Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủHoạt động của ĐBQH

Thảo luận Luật Tạm giữ, tạm giam

Đăng ngày: 02/06/2015
​Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 2/6, các đại biểu đã làm việc tại tổ, thảo luận dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Tạm giữ, tạm giam. 

Cho ý kiến về Dự án Luật tạm giữ, tạm giam, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai -  Nguyễn Công Hồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, dự án Luật không chỉ quy định về thi hành quyết định tạm giữ, tạm giam mà còn quy định cả mô hình tổ chức, thẩm quyền quản lý, trách nhiệm của các cơ quan, người có liên quan đến công tác tạm giữ, tạm giam... Do đó, cần lấy tên là "Luật tạm giữ, tạm giam" để bao quát hết phạm vi các nội dung mà dự án Luật này điều chỉnh. Mặt khác, lấy tên "Luật tạm giữ, tạm giam" để phù hợp với tên gọi đã được ghi trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 của Quốc hội.

IMG_8954 (500 x 333).jpg
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng (ĐBQH tỉnh Đồng Nai) phát biểu tại buổi thảo luận

Không cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Khánh - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đề nghị lấy tên gọi của dự án là “Luật thi hành tạm giữ, tạm giam” vì cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật chỉ điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến việc thi hành quyết định tạm giữ, tạm giam, quản lý nhà nước; quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác tạm giữ, tạm giam mà không điều chỉnh các vấn đề về thẩm quyền, điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục ra quyết định áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam….
Thảo luận về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam, các đại biểu cho rằng, cần xác định rõ về mô hình hệ thống các cơ quan quản lý Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, bảo đảm tính minh bạch, khách quan, độc lập về mặt tổ chức, quản lý cán bộ với cơ quan điều tra, tránh tình trạng điều tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với người bị tạm giữ, tạm giam.
Đại biểu Nguyễn Công Hồng đề nghị nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc do Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ như đối với hệ thống trại giam hiện nay, bảo đảm minh bạch, rõ trách nhiệm giữa cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra, có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan này trong việc chấp hành pháp luật tạm giữ, tạm giam, nhất là bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, sự tôn trọng về nhân phẩm, danh dự của người bị tạm giữ, tạm giam.
Về chế độ tạm giữ, tạm giam, đại biểu Nguyễn Công Hồng đề nghị quy định rõ 03 chế độ, đó là chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam; chế độ của người đang chờ thi hành án và chế độ đối với người bị kết án tử hình bị tạm giam.

Thảo luận Dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, các đại biểu cho ý kiến về việc bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, về điều tra đối với một số trường hợp phát hiện tội phạm ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của mình và bổ sung quy định nhằm bảo đảm sự phối hợp, kiểm soát giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.

Theo chương trình, sáng 3/6, các đại biểu làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Đức Nhuận