra kiểm soát, chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông để đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là cho các em học sinh. Đồng thời, cần kiểm tra hoạt động của các tuyến xe buýt, trong đó có Tuyến xe buýt số 16 có tình trạng nhân viên thu tiền quá mức quy định, không đưa vé cho khách, thái độ phục vụ không tốt, còn tình trạng tranh giành khách.
Quản lý tài nguyên khoáng sản
Tại phường Quang Vinh, phường Bửu Long thành phố Biên Hòa, cử tri phản ánh việc khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai vẫn xảy ra thường xuyên nhưng chưa được UBND phường và Cảnh sát môi trường xử lý.
Quyết định của UBND tỉnh cho thu hồi đất ruộng để khai thác đá tại mỏ đá xã Bình Lợi (còn có tên là Bàu Cật) đã làm cho nông dân xã Bình Lợi huyện Vĩnh Cửu băn khoăn, lo ngại hoạt động của mỏ đá sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống của bà con.
Quản lý đất đai
Nhiều địa phương trong tỉnh, cử tri phản ảnh người dân phải chờ quá lâu để chuyển giao quyền quản lý nhà, đất ở từ các đơn vị quân đội, các nông lâm trường, từ ngành cao su về cho địa phương quản lý để được cấp chủ quyền.
Tại các khu vực đô thị, người dân quan tâm nhiều đến các quy định về tách thửa đất để đảm bảo nhu cầu sang nhượng, mua bán, cho tặng. Cử tri đề nghị tỉnh xem xét việc áp dụng quy định một mảnh đất không được tách quá 10 thửa đất vì thực tế có nhiều hộ gia đình đông con có nhu cầu tách thành nhiều thửa đất để tạo điều kiện cho các thành viên ổn định chỗ, hoặc về quy định tại thành phố Biên Hòa phải có diện tích đất từ 45 m2 đất trở lên mới được tách thửa gây khó khăn cho người dân nhất là đối tượng hộ nghèo; kiến nghị cần cải tiến, đơn giản hóa thủ tục trong việc cấp đổi GCNQSD đất từ sổ đỏ sang sổ hồng vì hiện nay đa số người dân đang rất vất vả trong việc xin cấp đổi.
Cử tri cũng đề nghị UBND tỉnh xử lý, thu hồi các diện tích đất công bị lấn chiếm để phục vụ cho các nhu cầu xã hội như vụ lấn chiếm 02 ha đất công ở ấp Bàu Xình xã Suối Cao huyện Xuân Lộc, 30 ha đất rừng ở phường Long Bình thành phố Biên Hòa.
Quản lý môi trường
Nhiều đơn vị sản xuất công nghiệp xả chất thải gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho nhân dân trong khu vực, cử tri phản ánh nhiều lần nhưng chưa được ngành chức năng kiểm tra, xử lý hoặc xử lý không dứt điểm, cụ thể Công ty xi măng Công Thanh và Lafagre ở xã Phước Khánh, Công ty Kim Phong ở xã Phước Thiền huyện Nhơn Trạch, công ty Siêu Phàm tại thành phố Biên Hòa...
Tại một số địa bàn đô thị, xảy ra tình trạng không kiểm soát được các xe ra, vào để đổ rác, đổ xác gia súc, đốt rác vào ban đêm như tại khu vực hố rác 5 ha tại phường Long Bình thành phố Biên Hòa.
Tình trạng xử lý các chất thải trong những vùng sản xuất chăn nuôi tập trung tại khu vực nông thôn chưa tốt, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm là nguồn nước chính cho sinh hoạt của người dân (xã Gia Tân 3 huyện Thống Nhất). Và việc nuôi chim yến trên địa bàn khiến người dân lo ngại về nguy cơ dẫn đến dịch cúm H5N1 do chưa được cơ quan nhà nước hữu quan nghiên cứu, đánh giá một cách có cơ sở khoa học.
Quản lý các dự án đã được phê duyệt
Trong quá trình phát triển của xã hội, việc nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng chậm triển khai hoặc chưa triển khai đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Người dân trong vùng dự án không an tâm canh tác, sửa chữa nhà cửa trên đất, không có điện, nước... Cụ thể, cử tri phản ánh: Khu đất 87 ha tại phường Tân Hiệp thành phố Biên Hòa được quy hoạch để xây dựng Trung tâm hành chính của thành phố; dự án mỏ đất Tân Hiệp, KCN An Phước do Công ty Minh Hiệp chuyển giao cho Công ty Tín Nghĩa đã triển khai từ năm 2003 đến nay; dự án khu du lịch Bửu Long do Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai là chủ đầu tư; dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm và Hội nghị Quốc tế Long Thành...
Việc áp giá đền bù của nhiều dự án cũng chưa được sự đồng thuận của người dân, bên cạnh đó là tình trạng Chủ đầu tư chậm chi trả tiền đền bù cho nhân dân khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn như dự án KCN Ông Kèo huyện Nhơn Trạch.
Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Trước thực trạng người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu ra cho chăn nuôi, đồng thời tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập lậu. Tình trạng thực phẩm Trung Quốc nhập lậu và phân phối về khắp các địa phương, trong đó có việc thịt gà thải của Trung Quốc bày bán bán tràn lan với giá rẻ, được nhà ăn các công ty mua về nấu cho công nhân ăn, đã khiến cho đầu ra sản phẩm gặp sự cạnh tranh quyết liệt. Bên cạnh đó, gây thất thu cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cử tri cũng đề nghị được vay vốn đầu tư cho cây ăn trái đối với cây bưởi ít nhất là 5 năm với lãi suất thấp để đủ thời gian cho cây trưởng thành và cho lợi nhuận, đồng thời cần xem xét lại chính sách đền bù cho cây bưởi Tân Triều để điều chỉnh sự chênh lệch giữa giá bồi thường cây bưởi tại Bình Lợi và tại các xã Bình Hòa, Tân Bình, Thiện Tân và Tân An.
Văn hóa xã hội
Trong bối cảnh Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII đang nóng lên với nhiều vấn đề mang tính thời sự cao, người dân Đồng Nai cũng đề nghị UBND tỉnh kiến nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét kỹ việc xây dựng đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tránh làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái khu vực rừng Nam Cát Tiên và vùng hạ lưu. Cũng quan tâm đến công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, cử tri phản ánh tình hình tội phạm, tai nạn giao thông hiện nay có chiều hướng gia tăng cần phân tích rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp hợp lý.
Những vấn đề mấu chốt của công tác giáo dục và đào tạo như việc lạm dụng học thêm và dạy thêm, việc tránh bệnh thành tích trong học tập và nâng cao chất lượng thi cử để đảm bảo thực chất của việc dạy và học là những nội dung được quan tâm đợt này.
Trước thực trạng việc khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh lâm vào tình trạng quá tải, cử tri đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số cơ sở y tế công lập như: Bệnh viện Đồng Nai mới, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh..., quan tâm đầu tư phương tiện, máy móc mới, hiện đại và đội ngũ y, bác sĩ có trình độ nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn tỉnh về mặt chuyên môn cũng như trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất để phục vụ người dân đến khám, chữa bệnh được tốt hơn.
Về chế độ chính sách, đề nghị tỉnh xem xét, giải quyết hồ sơ quân nhân tham gia chiến trường Tây Nam, hỗ trợ cho một số đối tượng đến nay chưa có chế độ gồm: Bảo hiểm y tế cho cán bộ không chuyên trách tại xã, tăng chế độ phụ cấp cho Trưởng ấp, chính sách cho thương bệnh binh có tỷ lệ mất sức trên 61%. Bên cạnh đó, cần gia hạn nợ cho đối tượng học sinh, sinh viên vay tiền đi học nhưng khi học xong trúng tuyển nghĩa vụ quân sự nên chưa có điều kiện trả nợ.
Lĩnh vực hoạt động của HĐND tỉnh
Đề nghị HĐND tỉnh tăng cường giám sát ở một số lĩnh vực như các dự án BOT trên địa bàn vì theo cử tri, chất lượng các công trình thường không bảo đảm trong khi chủ đầu tư vẫn thu tiền của dân, hoặc việc triển khai thực hiện dự án Quốc lộ 51 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, dự án khu kinh tế mở Long Hưng triển khai quá chậm. Bên cạnh đó, đề nghị HĐND tỉnh công bố kết quả giám sát chuyên đề phòng, chống tham nhũng hàng năm để cử tri rõ.
Hoạt động kỳ họp, đề nghị HĐND tỉnh nên dành thời gian thỏa đáng để thảo luận và ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết chuyên đề về xây dựng thị xã Long Khánh cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2015.
Chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri được đánh giá cao. Đại biểu đã nghiêm túc, trách nhiệm, thu xếp công việc, dành thời gian dự tiếp xúc cử tri theo quy định, nghiên cứu kỹ tài liệu để trả lời cho cử tri rõ nhiều vấn đề, đồng thời cung cấp thông tin và động viên cử tri hiểu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách. Tuy không có trong quy định nhưng cử tri xã Gia Tân I huyện Thống Nhất vẫn đề nghị trong các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, cử tri được phát tài liệu để có điều kiện nắm bắt sâu về tình hình kinh tế xã hội an quốc phòng của tỉnh, hoặc nêu tên cụ thể số đại biểu vắng mặt để nhân dân biết, giám sát đại biểu tốt hơn.
Kim Chung