Tham gia phát biểu về một số nội dung của Dự
án Luật bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Đại biểu Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn
đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai kiến nghị một số vấn đề như sau:
Về những vấn đề chung: Đại biểu nêu dự án
luật còn trên dưới 15 điều trong tổng số 77 điều chờ hướng dẫn của Chính phủ và
bộ ngành. Để đảm bảo tính cụ thể, đại biểu đề nghị dự án luật khi trình Quốc
hội thông qua phải bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của hệ thống các luật khác
có liên quan. Cụ thể như Luật bảo vệ môi trường, Luật quảng cáo, Luật hóa chất,
Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật cán bộ công chức, Luật trách nhiệm bồi
thường của nhà nước, Luật xử lý vi phạm hành chính v.v... Qua đó cần dẫn chiếu những
nội dung có liên quan mà không phải nêu trong dự án luật dài nhưng mà thiếu cụ
thể.
Đại biểu Trương Văn Vở cho rằng dự án luật
còn quá nhiều nội dung chờ Chính phủ, bộ, ngành hướng dẫn. Để thực hiện đúng
quy trình xây dựng dự án luật theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ông
đề nghị quan tâm vấn đề cốt lõi là làm rõ trong luật này hệ thống cơ quan
chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật vì trong dự án luật vẫn chờ Chính phủ
quy định và quy định rõ chủ thể trách nhiệm để làm cơ sở xử lý vi phạm theo
luật định.
ĐBQH Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật - kỳ họp thứ 6, QH 13
Về vấn đề cụ thể đại biểu Trương Văn Vở đề
nghị quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, phải đảm bảo tính hệ thống đồng bộ
các luật khác, về thông tin truyền thông bảo vệ kiểm dịch thực vật (Điều 6), đại biểu nhận thấy quy định như dự
thảo rất hẹp, khó đi vào thực tiễn cuộc sống, đề nghị ngoài những quy định hiện
có trong Luật quảng cáo thì Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật cần quy định chi
tiết, cụ thể không chỉ ở phạm vi bảo vệ kiểm dịch mà còn phải tính đến yếu tố
liên quan về công tác quản lý bảo vệ thực vật. Đồng thời làm rõ nội dung hình
thức, cơ quan tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong công tác thông tin
truyền thông.
Thứ hai, về trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước,
đề nghị xem xét lại Điều 7 để tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Tài
nguyên môi trường và Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn. Quan trọng là tránh
đùn đẩy trách nhiệm đối với việc thu hối, tiêu hủy, xử lý kể cả xử lý thuốc và
gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.Đề nghị quy định rõ trách nhiệm cá nhân
của cán bộ công chức thực thi nhiệm vụ về bồi thường thiệt hại theo Luật Bồi
thường của nhà nước.
Thứ ba, về hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo
vệ kiểm dịch thực vật ở Điều 9, đề nghị làm rõ cơ quan chuyên ngành kể cả trung
ương và địa phương.
Thứ tư, về phòng chống sinh vật gây hại thực
vật, đại biểu đề nghị khuyến khích ứng dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng những
thành tựu khoa học công nghệ sinh học thân thiện với môi trường vào sản xuất
nông nghiệp trong công tác phòng chống vi sinh vật gây hại.
Vấn đề thứ năm ở Chương III về kiểm dịch thực
vật: Đề nghị quan tâm Điều 37 - điều kiện hành nghề xử lý vật thể thuộc diện
kiểm dịch thực vật phải tuân theo Luật bảo vệ môi trường.
Vấn đề thứ sáu, có bốn vấn đề cần quan tâm ở
Chương IV:a.Điều 65 về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, thu hồi giấy
chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, đề nghị quy
định rõ trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật theo Luật
bảo vệ môi trường, mặt khác, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện cho nên
đề nghị phải dẫn chiếu theo Luật doanh nghiệp; b.Về bao gói, nhãn thuốc bảo vệ
thực vật, đề nghị quy định cụ thể, dẫn chiếu theo Luật hóa chất và Luật chất
lượng sản phẩm hàng hóa; c.Về trách nhiệm bồi thường của đơn vị và cơ sở sản
xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật gây thiệt hại môi trường. Việc xử lý vi
phạm này cần được tuân theo Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật trách nhiệm
bồi thường của nhà nước; d.Vấn đề nữa liên quan đến thu gom và xử lý gói thuốc
bảo vệ thực vật sau sử dụng. Các đại biểu nêu rất nhiều, đây là nội dung trọng
tâm mà Thường vụ, Đoàn thư ký gợi ý cho Quốc hội thảo luận, trao đổi. Đề nghị
căn cứ theo quy định hiện hành, Luật bảo vệ môi trường đã có và Quyết định số
50 tháng 8/2013 của Chính Phủ để xác định trách nhiệm của nhà sản xuất phải thu
gom.
(Bài:Đức Nhuận)